Thủ tướng: 'Sông Mekong quanh co, nhưng thái độ của chúng ta luôn rõ ràng'
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:08, 05/04/2023
Nhiều kiến nghị cũng như thực trạng về những thách thức chưa từng có trong lưu vực sông Mekong được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, diễn ra sáng 5/4 ở Thủ đô Vientiane (Lào).
Theo Thủ tướng, thực tế đáng lo ngại đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá để đáp ứng yêu cầu cấp bách đặt ra.
Xây dựng hệ thống giám sát việc khai thác nước trên sông Mekong
Thủ tướng kiến nghị giải pháp quan trọng về việc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng.
Mọi chính sách, theo Thủ tướng, cần lấy con người làm trung tâm, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi người dân, mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay.
Ông nhắc đến bài học từ đại dịch Covid-19 và các biến động thiên tai, dịch bệnh để nhấn mạnh việc cần sớm xây dựng và triển khai những cơ chế hợp tác hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sinh sống trên lưu vực sông khi có tình huống xấu như thiên tai, dịch bệnh.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy hội sông Mekong quốc tế cần phát huy vai trò trung tâm tri thức, cung cấp các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực…
Ông đề nghị Ủy hội phối hợp với các đối tác đối thoại Trung Quốc và Myanmar xây dựng một hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước thời gian thực trên lưu vực.
Từ đó, kịp thời thông tin đến những quốc gia ven sông, giúp các nước chủ động ứng phó với biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán hay trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước.
Việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ các quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng… cũng là một giải pháp được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ Ủy hội về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại.
"Sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cam kết Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng, tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn xuất hiện sớm
Trước đó, nêu khái quát bức tranh thực tế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhận định lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức chưa từng có, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.
Hệ quả, nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.
"Những tác động tiêu cực ngày càng trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực hạ nguồn sông Mekong, trong đó có vùng ĐBSCL của Việt Nam", Thủ tướng lo ngại.
Để minh chứng cho nhận định này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dẫn số liệu giai đoạn 2010-2020, tổng lượng dòng chảy lưu vực đã suy giảm 4-8%, trong khi đó, các quốc gia trong lưu vực đã gia tăng sử dụng nước sông Mekong 5-12%.
Dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ du và vùng ĐBSCL vì thế đã bị sụt giảm nghiêm trọng.
"Đồng bằng thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng và hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn 1-1,5 tháng với phạm vi và cường độ lớn hơn so với trước đây", Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, sự suy giảm dòng chảy sông Mekong do tác động tổng hợp của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, trong đó có các dự án phát triển thiếu bền vững ở thượng nguồn, đã và đang làm thay đổi chế độ lũ ở ĐBSCL, làm giảm lượng phù sa về đồng bằng và gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển.
"Các hiện tượng trên được dự báo sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững ĐBSCL và sinh kế của hơn 20 triệu người dân sinh sống trong vùng", theo lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, vào năm 2040, vùng ĐBSCL chỉ còn không tới 5 triệu tấn phù sa mỗi năm, giảm hơn 9 lần so với hiện nay và gần 30 lần so với cách đây 15 năm.
Đẩy mạnh hợp tác 3 nền kinh tế
Sáng 5/4, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc ăn sáng, làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Ba Thủ tướng đánh giá cao việc cùng duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, trong đó có hình thức gặp gỡ giữa ba Thủ tướng để không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa ba nước.
Tại cuộc làm việc, ba Thủ tướng đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác kết nối ba nền kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ba nước.
Các nhà lãnh đạo khuyến khích thương mại biên giới và phát huy hệ thống cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, quản lý và sử dụng hiệu quả viện trợ phát triển chính thức ODA.
Ba Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, sự phát triển nhanh chóng và những tác động sâu sắc của công nghệ số, mạng xã hội, ba nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hoài Thu (từ Thủ đô Vientiane, CHDCND Lào)