Tổng thống dính nhiều bê bối nhất trong lịch sử Mỹ
Tin thế giới - Ngày đăng : 12:30, 06/04/2023
Theo History, năm 1920, ông Warren G. Harding trở thành Tổng thống Mỹ với cam kết đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường. Ông là một Tổng thống được yêu mến cho tới khi đột ngột qua đời vào ngày 2/8/1923 trong phòng Tổng thống của khách sạn Palace ở San Francisco.
Tuy nhiên, trong những năm tháng tiếp theo, các vụ bê bối liên quan tới trả tiền bịt miệng để che giấu các mối quan hệ ngoài hôn nhân, có một đứa con ngoài giá thú và những người bạn thân được ông bổ nhiệm vào nội các có các hành động trái pháp luật đã làm hoen ố di sản của ông.
Vài tháng trước khi ông Harding qua đời, các cáo buộc tham nhũng bắt đầu nổi lên xung quanh một vài thành viên của "Băng đảng Ohio" - gồm các đồng minh chính trị lâu năm và bạn chơi bài xì phé mà ông Harding bổ nhiệm vào nội các của mình cũng như các vị trí quyền lực khác.
Charles Forbes, người đứng đầu cơ quan cựu chiến binh mới thành lập, bị buộc tội nhận tiền lại quả từ các nhà thầu xây dựng bệnh viện dành cho cựu chiến binh và bán vật tư y tế dư thừa trái phép. Sau khi nắm được thông tin trên, Tổng thống Mỹ khi đó là Harding rất tức giận và được cho là đã bóp cổ cấp dưới khi biết về các cáo buộc. Forbes từ chức vào tháng 2/1923 sau khi một cuộc điều tra do Thượng viện tiến hành cho thấy ông này và các cộng sự đã đánh cắp hơn 200 triệu USD của cơ quan cựu chiến binh. Năm sau đó, ông Forbes bị kết án hai năm tù vì gian lận, hối lộ.
Bê bối Teapot Dome
Vết nhơ khó tẩy nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Harding là do Bộ trưởng Nội vụ Albert Fall và bê bối buôn bán dầu Teapot Dome gây ra. Năm 1921, ông Fall thuyết phục người đứng đầu nước Mỹ khi đó chuyển việc giám sát kho dự trữ dầu chiến lược dành riêng cho hải quân Mỹ sang cho Bộ Nội vụ. Sau đó, ông Fall bí mật trao các hợp đồng khai thác dầu không cần đấu thầu cho một cặp bạn thân lâu năm và các ông trùm dầu mỏ.
Các cuộc điều tra cho thấy Fall đã nhận hối lộ hơn 400.000 USD và Tổng thống Warren G. Harding có liên quan đến vụ việc này.
Dùng tiền bịt miệng nhân tình
Theo tờ Bưu điện Washington, Tổng thống thứ 29 của nước Mỹ không chỉ trả tiền cho một mà là hai phụ nữ để giữ bí mật về mối quan hệ tình ái của ông với họ.
Một trong hai nhân tình của ông Harding là Carrie Fulton Philips, vợ của một trong những người bạn thân nhất của ông tại thành phố quê hương Marion, Ohio. Mối quan hệ tình ái ngoài hôn nhân này kéo dài suốt 15 năm.
Người còn lại là Nan Britton. Họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1914 khi Nan là một thiếu niên và ông Harding đang tranh cử vào Thượng viện. Năm 20 tuổi, Nan Britton đã bước vào mối quan hệ thân mật với nghị sĩ Harding 51 tuổi. Tháng 10/1919, người phụ nữ này đã bí mật sinh cho ông một người con gái - đặt tên là Elizabeth Ann. Ông Harding không gặp lại người tình nhưng hàng tháng đều chuyển tiền hỗ trợ nuôi con thông qua các nhân viên mật vụ.
Việc ông Harding trả tiền cho hai nhân tình trên không vi phạm luật tài chính tranh cử vào thời điểm đó, nhưng nếu nó bị phanh phui trước công chúng ông chắc chắn không giành được đề cử ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa cũng như không thể trụ được trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Vì thế, việc giữ bí mật là tối quan trọng.
Hoài Linh