Sau ồn ào, hàng loạt trường đại học bỏ trống "ghế" hiệu trưởng
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 06:39, 12/04/2023
Chỉ riêng tại TPHCM, hàng loạt trường đại học như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM... Tại các trường này chỉ có quyền hiệu trưởng hoặc giao cho Phó hiệu trưởng phụ trách.
Từ khi PGS.TS Đỗ Văn Dũng chính thức thôi làm hiệu trưởng vào tháng 4/2021, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xảy ra nhiều biến cố nhưng đến nay "ghế nóng" vẫn trống.
Ngay khi ông Dũng thôi làm hiệu trưởng, Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ra quyết nghị đối với ông Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy giữ chức vụ Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhiều ý kiến lập tức phản đối khi cho rằng quyết nghị vi phạm nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn nhân sự hiệu trưởng do Hội đồng trường ban hành. Thời điểm đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có báo cáo khẩn gửi Bộ GD&ĐT về việc thực hiện quy trình nhân sự, đề nghị Bộ công nhận hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã không công nhận đề nghị trên khi cho rằng việc Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ký thông báo này không đúng quy định.
Ngày 15/6/2022, Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm thống nhất giao PGS.TS Lê Hiếu Giang phụ trách trường cho đến khi có hiệu trưởng mới nhưng không quá ngày 31/10/2023.
Vài tháng sau ồn ào nói trên, ông Nguyễn Trường Thịnh thôi việc tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chuyển sang công tác sang Trường ĐH Kinh tế TPHCM.
"Sóng gió" nội bộ nhiều năm trước tại Trường Đại học Luật TPHCM cũng được cho là xuất phát từ việc "ghế nóng" hiệu trưởng bị bỏ trống.
Khi GS.TS Mai Hồng Quỳ sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ, thôi làm hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng được giao nhiệm vụ phụ trách trường vào tháng 3/2018.
Đến tháng 12/2020, ông Hải được trao nghị quyết giao nhiệm vụ Quyền hiệu trưởng và giữ nhiệm vụ này cho đến nay.
Sau khi nghỉ hưu, vào tháng 12/2018, GS.TS Mai Hồng Quỳ chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen. Nhưng, chỉ một hơn một năm sau, Hội đồng Trường ĐH Hoa Sen đã họp và thống nhất miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng đối với bà Quỳ từ ngày 1/4/2020.
Vị trí hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen thời điểm năm 2018 cũng được xem là "ghế nóng" trong lĩnh vực giáo dục đại học khi chỉ trong một năm, trường này thay đến 3 hiệu trưởng.
Vào tháng 4/2021, Bộ Y tế "tuýt còi" quyết định bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng đối với PGS.TS. Ngô Quốc Đạt và TS Hà Mạnh Tuấn của Trường ĐH Y Dược TPHCM do sai sót trong quy trình bổ nhiệm. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, phó hiệu trưởng được giao nhiệm vụ phụ trách trường.
Nhưng vào ngày 6/4 vừa qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế trao quyết định về việc giao phụ trách, điều hành Đại học Y Dược TPHCM đối với PGS.TS. Ngô Quốc Đạt, phó hiệu trưởng trường này thay cho ông Nguyễn Hoàng Bắc.
Như vậy, đã gần 3 năm nay kể từ khi GS Trần Diệp Tuấn thôi chức vụ hiệu trưởng và chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Y Dược TPHCM không có hiệu trưởng.
Tại Trường ĐH Nông lâm, kể từ khi GS Nguyễn Hay nghỉ hưu vào năm 2020 cũng không có hiệu trưởng. Phụ trách trường được giao cho PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng và đến đầu năm 2021, ông Hùng được giao quyền hiệu trưởng trường này.
"Ghế" hiệu trưởng để trống cũng từng là vấn đề "nóng" tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng sau khi ông Lê Vinh Danh bị kỷ luật với hình thức cách chức Hiệu trưởng vì sai phạm vào tháng 10/2020.
Nửa năm sau, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyết định công nhận Quyền hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với TS Trần Trọng Đạo. Đến tháng 11/2022, sau 1,5 năm giữ nhiệm vụ quyền hiệu trưởng, ông Đạo được công nhận là Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Việc "khuyết" hiệu trưởng thời gian dài xảy ra tại nhiều trường đại học kéo theo băn khoăn của dư luận về vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Chưa kể, có những thời điểm, ở một số trường như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xảy ra việc hàng ngàn sinh viên bị nợ bằng tốt nghiệp vì "ghế nóng" đang bỏ trống.
Để bổ sung những điểm chưa quy định cụ thể trong , thành phần tập thể lãnh đạo, hội đồng trường…, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 ngày 30/12/2019 (gọi tắt là Nghị định 99) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.