Âm vốn chủ sở hữu vẫn phát hành trái phiếu

Kinh doanh - Ngày đăng : 17:14, 01/04/2023

Một số công ty phát hành trái phiếu lớn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hoạt động kinh doanh xuống dốc, khiến vốn chủ sở hữu chuyển sang số âm.

Theo dữ liệu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hàng loạt doanh nghiệp đang công bố thông tin tài chính năm 2022 đối với các công ty có phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo Nghị định 153/2020.

Đáng chú ý trong số này có Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh khi thông báo số lỗ sau thuế gần 342 tỷ đồng trong năm tài chính 2022, xấu hơn nhiều so với khoản lỗ 129 tỷ đồng năm liền trước.

Âm vốn hơn nghìn tỷ đồng

Đáng chú ý là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm gần 1.238 tỷ đồng. Do liên tục thua lỗ nên công ty này đã âm vốn chủ sở hữu liên tục trong các năm gần đây.

Nợ phải trả của An Thịnh tính đến cuối năm 2022 tiếp tục bị phình to lên mức 1.571 tỷ đồng (tức tăng thêm 271 tỷ trong năm), trong đó dư nợ trái phiếu là 650 tỷ đồng.

Chỉ tiêu (tỷ đồng)Năm 2021Năm 2022
Vốn chủ sở hữu-896-1.238
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu-1,45-1,27
Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu-0,52-0,53
Lợi nhuận sau thuế-129-342

Bất chấp bức tranh tài chính không sáng sủa, An Thịnh vẫn huy động vốn khá tốt khi chào bán thành công 650 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 11/2/2022. Lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với lãi suất phát hành 8,5%/năm, trả lãi một lần khi đến hạn vào ngày 11/2/2024.

An Thịnh từng là tâm điểm của giới đầu tư khi cùng với Công ty Đầu tư Cao su Cường Thịnh tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HAGL Agrico (Mã: HNG) vào tháng 2/2016. Thời điểm này HAGL của bầu Đức vẫn còn nắm quyền chi phối công ty con HAGL Agrico.

Hai nhà đầu tư này (khi đó cùng có vốn điều lệ 30 tỷ đồng) đã bỏ ra số tiền hơn 1.650 tỷ đồng để mua lô 59 triệu cổ phiếu HNG, cao gấp 3 lần thị giá lúc bấy giờ. Riêng An Thịnh chi 882 tỷ đồng để mua 31,5 triệu cổ phiếu HNG.

Nhưng đến tháng 3/2016, An Thịnh và Cường Thịnh lại thực hiện giao dịch cùng bán 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương cho chính HAGL Agrico, với giá trị 1.650 tỷ đồng.

Hai công ty này được chú ý bởi mới được thành lập năm 2014 và với năng lực tài chính thấp nhưng vẫn chi ra số tiền khủng, không loại trừ có sự tham gia của dòng tiền bên ngoài. An Thịnh và Cường Thịnh từng đem toàn bộ 59 triệu cổ phiếu HNG để thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại VPBank, vào giai đoạn tháng 4-6/2016.

Đòn bẩy lớn

Một công ty cũng có bức tranh tài chính khá tiêu cực là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông. Công ty lỗ nặng 946 tỷ đồng năm 2021 khiến vốn chủ sở hữu chuyển sang số âm.

Ông lớn bất động sản này tiếp tục lỗ thêm 802 tỷ đồng năm 2022 để khiến vốn chủ sở hữu âm đến 1.179 tỷ đồng. Hệ số đòn bẩy nợ khá tiêu cực, tổng nợ phải trả giảm từ 16.200 tỷ đồng xuống còn gần 11.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

trai phieu,  HNX,  An Thinh,  don bay anh 1
BĐS Khu Đông bị âm vốn chủ sở hữu và hệ số đòn bẩy cao. Ảnh: Khudong.

Công ty này từng phát hành 6 lô trái phiếu thời điểm cuối năm 2019, với tổng giá trị 1.138 tỷ đồng. Các gói huy động vốn này có tài sản đảm bảo là các lô đất tại dự án Khu du lịch sinh thái Green Hill của công ty Starbay Việt Nam, phần vốn góp tại Công ty TNHH Hải An Huy và các tài sản khác.

Doanh nghiệp đến nay đã tất toán toàn bộ số dư các trái phiếu trên. Trong đó 5/6 lô trái phiếu đã hủy do đáo hạn và một lô trái phiếu KD240_241219 được công ty mua lại trước hạn toàn bộ vào cuối tháng 12/2022.

Bất động sản Khu Đông được thành lập năm 2009 và hiện có vốn điều lệ 1.075 tỷ đồng, được biết nhiều là vai trò chủ đầu tư dự án Khu dân cư Villa Park tại TP.HCM. Công ty còn gây chú ý khi trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 35% vốn Tổng công ty Licogi.

Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường cũng đang là cổ đông lớn nắm giữ 19,24% vốn Licogi và cũng có tình hình tài chính không mấy sáng sủa.

Báo cáo gần nhất cho thấy Gia Cường lỗ 178 tỷ năm 2021 và lỗ thêm 244 tỷ đồng trong năm 2022, qua đó khiến vốn chủ sở hữu lần đầu âm 147 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp giảm hơn nghìn tỷ đồng trong năm qua nhưng vẫn còn hơn 2.500 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu giữ nguyên ở mức 478 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần so với giá trị tuyệt đối của vốn chủ sở hữu.

zing_89.png

Đây là lô trái phiếu được công ty phát hành thành công hồi cuối năm 2021 với kỳ hạn 48 tháng, tức đáo hạn vào 31/12/2025. Trái phiếu có lãi suất phát hành 9%/năm và trả lãi định kỳ mỗi 3 tháng một lần.

Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu khác cũng đang bị âm vốn chủ sở hữu có thể kể đến Công ty TNHH Đức Việt và Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và Đầu tư Đỏ (Red Capital).

Trong đó, Đức Việt bị lỗ hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm gần nhất và đẩy vốn chủ sở hữu bị âm 443 tỷ đồng. Công ty này có phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng năm 2017 (kỳ hạn 11 năm) và giá trị hiện còn 816 tỷ đồng đang lưu hành.

Red Capital đã bị chuyển sang trạng thái âm vốn chủ sở hữu sau khi lỗ nặng 293 tỷ đồng năm 2022. Tổng nợ phải trả của công ty quản lý tài sản này khoảng 356 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu chiếm đến 300 tỷ đồng.

Lô trái phiếu hiện hữu REDCH2126001 giá trị 300 tỷ đồng được phát hành đầu năm 2021 với kỳ hạn 5 năm, lãi suất phát hành 10,5%/năm. Công ty từng có một lô trái phiếu khác 200 tỷ đồng phát hành tháng 3/2020, nhưng đã được mua lại toàn bộ hồi đầu năm 2022.