Lớp học vỡ lòng đặc biệt của phụ nữ Xơ Đăng
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 12:18, 06/04/2023
Nhiều tháng nay, những người phụ nữ Xơ Đăng (xã Măng Bút, huyện Kon Plông, Kon Tum) đều đặn cắp sách đến lớp học xóa mù chữ, vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Những bàn tay chai sạn nắn nót từng nét chữ. Tuy tay đã cứng, đưa nét bút không dễ nhưng ai cũng cố gắng để sớm biết cái chữ.
Lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Măng Búk từ tháng 11/2022, với 32 học viên. Học viên ít tuổi nhất 36 tuổi, người lớn tuổi nhất gần 60 tuổi. Đa số học viên đến với lớp đều chưa biết mặt chữ hoặc đã quên từ lâu.
Khi nghe tin ở xã có lớp dạy chữ cho người lớn tuổi, bà Y Phiên (54 tuổi) chủ động đến đăng ký học. Trước đó, vì gia đình khó khăn, quanh năm sống trên nương rẫy nên bà Y Phiên không có điều kiện đến trường học.
Bà Y Phiên hiện chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng bản địa Xơ Đăng. Khi có thư hoặc giấy tờ gì, bà lại cầm đi khắp làng nhờ người biết chữ đọc giúp.
Bà Y Phiên bộc bạch, các con đều đang học cao đẳng, đại học ở xa. Bà thì sống quanh năm trên nương rẫy, xưa nay chưa từng đến trường, lớp. Vì không biết chữ nên rất bất tiện khi ký giấy tờ, đọc tin nhắn của các con gửi về.
"Tôi luôn ao ước được đi học để biết đọc, biết viết. Tôi muốn chính tay mình ký tên khi làm thủ tục và hướng dẫn con cháu trong nhà những bài học vỡ lòng. Cũng vì vậy, tôi đã rủ thêm nhiều phụ nữ trong làng cùng đến lớp để học chữ, dù tuổi lớn, mắt không còn nhìn rõ nên việc học gặp khá nhiều khó khăn", bà Y Phiên chia sẻ.
Tương tự, chị Y Xanh đã gần 40 tuổi nhưng đến nay vẫn chưa biết đọc, biết viết. Hàng ngày, chị vào rừng hái rau, măng, nhặt củi mang về đổi lấy gạo, thịt. Được sự vận động của chính quyền địa phương, chị Y Xanh mạnh dạn đến lớp học xóa mù chữ ban đêm.
Đôi bàn tay thô ráp chuyên cầm dao chặt củi của chị nay cũng nắn nót, tô theo từng chữ cái. Để thuộc nhanh bảng chữ cái, chị Y Xanh không ngần ngại nhờ cô con gái út của mình kèm cặp, hướng dẫn học bài đến tận nửa đêm.
"Tôi muốn biết cái chữ để dùng điện thoại hay ra chợ tính toán, mua bán. Ban đầu, tay cứng nên khó tô theo nét chữ. Qua nhiều tuần học, tôi đã biết viết những chữ cái đơn giản và học thuộc hết bảng chữ cái", chị Xanh cho biết.
Nhiều tháng nay, cô Đinh Ái Nga, giáo viên lớp 1 trường PTDTBT Măng Búk luôn cùng những người phụ nữ Xơ Đăng thắp đèn học chữ.
Bà con đều là những người bản địa và lớn tuổi nên cô Nga cố chọn phương pháp giảng dạy nào dễ tiếp thu nhất. Chương trình học cũng được tinh gọn với mục đích để bà con sớm biết đọc, viết, tính toán thành thạo trong thời gian nhanh nhất.
Cô Nga chia sẻ: "Tuy lớn tuổi nhưng các bà, các mẹ rất siêng năng và ham học. Chính điều này đã truyền cảm hứng cho tôi trong từng tiết dạy. Tôi mong muốn cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, mở rộng quy mô để giúp bà con trên địa bàn đều biết đọc, viết nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt và làm ăn kinh tế được phát triển hơn".
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có 4 lớp xóa mù chữ được mở tại các xã Đăk Ring, Măng Bút, Ngọk Tem và xã Hiếu. Những lớp học này đã thu hút hàng trăm học viên tham gia. Tất cả học viên đều là người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 20 đến khoảng 70 tuổi.
Phòng GD-ĐT huyện Kon Plông cũng thường xuyên phối hợp với các trường trên địa bàn nhằm điều động giáo viên dạy học. Đồng thời, hỗ trợ sách vở, bút viết cho các lớp học. Sau khi hoàn thành khóa học từ lớp 1 đến lớp 3 trong vòng 16 tháng, mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng.
Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho hay, thời gian qua, huyện luôn nỗ lực rà soát để xây dựng nhiều lớp học xóa mù ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền, địa phương phấn đấu duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu hơn 96% người trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ mức độ 2, hàng năm có 80-200 người được xóa mù chữ.
Huyện cũng luôn chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất nhằm đáp ứng đủ phòng học an toàn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn cho các trường học.