'Con dao hai lưỡi' khi thu vé vào Hội An

Nhịp sống - Ngày đăng : 06:59, 08/04/2023

Theo các chuyên gia, TP Hội An cần có đề án và lộ trình rõ ràng cho việc thu vé. Đồng thời, địa phương cần nâng tầm dịch vụ cho phố cổ để xứng đáng với chi phí bỏ thêm này.

"Dưới góc độ doanh nghiệp, việc thu vé vào phố cổ Hội An là cần thiết. Tuy nhiên khi địa phương có chủ trương tiến hành thu vé, phải đặt ra lộ trình dùng tiền của du khách vào đâu", bà Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, nhận định.

Quy định tất cả du khách vào phố cổ Hội An phải mua vé đã có từ năm 1992, song lâu nay công tác quản lý chưa chặt chẽ. Theo kế hoạch mới, từ ngày 15/5, mọi du khách phải mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An, kể cả khách đi dạo phố và ăn uống. Mức tham quan là 120.000 đồng/vé (khách quốc tế) và 80.000 đồng/vé (khách nội địa).

Theo các chuyên gia, vấn đề thu vé vào Hội An có thể gây nên ý kiến trái chiều. Trước khi tiến hành quy định mới, chính quyền cần có đề án và lộ trình rõ ràng. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương cần nâng tầm dịch vụ cho phố cổ để xứng đáng với chi phí bỏ thêm của du khách.

Cần lộ trình rõ ràng

Trao đổi với Zing, bà Phương Hoàng nhận định việc TP Hội An thu vé với du khách là không mới. Bài toán đặt ra sau khi thu vé, chính quyền sẽ làm những gì để nâng tầm khu phố. Những địa điểm xuống cấp thì cần duy tu, bảo dưỡng; một số nơi khác thì tiến hành chỉnh trang hay làm mới để cho khu vực chỉn chu hơn.

Ở Hội An hiện vẫn tồn tại một số bất cập như thiếu nhà vệ sinh, chưa có làn đường riêng cho khách đi xe đạp... Sau khi thu vé, lãnh đạo địa phương nên cải thiện chất lượng dịch vụ công cộng, đồng thời tổ chức thêm các lễ hội hay tiết mục về đêm cho du khách.

Khi địa phương có chủ trương tiến hành thu vé, phải đặt ra lộ trình dùng tiền của du khách vào đâu

Bà Phương Hoàng

Bà Phương Hoàng đánh giá khi TP Hội An tiến hành thu vé, ban đầu sẽ có biến động khi lượng khách giảm. Tuy nhiên, nếu công tác quản trị được tốt hơn thì hoàn toàn có thể cải thiện hình ảnh cho phố cổ, giúp thu hút lại du khách.

"Khi TP Hội An có sự sắp xếp chỉn chu rồi thì việc thu vé sẽ là động thái tốt, đưa khách đến nhiều hơn chứ không phải làm mất khách", lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel nhận xét.

Với mức giá mới, bà Phương Hoàng đánh giá không phải quá cao hay quá thấp. Ở một số địa điểm du lịch trong nước, giá vé dao động 10.000-350.000 đồng/người, thậm chí nếu đi cáp treo khách cần bỏ thêm khoảng 700.000 đồng.

"Vấn đề giá vé đắt hay rẻ thì cần nhìn vào tương lai, du khách được trải nghiệm thêm những gì, mức vé của từng dịch vụ thay đổi ra sao", bà nhấn mạnh.

pho co Hoi An anh 1
Theo chuyên gia, khi chính quyền thu vé, giúp Hội An trở nên chỉn chu và hấp dẫn hơn thì đây sẽ động thái tốt giúp thu hút du khách. Ảnh: Thanh Đức.

Bà Phương Hoàng nhận định việc thu vé cũng là "con dao hai lưỡi" nếu địa phương không tiến hành quản lý lại khu phố cho thật tốt. Chính quyền TP Hội An cần đề ra lộ trình rõ ràng, hội ý với người dân và tiểu thương trong khu vực, phân được trách nhiệm của các nhóm người dân - tiểu thương - du khách sẽ làm gì trong việc xây dựng và phát triển phố cổ.

