Khoảnh khắc hài hước của vua sư tử
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 06:39, 02/04/2023
Sư tử là thú săn mồi siêu hạng và là động vật ăn thịt đầu bảng chủ chốt trên thảo nguyên. Chúng cũng là đại diện cho sức mạnh, vẻ đẹp và lối sống bầy đàn.
Tuy nhiên trái với suy nghĩ của nhiều người, sư tử đôi lúc khá vụng về, chứ không linh hoạt như hình ảnh mà chúng ta thường thấy trong các đoạn video clip.
Trên thực tế, trái với hình ảnh những con thú đi săn đồ sộ, nặng gần 200 kg, sư tử không thường xuyên săn mồi, mà dành phần lớn gian trong ngày để nghỉ ngơi, nằm dài trên các bãi cỏ.
Trung bình mỗi ngày, sư tử chỉ hoạt động trong vòng 4 tiếng. Đối với sư tử đực, thời gian này thậm chí còn ít hơn, do chúng giao phó nhiệm vụ đi săn cho sư tử cái.
Sư tử đi săn thế nào?
Không giống các loài động vật họ mèo khác, sư tử thường đi săn theo bầy và săn bắt các loài thú lớn, thậm chí nguy hiểm, như trâu rừng, linh dương đầu bò.
Bộ lông màu cát của sư tử hòa lẫn một cách tuyệt vời với màu của những đồng cỏ xavan, giúp chúng trở thành bậc thầy ngụy trang.
Cuộc săn của sư tử thường không mất nhiều thời gian và rất uy lực. Khi săn mồi đơn lẻ, chúng giết chết con mồi bằng cách cắn vào cổ để làm gãy xương, hay tổn thương hệ tuần hoàn máu.
Khi săn theo đàn, sư tử có thể kìm kẹp con mồi lớn trong khi các con khác cắn cổ hay làm nghẹt thở nạn nhân bằng cách khóa mõm, không cho chúng thở.
Những con sư tử đực sẽ được ăn mồi đầu tiên, kế tiếp là những con cái và sau cùng là các con non.
Trái với suy nghĩ "ưu tiên con cái", xã hội sư tử trên thực tế lại khiến đàn con phải chịu đựng nhiều nhất khi thức ăn trở nên khan hiếm, bên cạnh những con sư tử đã già và chịu thương tật.
Trong nhiều trường hợp, chúng có thể chỉ sống được bằng thức ăn thừa.
Vai trò của sư tử đực trong đàn
Sư tử là thành viên duy nhất của gia đình họ mèo mang theo hình thái lưỡng cực giới tính rõ ràng.
Theo đó, con đực luôn to và mạnh hơn con cái. Chúng đồng thời có ngoại hình khác biệt với đầu rộng hơn và bờm nổi bật, bao phủ phần lớn đầu, cổ, vai và ngực.
Cả sư tử đực và cái đều đủ khả năng để bảo vệ đàn trước những kẻ xâm nhập, nhưng sư tử đực thích hợp hơn cho mục đích này nhờ vào cấu trúc cơ thể dường như sinh ra là để chiến đấu.
Khi săn mồi hay tự vệ, sư tử không bao giờ đơn độc. Chúng thích hoạt động theo một nhóm nhỏ và dùng kỹ năng, sức mạnh, tốc độ để hạ gục đối thủ.
Đôi khi trong tự nhiên, chúng ta vẫn thường bắt gặp những con sư tử đực kết hợp với nhau để tạo thành một "liên minh", gồm ba hay bốn cá thể với hệ thống phân cấp rõ rệt, trong đó một con đực sẽ lãnh đạo những con khác.
Tuy nhiên nếu như con sư tử đực "du mục" chiến đấu và giành thắng lợi trước sư tử đực đầu đàn, nó sẽ được bầy sư tử cái tôn trọng và công nhận như một "thủ lĩnh" đích thực.
Trong khi đó, số phận của con sư tử đực thua cuộc thường là bỏ mạng, hoặc bị xua đuổi khỏi bầy. Đây chính là cách thức vận hành của xã hội trong thế giới sư tử.