Quyền kế thừa bất khả xâm phạm

Chủ quyền - Ngày đăng : 10:00, 05/04/2023

Từ năm 1949, thay đổi chính trị của một số nước trong khu vực làm xuất hiện những thực thể nhà nước mới liên quan tới cuộc tranh chấp trên biển Đông. Ở đây, vấn đề quyền kế thừa có tầm quan trọng của nó.
Bảo vệ chủ quyền trên đảo Trường Sa. Ảnh: Đình Phú.

Ngay sau khi chấm dứt thế chiến thứ II, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã khôi phục lại sự có mặt trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - từng bị quân đội Nhật chiếm đóng trong chiến tranh thế giới. Các tàu chiến Escarmouche và Savorgnan de Blazza trong thời gian từ ngày 20/5 đến ngày 6/6/1946 đã ra thám sát lại quần đảo Hoàng Sa. Các đảo đều bị bỏ hoang. Hải quân Nhật đã rời các đảo này sau khi đã phá hủy tất cả các công trình xây dựng và các cảng tại đó.

Một phân đội của Pháp đã đổ bộ lên đảo Hoàng Sa để chiếm lại quần đảo. Họ đã thực hiện việc chiếm đóng lại cho An Nam, đồng thời khẳng định cả hai yếu tố vật chất và tinh thần. Ngày 1/10/1949, nước CHND Trung Hoa ra đời. Phía Pháp, trại đồn trú vẫn tiếp tục được duy trì trên đảo Hoàng Sa để bảo vệ trạm khí tượng “bằng mọi phương tiện” trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.

Thỏa ước 8/3/1949 đã lập ra một Quốc gia Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp. Trong một cuộc họp báo sau đó, Chánh văn phòng Vua Bảo Đại đã khẳng định lại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc Vương triều An Nam.

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp đã trao lại chính thức cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý và phòng thủ quần đảo Hoàng Sa. Tổng quản Trung Bộ, ông Phan Văn Giáo đã ra Hoàng Sa chủ trì lễ chuyển giao quyền lực. Các nhóm quân Pháp ở lại quần đảo Hoàng Sa cho tới năm 1956. Trong các thỏa thuận tại Geneva năm 1954, các quần đảo này đã được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam kiểm soát. Sau khi quân Pháp rút đi, ngày 22/8/1956 chính quyền Sài Gòn đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát tại hai quần đảo.

Trong thực tế, chính quyền Sài Gòn đã là người kế nhiệm hợp pháp các danh nghĩa, các quyền và các yêu sách do Pháp để lại trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia sở hữu danh nghĩa, họ đã tiến hành tổ chức hành chính, điều tra và khai thác kinh tế và bảo vệ hai quần đảo này. Về mặt hành chính, quần đảo Hoàng Sa, trước thuộc tỉnh Thừa Thiên đã được sáp nhập vào tỉnh Quảng Nam bằng Nghị định N174-NV ngày 13/7/1961. Đối với Trường Sa, các lực lượng hải quân chính quyền Sài Gòn đã đổ bộ lên đảo chính Trường Sa ngày 22/8/1956. Họ đã cắm cờ và dựng bia chủ quyền trên đảo Trường Sa. Bằng Nghị định 143/VN ngày 20/10, chính quyền Sài Gòn ghép quần đảo này thuộc tỉnh Phước Tuy. Từ 1962 đến 1964, lực lượng Hải quân Sài Gòn đã đổ bộ lên các đảo Trường Sa, An Bang, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông và Song Tử Tây, Nam Yết… và đã dựng bia chủ quyền trên các đảo đó. Ngày 6/9/1973, bằng Nghị định N 420 - BNV/HCDP/26, chính quyền Sài Gòn đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Quân chính quyền Sài Gòn cũng đã đối đầu với chiến dịch quân sự từ phía Trung Quốc ngày 19/1/1974 nhằm xâm chiếm nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Tại hội nghị lần thứ ba của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khóa họp 2, tổ chức tại Caracas ngày 2/7/1974, đại biểu Sài Gòn tố cáo sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là “bộ phận hữu cơ của lãnh thổ Việt Nam” và “chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo này là không thể tranh cãi và không thể chuyển nhượng”.

Tháng 3/1965 Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: “Nhân dân miền Nam Việt Nam anh hùng đã quyết định… giải phóng lãnh thổ của mình và lập nên một quốc gia độc lập”. Tháng 6.1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức ra mắt và hoạt động. Sau đại thắng mùa xuân 30/4/1975, từ tháng 5/1975, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra các tuyên bố về vấn đề kế thừa chính quyền Sài Gòn trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, UNESCO, UTT… Sự kế thừa này phản ánh nguyên tắc liên tục của các quốc gia khi thay thế chính phủ.

Ngày 2/7/1976, nhân dân VN đã sử dụng quyền dân tộc tự quyết của mình lựa chọn con đường thống nhất đất nước dưới tên gọi của một nhà nước mới. Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó là Việt Nam dân chủ cộng hòa và cộng hòa miền Nam VN, thay thế danh nghĩa thường xuyên của chính quyền Sài Gòn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các quyền và nghĩa vụ trên đó sẽ tiếp tục được thực hiện bởi Cộng hòa XHCN Việt Nam mà sự liên tục là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp và bất khả xâm phạm.