Lo ngại vấn nạn sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 17:50, 06/04/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, trong tháng 3/2023, đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý 8 vụ việc sử dụng trạm phát sóng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, quảng cáo hay giả mạo nhằm lừa đảo người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các vụ sử dụng trạm phát sóng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giả mạo, bị phát hiện và chuyển cơ quan chức năng điều tra xử lý trong tháng 3/2023, được các đối tượng xấu thực hiện với mục đích lừa đảo người dân tại Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Nam và Thanh Hóa.

Trạm phát sóng BTS giả

Thời gian qua, người dùng ở nhiều khu vực nhận được các tin nhắn rác chứa tên thương hiệu mạo danh ngân hàng, hoặc có nội dung khiêu dâm, dung tục, yêu cầu người dùng truy cập đường link để xem nội dung. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đây là những tin nhắn lừa đảo, nhằm cài phần mềm độc hại vào máy điện thoại, đánh cắp tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng của người dùng.

Để gửi tin nhắn đến người dùng, thủ đoạn chung của kẻ gian là tạo ra một trạm phát sóng BTS giả. Trạm này có kích thước ngang chiếc vali, có thể phủ sóng trong khoảng 2km và gửi đi cùng lúc hàng nghìn tin nhắn. Trạm BTS giả sẽ làm nhiễu tín hiệu 3G, 4G xung quanh trạm BTS của nhà mạng, sau đó phát sóng công suất lớn, khiến thiết bị điện thoại nằm trong vùng phủ sẽ nhận được tin nhắn. Đây cũng là lý do nhiều người trong cùng một khu vực sẽ nhận được tin nhắn tương tự nhau. Sử dụng trạm phát sóng di động BTS giả là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia cho biết kẻ xấu gửi tin nhắn SMS Brandname giả tên ngân hàng uy tín bằng thiết bị phát sóng. Lưu ý nếu bạn nhận được tin nhắn có nghĩa là kẻ lừa đảo chắc chắn đang trong phạm vi khá gần với bạn. Việc gửi tin nhắn đều là ngẫu nhiên trong phạm vi mà thiết bị cho phép.

Đầu tháng 1 vừa qua Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội gồm Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận Cầu Giấy phát hiện, bắt giữ một đối tượng Trung Quốc giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname) để vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 30/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can và thực hiện bắt tạm giam đối với Chen Jiong (Quốc tịch Trung Quốc) về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự.

Thời gian qua, tại một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tình trạng một số người dân nhận được các tin nhắn từ đầu số 8079, đây là tin nhắn giả nhà mạng được gửi đi từ các thiết bị giả mạo trạm “BTS của các nhà mạng Viễn thông tại Việt Nam”. Toàn bộ dữ liệu này không đi qua hệ thống của các nhà mạng, tình trạng này diễn ra là do lỗ hổng của mạng 2G (GSM).

Từ thông tin thu thập được, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội bắt giữ đối tượng Chen Jiong.

Tại cơ quan Công an, bước đầu Chen Jiong khai nhận bằng việc sử dụng thiết bị giả trạm BTS, mỗi ngày anh ta đã phát tán khoảng 60.000 đến 70.000 tin nhắn thành công tới người dùng. Các thiết bị di động trong phạm vi phủ sóng của BTS giả này ban đầu sẽ có hiện tượng mất tín hiệu, sau đó chuyển về chế độ 2G và có thể tiếp tục sử dụng để nghe, gọi, nhắn tin (nhưng tốc độ chậm hơn bình thường do phải đi qua trạm giả trung gian mới kết nối tới trạm BTS thật của các nhà mạng viễn thông).

Ngoài ra, đối tượng còn khai nhận thêm về việc cùng nhiều đối tượng khác tại Việt Nam, sử dụng các thiết bị giả mạo BTS tương tự như Chen Jiong đang sử dụng, để phát tán các tin nhắn với nhiều nội dung khác nhau, tập trung ở các tỉnh, thành lớn trong cả nước.

Tối 24/3/2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 đối tượng có hành vi xâm nhập trái phép mạng viễn thông để phát tin nhắn rác.

Trước đó, khoảng 20h ngày 21/3, tổ công tác Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam dừng kiểm tra ô tô BKS 92A- 061.97 do Phạm Đức An (SN1992, trú tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) điều khiển.

Trạm phát sóng BTS giả

Trên xe lúc này có Đỗ Quốc Chinh (SN 1990, trú tại huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Thời điểm trên, trên xe có 1 máy tính xách tay đang bật màn hình và các thiết bị khác.

Nghi vấn là thiết bị giả mạo trạm phát BTS – trạm viễn thông di động, kiểm tra máy tính, lực lượng chức năng phát hiện 1 phần mềm đang chạy thể hiện các thông số các mạng di động tại vị trí ô tô đang đỗ.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận, Chinh thông qua quen biết một người đàn ông có quốc tịch Trung Quốc, đã nhận 1 máy tính và 2 thiết bị giả trạm BTS các nhà mạng từ người này nhằm phát tán tin nhắn quảng cáo qua SMS bằng phần mềm Teminal.

Người này cũng đã hướng dẫn cách cài đặt, cách thức phát tán tin nhắn cho Chinh. Quy ước 10.000 tin nhắn được gửi đi, người này sẽ trả cho Chinh 500.000đ qua ví tiền ảo USDT.

Sau khi cài đặt và thực hiện phát tán tin nhắn thành công, Chinh đã hướng dẫn cho em ruột là Đỗ Quốc Bảo thực hiện. Chinh cũng đã hướng dẫn và thuê Phạm Đức An thực hiện việc này và trả công cho An 400.000đ/10.000 tin nhắn được phát tán.

Từ khi thực hiện hành vi sử dụng thiết bị lập trạm BTS giả để phát tán tin nhắn SMS đến nay, Chinh được người đàn ông Trung Quốc trả khoảng 5000 USDT, tương đương 110 triệu đồng, trong đó Chinh đã chuyển cho Bảo 30 triệu đồng và An 30 triệu đồng.

Các đối tượng đã thực hiện việc phát tán tin nhắn đến các thuê bao di động tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)