Vai trò của 8 cán bộ đại sứ quán Việt Nam trong vụ "chuyến bay giải cứu"
Pháp luật - Ngày đăng : 17:30, 04/04/2023
Trong bản kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cáo buộc 8 cựu cán bộ là đại sứ Việt Nam tại 4 quốc gia đã có vi phạm, gồm các bị can:
Vũ Hồng Nam (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Hồng Hà (nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), Lý Tiến Hùng (nguyên cán bộ Đại sự quán Việt Nam tại Liên bang Nga), Vũ Ngọc Minh (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola), Trần Việt Thái (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Lê Ngọc Anh (nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Hoàng Linh (nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) và Đặng Minh Phương (nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia).
Tại Nhật Bản
Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, ông Vũ Hồng Nam với vai trò là Đại sứ Việt nam tại Nhật Bản, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ 60.000 USD và 450 triệu đồng (quy đổi ra tiền VNĐ là hơn 1,8 tỷ đồng).
Hành vi nhận hối lộ của ông Nam nhằm giúp Công ty Nhật Minh được tham gia bán vé máy bay và khách sạn lưu trú cho 6 chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về nước, theo yêu cầu của Lê Văn Nghĩa (giám đốc công ty).
Trong khi đó, bị can Nguyễn Hồng Hà đảm nhiệm chức vụ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka có vai trò, nhiệm vụ bảo hộ công dân. Tuy nhiên, ông này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp doanh nghiệp của Nguyễn Thị Thanh Hằng (tổng giám đốc 2 công ty về du lịch) tổ chức 4 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
Việc "hỗ trợ" của ông Hà đã giúp vị cựu Tổng Lãnh sự "kiếm" được hơn 2 tỷ đồng.
Tại Liên bang Nga
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ông Lý Tiền Hùng có vai trò là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đảm nhiệm công tác hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga và quản lý lưu học sinh tại Nga.
Ông Hùng đã thực hiện yêu cầu của bị can Đào Thị Chung, về việc giúp đưa các lưu học sinh và người thân từ Nga về Việt Nam. Từ đó, ông Hùng được hưởng gần 440 triệu đồng.
Tại Angola
Hơn 860 triệu đồng là số tiền mà cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola Vũ Ngọc Minh nhận từ Đào Minh Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vijasun) nhằm giúp Công ty Vijasun tổ chức một chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ Angola về nước.
Hành vi của ông Minh được đánh giá là đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ.
Tại Malaysia
Cơ quan An ninh điều tra cáo buộc ông Trần Việt Thái - cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, đã lợi dụng vị trí công tác, chỉ đạo các bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương thu, chi, sử dụng tiền của công dân trái quy định pháp luật.
Hành vi trên diễn ra trong quá trình tổ chức chuyến bay đưa người mãn hạn tù tại Malaysia về nước, dưới bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Những vi phạm này của ông Thái đã gây thiệt hại 11,6 tỷ đồng cho Nhà nước, riêng ông Thái hưởng lợi 580 triệu đồng.
Sau khi điều tra, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia bị Bộ Công an đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với vai trò là chủ mưu, cầm đầu.
Các bị can Ngọc Anh, Hoàng Linh cùng là Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, phụ trách bảo hộ công dân, đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Thái, gây thiệt hại 11,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngọc Anh và Linh hưởng lợi mỗi người 480 triệu đồng.
Đối với Đặng Minh Phương, bị can là cán bộ kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, có nhiệm vụ hạch toán, quản lý, kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi, tài chính tại ĐSQ. Phương bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, thực hiện theo chỉ đạo của 3 bị can trên để thu, chi, sử dụng tiền của công dân trái quy định pháp luật.
Hành vi của Phương diễn ra trong 5 chuyến bay đưa người mãn hạn tù tại Malaysia về nước, gây hậu quả thiệt hại hơn 6,1 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân 220 triệu đồng.