Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế?

Nhịp sống - Ngày đăng : 14:43, 31/03/2023

TPHCM đang có sự chậm lại

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế?

Theo đánh giá mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tăng trưởng của TPHCM gây bất ngờ khi chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Khi nhìn lại quãng thời gian dài, những dấu hiệu phát triển chậm lại của TPHCM đã tồn tại nhiều năm qua.

***

Xuyên suốt quá trình phát triển không ngừng của đất nước sau ngày thống nhất, TPHCM luôn được nhắc tới với cái tên "đầu tàu kinh tế của cả nước". Với những đóng góp khổng lồ và sự kỳ vọng lớn được đặt lên vai đại đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tên gọi này không đơn thuần là một danh xưng hay một tên gọi mĩ miều.

Trong từng giai đoạn cụ thể, TPHCM luôn có những bước đi đột phá, linh hoạt trong cách ứng phó với bối cảnh, không ngừng tiến lên phía trước. Gần đây, đô thị lớn nhất cả nước đã mạnh mẽ vượt qua ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thế nhưng, khi nhìn lại cả chặng đường dài, tốc độ của đầu tàu kinh tế đang chậm dần. Đặt trong bối cảnh chung của cả nước, tốc độ của đầu tàu TPHCM dần bị các toa tàu - các địa phương khác - gần tiệm cận.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 1

Nhìn lại cả chặng đường dài, tốc độ của đầu tàu kinh tế TPHCM đang chậm lại (Ảnh: H.G.).

TPHCM đang có sự chậm lại

Qua các số liệu thực tiễn về tình hình phát triển, vai trò đầu tàu của TPHCM đối với cả nước là điều không thể bàn cãi trong suốt thời gian qua, và có lẽ tương lai gần sắp tới. Trong hàng chục năm, đóng góp của siêu đô thị này đối với ngân sách Trung ương cũng luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các tỉnh, thành.

Giai đoạn 1996-2000, kinh tế của TPHCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước, giai đoạn 2001-2010 là 20% và giai đoạn 2011-2020 là khoảng 22%. Đồng thời, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Trung ương của TPHCM bình quân giai đoạn 2001-2010 là khoảng 26,5%, giai đoạn 2011-2019 là 27,5%.

Tuy nhiên, khi so sánh tốc độ phát triển của nền kinh tế TPHCM với các địa phương đang bứt phá mạnh mẽ như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, vị thế dẫn dắt của đầu tàu kinh tế được đặt trong vòng báo động.

Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 9,3%. Kinh tế của thủ đô cũng tăng trưởng liên tục giai đoạn 2016-2020 với mức gần 7,4%.

Cùng quãng thời gian trên, TPHCM tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2015 là 7,2% và giai đoạn năm 2016-2020 là 6,4%.

Nhìn rộng trên bình diện cả nước, GRDP TPHCM năm 2010 chiếm hơn 18,7% trong cơ cấu GDP cả nước. Đến năm 2022, con số này chỉ còn hơn 15,5%.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 2

Tăng trưởng TPHCM đạt mức thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong quý I/2023 (Ảnh: Hải Long).

"Sự sụt giảm của TPHCM những năm qua là có, sụt giảm qua những đóng góp của thành phố vào cái chung, điều đó chúng ta phải thấy. Thành phố giống như đã tới hạn, nếu không có động lực mới, không gian mới thì không thể tiếp tục phát huy như trước", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, trao đổi với phóng viên Dân trí khi được hỏi về sự suy giảm của địa phương thời gian 10 năm trở lại đây.

Theo đánh giá mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2023, tăng trưởng của TPHCM gây bất ngờ khi chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56 trên tổng số 63 địa phương.