"Cần phát triển TP Hội An theo mô hình xã hội hóa, chính quyền định hướng chủ đầu tư. Theo tôi cần xã hội hóa và đầu tư trước, rồi đến quy hoạch tổng thể, sau đó mới tiến hành thu vé. Nhờ vậy du khách sẽ thấy được khi mất thêm tiền thì đem lại những giá trị nào. Nếu không, thành phố rất dễ nhận phản ứng ngược", bà Phương Hoàng nhận xét.

Bất cập

Theo lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel, quy định thu vé này có sự bất cập khi tiến hành quá nhanh. Lãnh đạo địa phương công bố quy định vào đầu tháng 4 nhưng 15/5 đã triển khai có thể dẫn đến sự bị động đối với các công ty du lịch.

"Khi ban hành quy định mới cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm cho các đại lý và công ty du lịch thích nghi, thông báo với khách hàng. Ví dụ với khách quốc tế mua tour cuối năm thì đầu năm đã đặt. Trường hợp thông báo nhanh thế này, công ty phải trả thêm phí chứ không thể đòi khách", bà Phương Hoàng nói, đồng thời cho biết việc này sẽ rất khó khăn với các công ty du lịch trong điều kiện hiện nay.

Trước khi tổ chức thu vé đối với mọi du khách, chính quyền cần tính đến khả năng đáp ứng của thành phố

Ông Hoàng Phương

Có góc nhìn khác, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội, cho biết quy định mới của TP Hội An khá bất cập và "mang tính tận thu".

Chuyên gia nhìn nhận việc Hội An thu vé ở những địa điểm tham quan là đúng. Tuy nhiên, nếu chỉ vào phố cổ để ăn cao lầu hay uống cà phê mà yêu cầu đóng thêm 80.000 đồng/người là điều phi lý.

Theo ông Phương, Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới nên mỗi năm đều có kinh phí trùng tu từ tổ chức UNESCO và Nhà nước. Nếu muốn bổ sung tiền quản lý hay chi phí khác, lãnh đạo địa phương có thể phát triển thêm từ việc tổ chức lễ hội văn hóa, kêu gọi nhà tài trợ, chứ không nên thu thêm vé.

"Trước khi tổ chức thu vé đối với mọi du khách, chính quyền cần tính đến khả năng đáp ứng. Mức độ bảo quản, trùng tu, nhân sự hỗ trợ vệ sinh ở Hội An đã tốt chưa? Các khu du lịch chỉ có 1-2 cổng nhưng Hội An là cả một khu phố với nhiều ngách nhỏ, nếu chặn mấy chục đường vào thì thực hiện thế nào", ông Phương đặt câu hỏi.

pho co Hoi An anh 2
Việc triển khai thu vé ở Hội An quá nhanh có thể ảnh hưởng đến các công ty du lịch. Ảnh: Thanh Đức.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tours, cho rằng việc thu vé ở Hội An có thể tạo tiền đề xấu cho du lịch Việt Nam. Theo ông, các quốc gia trên thế giới chỉ bán vé những địa điểm cụ thể, không bán vé tham quan không gian sống trong phố cổ.

Theo ông Mỹ, nếu chính quyền muốn tổ chức sự kiện trong phố cổ có thể tiến hành xã hội hóa, không nên yêu cầu du khách mua thêm vé. Địa phương có thể tiết kiệm chi phí bằng việc không hỗ trợ các nhà cổ đang kinh doanh, làm dịch vụ. Trừ các điểm công cộng, nhà dân trong phố cổ xuống cấp; chính quyền có thể cho vay, kêu gọi vốn sửa chữa hoặc mua lại nếu gia đình đó không có khả năng bảo trì.

Từ sự việc này, chuyên gia đề xuất rà soát các quy định phát hành và tăng giá vé. Đặc biệt, cần có sự chuẩn hóa phân loại cấp độ di sản, di tích, khu du lịch, danh thắng, bảo tàng... với bảng giá cụ thể.

"Du khách sẵn sàng ủng hộ Hội An, chung sức xây dựng phố cổ bằng nhiều cách. Trực tiếp là góp tiền mặt hoặc trang thiết bị, vật liệu, công sức. Gián tiếp là mua vé các địa điểm tham quan (không phải cả không gian phố cổ), sử dụng thêm dịch vụ. Địa phương không nên áp dụng mua vé cho tất cả du khách, dễ dẫn đến phản ứng ngược", ông Mỹ góp ý.