Quân sự thế giới hôm nay (30-3): Israel phóng thành công vệ tinh tình báo Ofek-13
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 14:16, 30/03/2023
* Israel phóng vệ tinh tình báo mới Ofek-13. Ngày 30-3, Bộ Quốc phòng Israel thông báo vệ tinh quân sự Ofek-13 đã được phóng lên quỹ đạo vào khoảng 2 giờ 10 phút sáng ngày 29-3.
Sau khi đi vào quỹ đạo và hoạt động ổn định, Ofek-13 sẽ được chuyển giao cho cơ quan tình báo quân sự. Thông báo của Bộ Quốc phòng Israel có đoạn: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chứng minh rằng ngay cả không gian cũng chưa phải là giới hạn của quân đội Israel và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường năng lực ở mọi chiều kích dù có nhiều thách thức khác nhau”.
Ofek-13 là vệ tinh tình báo hình ảnh (IMINT) tiên tiến nhất hiện nay của Israel. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel |
Ofek-13 là vệ tinh tình báo hình ảnh (IMINT) tiên tiến nhất hiện nay do Tập đoàn hàng không vũ trụ nhà nước Israel Aerospace Industries (IAI) phát triển và sản xuất. Theo ông Boaz Levy, Chủ tịch IAI, vệ tinh Ofek-13 “được trang bị các tính năng quan sát radar đặc biệt, cho phép thu thập thông tin tình báo hình ảnh trong mọi điều kiện thời tiết và điều kiện tầm nhìn.
Israel bắt đầu trở thành một trong những cường quốc về không gian vào năm 1988. Đây cũng là năm quốc gia Trung Đông này phóng vệ tinh Ofek (trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Chân trời”) đầu tiên.
* Lục quân hoàng gia Malaysia muốn mua tên lửa dẫn đường chống tăng tầm trung (ATGM) mới. Bộ Quốc phòng Malaysia mới công bố 2 gói thầu mời các công ty trong nước cung cấp 18 hệ thống ATGM cho Lục quân và 119 phương tiện phục vụ hoạt động chung cho Không quân.
Trước đó, Lục quân Malaysia đã đề xuất mua bổ sung và thay thế cho 24 hệ thống chống tăng Metis-M mua từ năm 2001. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khi đó chưa thông qua đề xuất này. Theo Shephard Media, gói mời thầu hệ thống tên lửa chống tăng tầm trung này bao gồm các thông số kỹ thuật giống các hệ thống ATGM các thành viên NATO sử dụng.
Hệ thống tên lửa chống tăng Metis-M. Ảnh: BTDM từ Military Leak |
Hồ sơ mời thầu của Bộ Quốc phòng Malaysia yêu cầu một hệ thống ATGM gồm ống phóng, đạn tên lửa, kính ngắm bắn, giá ba chân và thùng chứa đạn tên lửa. Tên lửa không được dài hơn 1,2m và có đường kính tối đa 130mm, phải có khả năng xuyên thủng giáp phản ứng nổ và tấm giáp chính dày tối thiểu 900mm, còn đủ hiệu năng để gây thương vong cho kíp xe và thiết bị trên xe sau khi xuyên giáp. Xác suất trúng đích của ATGM cũng không được thấp hơn 90% và phải có thể chuyển từ chế độ bắn thẳng sang bắn đột nóc.
* Các tay súng ELN đã tấn công một đơn vị quân đội Colombia làm 9 binh sĩ thiệt mạng. Vụ tấn công được ELN thực hiện ngày 29-3 ở El Carmen, bang Norte de Santander gần biên giới với Venezuela. Lực lượng ELN (Quân đội giải phóng quốc gia) đã sử dụng vũ khí tầm xa và các thiết bị nổ tự chế tấn công đơn vị bảo vệ đường ống dẫn dầu Caño Limón-Coveñas của công ty dầu khí nhà nước Ecopetrol. Trong số 9 binh sĩ thiệt mạng, có 2 sĩ quan và 7 lính nghĩa vụ.
Thiếu tướng Helder Giraldo, Tư lệnh quân đội Colombia, cho biết từ trước tới nay cơ sở hạ tầng của công ty Ecopetrol đã thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng ELN. Ngoài cuộc tấn công nói trên, ELN cũng gia tăng quấy rối dân thường ở các tỉnh Cauca, Arauca, Chocó và Nariño, “vi phạm các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế mà họ đã tuyên bố sẽ tuân thủ”.
Binh sĩ Colombia gác hiện trường một vụ đánh bom xe. Ảnh: Stars and Stripes |
Một số vùng nông thôn ở Colombia vẫn hiện nằm dưới sự kiểm soát của các băng đảng ma túy và các nhóm phiến quân bất chấp thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ với Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đạt được năm 2016.
Thiếu tướng Helder Giraldo cho biết quân đội Colombia sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch tiễu trừ ELN ở khu vực này và sẽ đệ trình khiếu nại về hành động “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế” lên các cơ quan chức năng, mặc dù trước đó ELN đã bày tỏ khả năng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình cùng chính phủ. Các vụ tấn công của ELN đã khiến đàm phán hòa bình của đất nước 50 triệu dân này đi vào đình trệ. Trước đó, ELN đã nhận trách nhiệm về một vụ đánh bom xe khiến 22 người thiệt mạng tại Bogota vào năm 2019. Chính phủ Tổng thống Iván Duque khi đó đã dừng mọi hoạt động đối thoại với nhóm này. Thành lập năm 1964, ELN hiện có khoảng 2.000 đến 4.000 tay súng hoạt động ở các khu vực thuộc lãnh thổ Colombia và Venezuela.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)