Làm thế nào để tránh bẫy lừa mua sắm online?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 20:20, 09/04/2023
Bẫy lừa đảo trên các trang mua hàng trực tuyến
Mạo danh nhân viên của các sàn thương mại điện tử, gọi điện thông báo tặng quà, trúng thưởng hay lập gian hàng ảo là các thủ đoạn lừa đảo khách hàng mua sắm trực tuyến.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, dịch vụ mua bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội hay các ứng dụng mua sắm online ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà hình thức mua sắm này mang lại, cũng đã xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo giăng bẫy người tiêu dùng. Bạn sẽ làm gì khi nhận được cuộc gọi từ những người tự xưng từ chính các sàn thương mại để tặng quà hay thông báo trúng thưởng? Sau đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.
Thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng với đủ chủng loại, mẫu mã và các mức giá. Chỉ vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể lựa chọn, thanh toán tiền mua hàng và hàng sẽ được chuyển đến tận nơi. Tuy nhiên, chính sự tiện ích này lại vô tình tiếp tay cho kẻ xấu bằng chiêu trò mạo danh nhân viên của các sàn thương mại điện tử, gọi điện thông báo tặng quà, trúng thưởng đến khách hàng rồi yêu cầu họ phải chuyển trước một khoản phí vận chuyển quà tặng để chiếm đoạt.
Các đối tượng lừa đảo đã khiến nhiều người nhẹ dạ, cả tin sập bẫy. Trường hợp một người phụ nữ thường xuyên mua hàng trực tuyến này là 1 ví dụ.
"Lập gian hàng ảo"cũng là 1 chiêu trò rất phổ biến. Các đối tượng lừa đảo lập ra các gian hàng ảo trên các trang mua sắm trực tuyến, sau đó đăng hình ảnh, rao bán nhiều sản phẩm với giá rẻ kèm theo những lời quảng cáo có cánh. Đến khi có người đặt mua, ngay lập tức chúng sẽ hủy đơn bán hàng trên các trang mua sắm trực tuyến, rồi thuê dịch vụ giao hàng, chuyển hàng giả đến cho khách hàng.
Nhiều người khi nhận hàng vẫn thanh toán tiền mua hàng. Chỉ đến khi mở hàng ra mới biết mình bị lừa như trường hợp một người đã bị mất tiền oan khi mua phải sim 4G giả trên gian hàng ảo do kẻ xấu lập ra.
Cơ quan công an nhận định, cùng với sự phát triển mạnh về số lượng các sàn giao dịch thương mại điện tử, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang lợi dụng triệt để sự sơ hở cũng như sự nhẹ dạ cả tin của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo. Nhiều trường hợp số tiền bị lừa không lớn, vì xấu hổ đã không chia sẻ với những người xung quanh, không đến trình báo cơ quan chức năng khiến cho lại càng có thêm nhiều người sập bẫy các chiêu trò lừa đảo.
Việc mua hàng trực tuyến tiện lợi nhưng đi kèm là rất nhiều rủi ro. Nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở của các trang thương mại điện tử, sự thiếu kiểm soát, thiếu cơ chế bảo vệ khách hàng và sự nhẹ dạ cả tin để thực hiện các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Hậu quả là không chỉ người dân là những người mua hàng thiệt hại tài sản mà các trang thương mại điện tử cũng bị ảnh hưởng uy tín một cách nghiêm trọng.
Phòng chống lừa đảo khi mua hàng trực tuyến
Sàn thương mại thì mất uy tín, người dân thì thiệt hại thấy rõ là mất tiền. Vậy khi mua hàng trực tuyến, người mua cần ghi nhớ những biện pháp gì? Các trang thương mại điện tử cũng như các cơ quan quản lý cần làm gì để ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo thông qua các ứng dụng mua hàng trực tuyến?
Sau đây sẽ là một số khuyến cáo từ cơ quan công an:
- Không chia sẻ, công khai các thông tin cá nhân lên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
- Khi mua hàng trực tuyến, người dân cần xem kỹ đánh giá về gian hàng. Mục đích là để xem những người mua hàng trước đó đánh giá thế nào.
- Cần tìm hiểu kỹ thông tin về đặc điểm, giá thành, chế độ bảo hành sản phẩm.
- Người mua cũng có thể so sánh các sản phẩm tương tự trên các ứng dụng mua hàng trực tuyến khác nhau trước khi quyết định mua hàng. Không nên ham rẻ mà đặt mua những sản phẩm khuyến mại nếu không biết rõ về sản phẩm.
- Khi mua hàng trực tuyến, cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm mình đã đặt mua xem có trùng khớp với thông tin mã đơn hàng trên ứng dụng của các sàn giao dịch thương mại điện tử hay không thì mới nhận hàng và trả tiền.
Khi phát hiện hành vi lừa đảo, cần ngay lập tức liên hệ các tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của các trang thương mại điện tử hoặc gửi đơn tố giác tới cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương
Các đơn vị sở hữu, vận hành các trang thương mại điện tử hay các ứng dụng mua sắm trực tuyến cũng cần tăng cường phối hợp với lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong việc tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của khách hàng để rà soát, phát hiện kịp thời các đối tượng nghi vấn.