Nền kinh tế của TPHCM vẫn phát triển, nhưng âm ỉ trong đó sự chững lại trước hàng loạt thách thức từ nội tại và biến động của bên ngoài. Các doanh nghiệp, công ty và người lao động đang trực tiếp đóng góp cho sự phát triển chính là những cá thể chịu tác động, cảm nhận rõ nhất những biến động của đại đô thị nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Những bánh răng của đầu tàu đang suy yếu

Tháng 10/2021, TPHCM chính thức nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và bước vào giai đoạn chữa lành các vết thương gây ra cho nền kinh tế. Hàng triệu người lao động trên địa bàn được quay trở lại nơi làm việc, nguồn thu nhập được nối lại sau quãng thời gian mất việc làm.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (một công ty lớn trong ngành dệt may, da dày tại TPHCM) nhớ lại, thời điểm đó, mọi người quay trở lại nơi sản xuất với không khí hăng say, hào hứng. Sự khởi sắc của nền kinh tế thể hiện rõ nhất trong quý I và quý II năm 2022, ngành dệt may nhận tấp nập đơn hàng, thu nhập của người lao động tăng cao.

"Nhưng những tín hiệu khởi sắc ấy không kéo dài. Từ nửa cuối năm 2022, những biến động của thế giới, lạm phát, chi phí xăng dầu, nhiên liệu tăng cao khiến tình hình quay đầu lại", ông Trần Như Tùng chia sẻ.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 3

Các doanh nghiệp, công ty và người lao động chịu tác động, cảm nhận rõ nhất những biến động của đại đô thị TPHCM (Ảnh: Q.Huy).

Với đặc thù là doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, công ty dệt may của ông Tùng tiếp tục trải qua quãng thời gian khó khăn về đơn hàng thời điểm đầu năm 2023. Và những khó khăn này không chỉ diễn ra đối với một ngành nghề mà trên nhiều lĩnh vực khác.

"Một anh bạn của tôi trong ngành cơ khí vừa thông báo, cổ đông chính của công ty này phải bán đứt một căn nhà ở Hà Nội để có tiền duy trì hoạt động công ty, giải quyết các khoản nợ với ngân hàng để tránh nợ xấu. Căn nhà của anh cũng phải thế chấp", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM, chia sẻ với phóng viên Dân trí về tình hình ảm đạm của các doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM.

Lĩnh vực cơ khí chỉ là một trong số vô vàn ngành nghề đóng góp cho nền kinh tế TPHCM và cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực đặc thù này luôn được ví là quả tim của các ngành công nghiệp khác, đóng vai trò quan trọng khi đảm nhiệm công đoạn chế tạo, sản xuất thiết bị, máy móc, công cụ cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 4

Thiếu đơn hàng, thị trường bị thu hẹp là thực trạng chung của các doanh nghiệp tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Do đó, sự suy giảm của các doanh nghiệp cơ khí cũng phản ánh một phần không nhỏ mảng tối của bức tranh toàn cảnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, những tín hiệu báo động của nền kinh tế TPHCM đã xuất hiện rõ từ nửa cuối năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu tăng suy giảm rõ so với khoảng thời gian trước. Đối với người lao động, các doanh nghiệp có mức lương trên 10 triệu đồng giảm sâu, từ 80% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 65% trong quý cuối cùng.

"Những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải là hệ quả tất yếu giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, và biến động quốc tế thời gian gần đây", ông Nguyễn Ngọc Hòa phân tích.

Nút thắt chính sách và hạ tầng

Để giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế leo qua tiếp tục leo qua nhiều đỉnh dốc, TPHCM cần thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư. Để rót vốn vào TPHCM, điều đầu tiên họ quan tâm đến môi trường đầu tư và hạ tầng kỹ thuật của địa phương.

Điều đáng để TPHCM cần lưu tâm là cả 2 yếu tố này đều được đánh giá là suy giảm, chưa tương xứng với kỳ vọng.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 5

Hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn của TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Trong cả 2 buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước được tổ chức vào tháng 2/2023, những vướng mắc, chậm trễ về giải quyết thủ tục hành chính, đều được đề cập tới. Điều này đang trực tiếp ảnh hưởng đến cái nhìn của các bên về môi trường đầu tư tại TPHCM.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), nêu thực trạng, rất nhiều chuyên gia từ các nước EU gặp khó khi làm giấy phép lao động tại TPHCM. Nhiều người từ châu Âu đã từng làm việc, sinh sống thời gian dài tại thành phố cũng bị yêu cầu bổ sung quá nhiều giấy tờ, thủ tục.

