Lượng nước cần uống mỗi ngày để giảm nguy cơ đột quỵ

Ẩm thực - Ngày đăng : 20:49, 01/04/2023

Uống đủ lượng nước được khuyến nghị mỗi ngày (khoảng 5 cốc) không chỉ ngăn ngừa mà còn có thể giảm nhẹ tình trạng đột quỵ.

Đột quỵ thường xảy ra với rất ít hoặc không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Tuy nhiên, một số thay đổi trong lối sống mà bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc và tăng cơ hội phục hồi nếu không may bị đột quỵ.

Đột quỵ xảy ra khi máu cung cấp cho não bị gián đoạn, suy giảm với các triệu chứng phổ biến bao gồm mặt xệ xuống, không thể nhấc tay lên và nói lắp. Trong khi nhiều người sẽ không gặp bất kỳ dấu hiệu cảnh báo sớm rõ ràng nào, một số người bị đau đầu, tê hoặc ngứa ran vài ngày trước đó.

Lượng nước cần uống mỗi ngày để giảm nguy cơ đột quỵ-1
Uống đủ nước đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Ảnh: Healthline

Các nhà khoa học đã tìm thấy một số yếu tố nguy cơ có thể ngăn ngừa. Trong đó, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trong tình trạng mất nước.

Harvard Health cho biết các dấu hiệu của không uống đủ nước bao gồm suy nhược, huyết áp thấp, lú lẫn, chóng mặt hoặc nước tiểu sẫm màu. Lượng nước tối thiểu mà một người cần uống là khoảng 4-6 cốc mỗi ngày.

Điều này phù hợp với nghiên cứu của Đại học Loma Linda (Mỹ) cho rằng uống ít nhất 5 cốc nước có thể giảm 53% nguy cơ đột quỵ. Thói quen đó còn có thể cải thiện tình trạng của một người trong trường hợp họ bị đột quỵ.

Giữ nước cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu về những bệnh nhân trong Trung tâm đột quỵ toàn diện tại Bệnh viện Johns Hopkins (Mỹ) đã làm sáng tỏ nguy cơ tim mạch của tình trạng mất nước. Những bệnh nhân không uống đủ nước có nguy cơ trở nặng tồi tệ hơn gấp 4 lần so với những người uống đủ nước.

Các tác giả lưu ý: "Mất nước dường như phổ biến ở bệnh nhân đột quỵ nặng phải nhập viện. Chúng tôi đề nghị tập trung vào các biện pháp can thiệp để giảm lượng và thời gian mất nước có khả năng cải thiện tình trạng của bệnh nhân”. 

Phân tích của Đại học Arkansas đưa ra một phát hiện khác về tác động của việc mất nước đối với sức khỏe tim mạch. Kết quả, được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Châu Âu, xác định rằng ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể làm suy giảm chức năng mạch máu gần như hút thuốc lá.

Hiệp hội Thần kinh Michigan (Mỹ) lưu ý mất nước cũng có thể làm đặc máu. Máu nhớt khiến cơ thể giữ lại nhiều natri hơn, do đó làm tăng huyết áp. Điều này không chỉ khiến hình thành cục máu đông dễ hơn mà lưu lượng máu cũng có thể chậm lại. Do đó, máu có thể chảy ngược lại các mạch máu bị tắc hoặc hẹp và gây ra đột quỵ.

Nếu một người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác, chẳng hạn như động mạch bị tắc thì tình trạng mất nước có thể đặc biệt nguy hiểm.

Cần lưu ý rằng mặc dù uống đủ nước rất quan trọng đối với sức khỏe mạch máu, nhưng cũng không nên uống quá nhiều, vì điều này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tim và thận.

Theo Vietnamnet