Điểm tin công nghệ 5/4: iPhone 14 tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận lỗi màn hình

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 05/04/2023

160.000 SIM bị khóa đã được mở liên lạc trở lại; Sẽ kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam vào tháng 5

- iPhone 14 tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận lỗi màn hình

Người dùng Việt đang phản ánh về việc các mẫu thuộc dòng iPhone 14 Pro Max gặp tình trạng lỗi bóng màn hình (burnin) ở khu vực quanh Dynamic Island và 'tai thỏ'. Đại diện một trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple (AASP) tại Việt Nam cũng đã xác nhận thông tin trên.

Trên các nhóm mạng xã hội, nhiều người đang phản ánh về việc các mẫu thuộc dòng iPhone 14 gặp tình trạng lỗi bóng màn hình. Cụ thể, lỗi này không chỉ xảy ra trên dòng iPhone 14 Pro, mà còn với dòng iPhone 14 Plus.

Đại diện một trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple tại Việt Nam thông báo, đã ghi nhận 2 trường hợp iPhone 14 Pro Max bị lỗi burn-in từ thời điểm dòng máy này mở bán.

"Đây là tình trạng lỗi khá hiếm gặp. Sau khi Apple xác nhận lỗi, thiết bị sẽ được AASP thay thế màn hình mới để khắc phục", người này cho biết.

Không chỉ ghi nhận lỗi burn-in, vào đầu tháng 1 vừa qua, nhiều thiết bị iPhone 14 tại Việt Nam xuất hiện lỗi trắng màn hình, trong đó 70% là mẫu iPhone 14 Pro Max.

Đây cũng không phải lần đầu tiên tình trạng lỗi này xuất hiện trên iPhone 14. Lỗi burn-in đã được người dùng ở 2 quốc gia khác là Mỹ và Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.

Tương tự như các thị trường khác, iPhone 14 tại Việt Nam gặp tình trạng lỗi này cũng sẽ được hỗ trợ thay màn hình.

- Sẽ kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam vào tháng 5

Dự kiến tháng 5/2023, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ kiểm tra toàn diện mạng xã hội TikTok. Mạng xã hội này có gần 50 triệu người dùng Việt Nam và gần đây xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…

Theo Bộ Thông tin Truyền thông, thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…

Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Nếu phát hiện sai phạm, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ xử lý nghiêm; đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.

- 160.000 SIM bị khóa đã được mở liên lạc trở lại

Tính tới hết ngày 3/4, đã có 160.000 thuê bao được mở liên lạc 2 chiều trở lại sau khi người dùng chuẩn hóa thông tin.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết trong ngày 3/4 đã có thêm gần 45.000 thuê bao trong nhóm bị khóa liên lạc một chiều thực hiện thành công chuẩn hóa thông tin.

"Lũy kế sau 3 ngày từ 1-3/4, đã có 160.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa thông tin. Con số này chiếm 9,6% trong tổng số 1,67 thuê bao bị khóa liên lạc một chiều", ông Nhã cho biết.

Cũng theo ông Nhã, những thuê bao bị khóa liên lạc một chiều tuy không thể truy cập vào website hay ứng dụng của nhà mạng thông qua 3G và 4G nhưng vẫn có thể truy cập bằng Wi-Fi để chuẩn hóa thông tin cá nhân mà không cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng.

Bên cạnh đó các thuê này vẫn thực hiện được cuộc gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp để giải đáp và giúp khách hàng cập nhật trong trường hợp chưa kịp hoàn thiện thông tin theo yêu cầu.

- Australia cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ

Chính phủ Australia sẽ cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ, do lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng và kéo theo đó là những rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Trong một tuyên bố ngày 4/4, Tổng Chưởng lý Australia - ông Mark Dreyfus cho biết quyết định trên được đưa ra theo khuyến cáo của các cơ quan tình báo trong nước và sẽ bắt đầu có hiệu lực "ngay khi có thể".

Khi lệnh cấm trên được triển khai, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm cả Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ. Trước đó, Pháp, Hà Lan và Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra quyết định tương tự.

- Hơn 300 doanh nghiệp và tổ chức tài chính có thể đã là nạn nhân của hoạt động tấn công vào 3CX

Ngày 4/4, một chiến dịch tấn công chuỗi cung ứng nghiêm trọng nhằm vào bản cập nhật của 3CXDesktopApp, một phần mềm của Công ty 3CX (Mỹ) trên cả Windows và macOS vừa được phát hiện...

Thông tin vừa được Tập đoàn công nghệ Bkav phát ra sáng nay (4/4), cho biết 3CXDesktopApp là ứng dụng dành cho việc gọi điện và chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp. Ứng dụng này có phiên bản cho các hệ điều hành phổ biến gồm: Windows, macOS và Linux.

Ngoài ra, các nền tảng bị ảnh hưởng bao gồm các phiên bản framework Electron cho ứng dụng máy tính để bàn 3CX trên cả macOS (phiên bản 18.11.1213, 18.12.402, 18.12.407 và 18.12.416) và Windows (phiên bản 18.12.407 và 18.12.416).

Hiện, 3CX đang có hơn 600.000 khách hàng và 12 triệu người dùng mỗi ngày ở 190 quốc gia, bao gồm những thương hiệu lớn như American Express, BMW, Honda, IKEA, Pepsi, Toyota…

Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh mạng, tấn công có chủ đích (APT) lần này, hacker đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc tấn công từ tháng 2/2022 và truy cập vào hệ thống của 3CX ít nhất từ tháng 11 đến 12/2022.

Việt Báo (Tổng hợp)