Đại diện hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại TPHCM cũng nêu ví dụ cụ thể về việc gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính. Một doanh nghiệp cho thuê trang, thiết bị của nước này đang mất từ 9 tháng đến 1 năm để xin giấy phép phụ từ Sở Công Thương.

Việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính không phải điều chỉ xảy ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công chia sẻ, đơn vị đã thực hiện xin thủ tục cấp giấy phép xây dựng một dự án bất động sản tại quận Tân Phú từ tháng 10/2019. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa thể hoàn tất.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 6

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn TPHCM cải thiện vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng (Ảnh: Hải Long).

"Khi gửi hồ sơ, cơ quan tiếp nhận không có câu trả lời mà phải hỏi ý kiến bên này, bên kia. Lòng vòng qua lại cũng không có câu trả lời chính thức, rất mệt mỏi. Tôi mong TPHCM sẽ rà soát lại, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để không mất thời gian của doanh nghiệp", ông Trần Như Tùng ái ngại.

Ngoài việc chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ tạo sự đột phá, hạ tầng giao thông, đô thị tại địa phương chậm nâng cấp và cải thiện cũng tác động trực tiếp đến nền kinh tế của TPHCM.

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, cho rằng, hạ tầng giao thông của TPHCM vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vấn đề ùn tắc, kẹt xe trên địa bàn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm là minh chứng rõ nét nhất.

"Việc ùn ứ giao thông ở Cảng Cát Lái đã tồn tại nhiều năm chưa thể khắc phục, ảnh hưởng lớn đến việc giải phóng hàng hóa. Các tuyến metro chậm tiến độ, vành đai 2, 3, 4 sau nhiều năm vẫn chưa có chuyển biến tích cực, trong khi ở phía bắc, hệ thống đường cao tốc, đường trên cao đã được đầu tư bài bản", đại diện các doanh nghiệp Logistics tại TPHCM chỉ rõ.

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 7

Cảng Cát Lái đã gặp cảnh quá tải nhiều năm qua (Ảnh: Hải Long).

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), góp ý, TPHCM cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Việc ùn tắc giao thông tại địa phương đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh, chất lượng sống của người dân.

Bước qua cuộc đại suy thoái kinh tế (2007-2009), đầu tàu TPHCM đã bứt tốc để đạt mức tăng trưởng 11,8% trong năm 2010. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trên bình diện chung cả nước và bằng với tốc độ tăng trưởng ngang mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trước những thành quả trong giai đoạn khó khăn trước đây, TPHCM có cơ sở để tiếp tục một lần nữa dẫn đầu con tàu kinh tế cả nước vượt qua những đợt thách thức tiếp theo. Tuy nhiên, từ cuộc đại suy thoái kinh tế trước đây đến hiện tại, TPHCM đã không ngừng nới rộng độ mở của nền kinh tế, tăng cường hợp tác với thế giới, đây là thành quả, thế mạnh, nhưng cũng là rủi ro.

Với lợi thế về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước, nền kinh tế của TPHCM cũng có sức nhạy lớn trước mỗi biến động của thế giới.

Năm 2023, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo về việc tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ. Các tổ chức kinh tế, quỹ tiền tệ và ngân hàng lớn của thế giới cũng đều đưa ra kịch bản về một năm gập ghềnh cho nền kinh tế toàn cầu.

Trước bối cảnh này, bài toán đặt ra cho các cấp chính quyền thành phố là cần cải cách mạnh mẽ về mặt thể chế, tìm kiếm nguồn lực mới, khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng và tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. Từ hiện tại tới lúc các vấn đề nan giải trên được tháo gỡ, vị thế đầu tàu kinh tế TPHCM mới hy vọng được tăng tốc trở lại…

Vì sao TPHCM đang suy giảm vị thế đầu tàu kinh tế? - 8

Nội dung: Q.Huy

Ảnh: Hải Long, Q.Huy, H.G.

31/03/2023