Đừng vì tham mà cắt bớt đồ ăn, đẩy cao giá dịch vụ để lấy "hoa hồng"

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 09:06, 10/04/2023

Bữa ăn bán trú bị cắt xén hay hiệu trưởng dùng "hoa hồng" làm "mồi câu" giáo viên vận động học sinh tham gia ngoại khóa là những điều nhức nhối, gây mất niềm tin trong phụ huynh.

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục liên quan tới kinh phí đã dấy lên những nghi ngại về tính minh bạch tài chính, thu chi trong nhà trường.

Mới đây nhất, phụ huynh Trường American Montessori International School (AMIS) tại Hà Nội, bức xúc tố của học sinh giá 70.000 đồng/ngày nhưng quá ít ỏi, lèo tèo: Cốc nước cam loãng như nước lọc, một quả nho chia làm đôi, một quả chuối chia 3-4 phần và mỗi con được 3 lát, 18 học sinh nhưng được 6 quả chuối…

Đừng vì tham mà cắt bớt đồ ăn, đẩy cao giá dịch vụ để lấy hoa hồng - 1

Hình ảnh bữa ăn của học sinh tại trường AMIS cơ sở Trần Hữu Dực khiến nhiều phụ huynh bức xúc (Ảnh: PHCC).

Hay như trường trường, lớp lớp tổ chức đi ngoại khóa nhưng không xứng "đồng tiền bát gạo" mà phụ huynh đóng góp. Thậm chí, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM) còn vận động giáo viên "bằng mọi giá" để học sinh tham gia ngoại khóa, mỗi em đi giáo viên được hưởng 10.000 đồng.

Điểm danh lại các khoản có thể được trích lại "hoa hồng" hoặc đẩy giá dịch vụ lên cao thì vô số. Từ mua sắm trang thiết bị, bán trú, dạy tiếng Anh tăng cường, hoạt động ngoại khóa, đồng phục, sách vở,… Thậm chí từ chiếc nhãn vở, bìa bao, giấy kiểm tra, logo trên áo. Chưa kể, đủ các khoản tiền khác mà phụ huynh phải đóng nhưng không rõ việc thu, chi như thế nào như quỹ cha mẹ học sinh, tài trợ, tự nguyện…

Một nguyên hiệu trưởng trường tiểu học tại TPHCM phải thốt lên khi chia sẻ với PV Dân trí rằng: "Hầu như khoản nào cũng có .

ThS Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) thừa nhận trong một thời gian khá dài, phụ huynh đang mất niềm tin vào nhà trường.

Ông dẫn chứng như vấn đề hoạt động ngoại khóa, giá trị thực mà phụ huynh, học sinh nhận được không đúng với phần kinh phí đã đóng.

Nhiều chương trình khi học sinh lên xe được phát một chiếc bánh bao không hề ngon lành hay chiếc bánh mì cứng ngắc cũng bắt con ăn. Hầu hết các chuyến tham quan làm theo cách xưa cũ, đưa đi rồi thuyết minh, ai nghe thì nghe. Vì thế, cần phải nghiên cứu làm sao cho mới mẻ, phù hợp với tâm lý học sinh.

Ông nhấn mạnh: "Các nhà trường phải làm lại, phải xây dựng niềm tin từ các sản phẩm trong trường. Nghĩa là trong giáo dục không được "lời", không được quyền kinh doanh trong giáo dục. Những điều toan tính về kinh tế sẽ làm mất đi giá trị nhân văn cao quý của giáo dục".

Đừng vì tham mà cắt bớt đồ ăn, đẩy cao giá dịch vụ để lấy hoa hồng - 2

ThS Huỳnh Thanh Phú kêu gọi lãnh đạo các trường phải làm bằng cái tâm, làm cho quần chúng nhân dân thấy được cách mình làm (Ảnh: TP).

Ông lấy ví dụ việc về tiết học giáo dục địa phương, khi đưa học sinh đến viếng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu thì nhà trường đã mời nhà hát cải lương đến hát trích đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga. Hay học bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" thì mời nghệ sĩ đến đọc văn tế...

Những trải nghiệm thực tế này giúp học sinh hào hứng trong tiếp thu kiến thức hơn là chỉ nghe cô giáo giảng trên lớp. Biểu hiện là học sinh chăm chú theo dõi và vỗ tay từng đợt, từng đợt.

"Học sinh về nhà chia sẻ với ba mẹ rằng chương trình rất hay. Phụ huynh sẽ cảm thấy bỏ tiền ra đóng cho con tham gia các hoạt động là đúng đắn. Phụ huynh sẽ thương trường, thương thầy cô. Khi đã thương, đã tin thì làm gì cũng được ủng hộ", Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân phân tích.

Để xây dựng niềm tin trong phụ huynh khi tham gia các hoạt động đóng góp của nhà trường, ông Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh việc đầu tiên phải đưa ra giá cả làm sao để phụ huynh thấy hợp lý. Chương trình tổ chức cho các con ra sao, đặc sắc như thế nào. Từ hợp lý mới đi đến hợp tình.

Ông cho rằng, người làm công tác giáo dục mà có một chữ "tham" thì dễ biến tướng, làm cho quá trình giáo dục một đứa trẻ bị méo mó, không còn trong sáng.

"Với lãnh đạo nhà trường, khi đụng đến kinh phí đừng để ai, dù chỉ là một người có suy nghĩ lệch lạc về kinh phí đó. Hiệu trưởng cần có cách làm nào để thuyết phục được phụ huynh. Đừng để phụ huynh ca thán" - ông Phú bày tỏ.

Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh: "Ăn bớt chương trình, bớt nước, bớt đồ ăn để lấy "hoa hồng", chênh lệch hay làm chương trình cho hay, đẩy giá lên cao cũng không đúng. Tất cả là hợp tình, hợp lý thì phụ huynh mới đồng thuận ".

Hoàng Chung