Điểm tin kinh doanh 4/4: Giá vàng giảm mạnh

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 04/04/2023

FiinRatings: Có 43 doanh nghiệp bất động sản chậm trả 78.900 tỉ đồng trái phiếu; Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 27%

- Giá vàng giảm mạnh

Động thái gây sốc của OPEC+ đã đẩy giá dầu tăng vọt và đè nặng lên giá vàng. Các nhà đầu tư lo ngại Fed có thể phải hành động nhiều hơn để kìm hãm đà lạm phát.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 3/4, giá vàng thế giới vừa rơi xuống dưới ngưỡng 1.960 USD/ounce, kéo dài đà giảm từ cuối tuần trước, rồi phục hồi phần nào về 1.963 USD/ounce.

Giá kim loại quý chịu sức ép lớn sau khi OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) gây rúng động với tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Điều này làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hành động mạnh tay hơn nữa để kìm hãm lạm phát, vốn đã nóng trở lại vào đầu năm nay. Và đây là tin xấu với vàng.

Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của vàng - một tài sản phi rủi ro - tăng lên. Hơn nữa, USD mạnh cũng đồng nghĩa với việc cần ít USD hơn để mua 1 ounce vàng.

Giá vàng đã giảm mạnh so với mức hơn 2.000 USD/ounce được thiết lập hồi giữa tháng 3, thời điểm các vụ sụp đổ trong ngành ngân hàng Mỹ khiến nhà đầu tư đổ xô vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.

Thời điểm đó, các nhà đầu tư cũng đặt cược vào khả năng Fed dừng tăng lãi suất để hỗ trợ ngành ngân hàng.

Dù vàng đã quay đầu giảm, một số nhà đầu tư vẫn tin vào triển vọng trung và dài hạn của kim loại quý. "Tôi cho rằng giá vàng có thể lấy lại mốc 2.000 USD/ounce trong trung hạn vì Fed sẽ duy trì chính sách ôn hòa, và trong kịch bản bất ổn gia tăng hơn nữa, kim loại quý sẽ thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn", chuyên gia phân tích Carlo Alberto De Casa tại Kinesis Money nhận định.

- Bộ Công Thương: Giá FIT năng lượng tái tạo dựa trên các hồ sơ kỹ thuật

Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư chuyển tiếp, thỏa thuận, thống nhất giá điện để sớm đưa nhà máy vào vận hành.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/4, liên quan đến vấn đề thỏa thuận giá bán điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trước đây các dự án được áp dụng giá FIT - cơ chế giá điện hỗ trợ được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió, được quy định chỉ áp dụng trong khoảng thời gian nhất định.

"Sau khi cơ chế này hết hiệu lực (dự án hoàn thành sau 31/10/2021), cần có một cơ chế giá điện mới cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 quy định phương pháp xác định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp", ông cho biết.

EVN đã báo cáo Bộ Công Thương về kết quả tính toán khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở đó, Bộ đã tham khảo, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan ban hành Quyết định 21 quy định khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Khung giá này để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư thỏa thuận giá điện, sớm đưa nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

- FiinRatings: Có 43 doanh nghiệp bất động sản chậm trả 78.900 tỉ đồng trái phiếu

Theo FiinRatings, trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp thì các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%.

Khảo sát của FiinRatings cho thấy, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành trái phiếu không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỉ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.

Trong đó, có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị trái phiếu chậm trả nợ ở mức 78.900 tỉ đồng, chiếm 83,6% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ.

Theo FiinRatings, bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao thứ hai sau ngành năng lượng, song ngành này có quy mô trái phiếu lưu hành lớn nhất với 396.300 tỉ đồng, chiếm 33,8% tổng giá trị trái phiếu lưu hành.

Thực tế, trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp thì các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%.

- Lợi nhuận F88 tăng hơn 3 lần, vốn chủ sở hữu gần gấp đôi sau 1 năm

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 3/4 đăng tải báo cáo tình hình tài chính năm 2022 của CTCP Kinh doanh F88.

Theo đó, công ty mang về lợi nhuận sau thuế gần 212 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gấp 3 lần so với kết quả năm 2021.

Tại thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của F88 đạt 853 tỷ đồng, tăng 76% so với thời điểm cuối năm trước. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 4,2; so với cùng kỳ 3,6. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 1,7; so với cùng kỳ 3,2. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 31,6%, so với cùng kỳ 11,1%.

Căn cứ theo các chỉ tiêu trên thì nợ phải trả của F88 tại thời điểm cuối năm 2022 khoảng 3.600 tỷ đồng. Nợ trái phiếu khoảng 1.450 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 27%

Tháng 3, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, luỹ kế hết quý 1 năm nay, đã giảm 27%, với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, trong đó xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất với 39%; cá tra giảm 23%; cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%.

Những nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm là do thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thuỷ sản giảm, giá nhập khẩu cũng giảm theo.

Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý 2 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam và có thêm cơ hội lớn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn sau thời gian dài dịch Covid-19.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)