Họ kiếm chác trên lưng của nhân dân khốn khó
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:45, 07/04/2023
Gần đây, hàng loạt đại án được phanh phui, gây rúng động dư luận nhưng đại án “Việt Á” và "Chuyến bay giải cứu" liên quan đại dịch Covid-19 cho thấy sự tha hóa quyền lực, tha hoá đạo đức ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo rất đáng báo động. Hậu quả của nó là khôn lường, không chỉ gây tổn hại đặc biệt lớn về vật chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của người cán bộ, bào mòn niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, cách xử lý nghiêm minh, quyết liệt, “không có vùng cấm” cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước để lấy lại niềm tin đó.
“Báo động đỏ” về tha hóa quyền lực, đạo đức
Sự tha hóa quyền lực, tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý đáng báo động đỏ. Đáng lẽ phải sử dụng quyền lực để phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước nhưng họ lại dùng để ép doanh nghiệp “chung chi". Đáng lẽ họ phải chung tay vượt qua đại dịch thì họ lại lợi dụng tình cảnh "khốn khó" của nhân dân, của đồng bào để kiếm chác, trục lợi cá nhân.
Hành vi của họ không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn thể hiện sự vô liêm sỉ. Trong lúc nhân dân đang hết sức khốn khó, gồng mình chống dịch, không ít bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu ngày đêm chống dịch đến kiệt sức, thiếu thốn đủ bề thì họ là những cán bộ cấp cao, được đào tạo, bồi dưỡng qua rất nhiều trường lớp, lại chỉ lo kiếm chác đầy túi, cấu kết, móc ngoặc với nhau, bày mưu tính kế ép doanh nghiệp “chi đậm”.
Vì tiền họ bất chấp tất cả, họ sẵn sàng bỏ qua mọi quy trình, giải quyết thủ tục nhanh chóng còn không thì họ gây khó dễ, chặn luôn cửa làm ăn.
Chủ trương tốt đẹp, rất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta đã bị họ biến thành cơ hội béo bở để trục lợi, là điều Đảng không thể dung tha, Nhân dân không thể dung thứ.
Vi phạm của họ mang tính tổ chức, hệ thống, có sự móc nối, liên kết ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, câu kết chặt chẽ với nhau, tha hóa quyền lực, tha hóa đạo đức rất tồi tệ.
Quyết tâm cao, nói đi đôi với làm
Trong một thời gian ngắn, một loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý bị điều tra, truy tố. Trong đó, có những cán bộ cấp cao, thậm chí rất cao. Đây là minh chứng hùng hồn về tinh thần đấu tranh triệt để với những cán bộ suy thoái, biến chất dù đang lẩn trốn ở đâu, đang ngồi chiếc ghế nào, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”, là làm thật, nói đi đôi với làm, không phải nói suông.
Qua đó cũng cho thấy bản lĩnh chính trị của Ðảng, thẳng thắn nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, dũng cảm thừa nhận và coi tham nhũng là nguyên nhân gây mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước. Điều đó chứng tỏ quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào thực chất, nhiệm vụ này dù khó khăn, nhiều thử thách, nhưng với quyết tâm cao, sự đồng lòng nhất trí của toàn Ðảng, toàn dân, với tinh thần “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, nhất định sẽ thành công.
Đổi mới công tác cán bộ cấp bách hơn bao giờ hết
Vì sao sự tha hóa quyền lực, tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý đến mức báo động đỏ như vậy? Đâu là giải pháp? Xét từng cá nhân có vô vàn lý do khác nhau, nhưng xét trên bình diện chung, có thể khái quát thành các nguyên nhân chủ yếu sau.
Thứ nhất, trong một thời gian dài, quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ, kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa thực sự nghiêm minh. Bởi vậy, một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý hình thành tâm lý tự cho mình là “vùng cấm”, “bất khả xâm phạm”, tự tung tự tác, “anh hùng nhất khoảnh”...
'Nhân tài phải có lối đi riêng cho họ'
"Hiện nay ta đang đồng nhất viên chức, công chức với nhân tài. Nhân tài bị trói buộc bởi quy định công chức, viên chức, trong đó trước hết là ngăn chặn độ tuổi. Nhân tài làm gì có tuổi!".
Thứ hai, công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý còn yếu kém, chưa đủ sức sàng lọc những người có phẩm chất đạo đức kém, hám danh lợi, cơ hội. Đánh giá cán bộ hiện nay vẫn còn nặng cảm tính, nể nang, dễ dãi, thiên kiến... Tiêu chí đánh giá định tính, “mù mờ”, công cụ, kỹ thuật đánh giá thủ công, kết quả đánh giá chưa thực gắn liền với chế độ thưởng phạt, sự tham gia của người dân còn hạn chế...
Thứ ba, cơ chế tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý bất cập, để lọt những phần tử cơ hội, những kẻ hám danh lợi “chui sâu, leo cao”. Với họ, chức quyền, công sở là nơi để kiếm chác, chia chác lợi ích hơn là nơi có kỷ cương nghiêm minh như vị trí đáng tôn vinh. Họ tận dụng mọi cơ hội để trục lợi, không từ một thủ đoạn nào để kiếm chác. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm, mọi người vẫn thường nói với nhau “ông/bà ấy tuy là lãnh đạo nhưng tử tế”.
Vậy giải pháp thế nào? Sinh thời Hồ Chủ tịch đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đảng xác định công tác cán bộ là vấn đề “then chốt của then chốt”. Đúng vậy, đổi mới công tác cán bộ là vấn đề tiên quyết.
Theo đó, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện cơ chế thi tuyển cạnh tranh mở và thi tuyển cạnh tranh nội bộ để lựa chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý xứng đáng.
Hai là, thiết lập hệ thống đánh giá cán bộ theo hiệu quả công việc với bốn trụ cột chính: Tiêu chí đánh giá định lượng, cụ thể, rõ ràng; Kết quả đánh giá gắn liền với chế độ thưởng phạt nghiêm minh; "Số hóa" việc đánh giá cán bộ để việc đánh giá chính xác, nhanh, minh bạch, khách quan...; Tăng cường sự tham gia của công chúng vào việc đánh giá cán bộ để nhu cầu của người dân được quan tâm và đáp ứng tốt hơn.
Ba là, đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, tư tưởng cho cán bộ theo hướng hiện đại, thiết thực phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, quyền lực cần được kiểm soát chặt chẽ bằng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhân dân.
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng