Điểm tin kinh doanh 30/3: Choáng vì vàng tăng vọt trở lại

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 30/03/2023

Tăng trưởng kinh tế quý II chưa thể bứt phá; Ứng dụng Webgis để quản lý hộ kinh doanh

- Giá vàng hôm 29/3: Choáng vì vàng tăng vọt trở lại

Giá vàng hôm 29/3 trên thị trường quốc tế tăng vọt nhưng ở trong nước chỉ tăng giá nhẹ.

Lúc 9 giờ giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 66,5 triệu đồng/lượng, bán ra 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với cuối ngày hôm qua.

Biên độ chênh lệch giá vàng SJC được duy trì ở mức 700.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm mạnh hơn về 54,9 triệu đồng/lượng mua vào, 55,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: SJC Hà Nội: 66.450.000 đồng/lượng - 67.170.000 đồng/lượng; Doji Hà Nội: 66.400.000 đồng/lượng - 67.100.000 đồng/lượng; SJC TP.HCM: 66.450.000 đồng/lượng - 67.150.000 đồng/lượng; Doji TP.HCM: 66.500.000 đồng/lượng - 67.100.000 đồng/lượng.

Tới 9h56' hôm ngày 29/3, giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.968,7 USD/ounce, tăng 4,7 USD/ounce so với đêm trước đó. Giá vàng giao tương lai tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1988,1 USD/ounce, tăng 20,1 USD/ounce so với đêm trước đó.

Đêm 28/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.964 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.968 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 28/3 cao hơn khoảng 7,7% (140 USD/ounce) so với cuối năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 56,8 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 10,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 28/3.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt do đồng USD giảm. Giới đầu tư bắt đáy vàng trong bối cảnh mặt hàng kim loại quý được dự báo sẽ còn tăng giá.

- Công chúa Huawei sắp trở thành chủ tịch tập đoàn

Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của bà Mạnh đến vào thời điểm nhạy cảm, khi Huawei chật vật tìm cách đối phó với áp lực ngày càng tăng từ phía Mỹ.

Truyền thông địa phương đưa tin, bà Mạnh Vãn Châu sẽ ngồi vào ghế chủ tịch luân phiên của tập đoàn Huawei từ tháng 4. Theo SCMP, đây là lần đầu tiên con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đảm nhận vai trò quan trọng này.

Nhiệm kỳ của bà Mạnh sẽ kéo dài 6 tháng, đến 30/9, tiếp theo là 2 chủ tịch luân phiên khác gồm Ken Hu Houkun và Eric Xu Zhijun. Thông tin được hội đồng quản trị Huawei xác nhận trong một cuộc họp nội bộ hôm 28/3.

Đây là lần đầu tiên con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi giữ vai trò lãnh đạo cao nhất tại tập đoàn.

- 'Gã khổng lồ' điện tử Foxconn chuyển hướng kinh doanh sang Ấn Độ và Indonesia

Mới đây, Foxconn - nhà thầu phụ chính của Apple đã giành được hợp đồng sản xuất AirPods và có kế hoạch xây dựng nhà máy ở Ấn Độ để sản xuất thiết bị này.

Việc "gã khổng lồ" điện tử Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu chuyển hướng kinh doanh sang quốc gia Nam Á này vì muốn tìm kiếm sự ổn định và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Dù Ấn Độ khó thay thế được Trung Quốc, nhưng có thể thu hút 20% sản lượng điện tử thế giới.

Như vậy, sau iPhone 14, Foxconn sẽ sản xuất AirPods tại Ấn Độ. Để đảm bảo việc sản xuất thiết bị này, Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào nhà máy đặt tại bang Telangana, miền Nam Ấn Độ.

Động thái này nhằm khẳng định mong muốn của Foxconn đa dạng hóa các chuỗi sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Cũng có thể Apple đã yêu cầu nhà máy này phải được đặt ở quốc gia Nam Á. Một khi xuất xưởng, những chiếc AirPods này sẽ là sản phẩm đầu tiên được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy mới trên sẽ góp phần tăng thị phần của Ấn Độ từ mức dưới 5% hiện nay lên 15% trong tổng sản lượng iPhone. Theo các nhà chức trách New Delhi, Apple muốn đảm bảo 25% sản lượng iPhone của mình được sản xuất tại Ấn Độ.

- Ứng dụng Webgis để quản lý hộ kinh doanh

UBND Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) ra mắt giải pháp 'Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Webgis) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực' và giải pháp 'Cấp phép điện tử đối với thủ tục cấp giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh'.

Quận 1 hiện có gần 10.000 hộ kinh doanh. Quy định mỗi hộ kinh doanh khi thành lập phải thực hiện các thủ tục hành chính như, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, mã số thuế, các loại giấy phép đủ điều kiện kinh doanh..., khối lượng hồ sơ rất lớn. Việc ứng dụng Webgis góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Về giải pháp ứng dụng Webgis, người dân truy cập vào trang web http://gis.quan1hcm.gov.vn có thể tra cứu tên bảng hiệu trước khi đăng ký kinh doanh (hạn chế trùng lặp); quét ô phố hình tròn theo bán kính tùy chọn để biết số lượng hộ kinh doanh trong ô phố mình dự kiến kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, cơ quan nhà nước, trường học, cơ sở y tế đang trú đóng... Nhờ đó, người dân có thể đưa ra quyết định đầu tư, thành lập hộ kinh doanh tại địa điểm phù hợp, tránh khu vực hạn chế kinh doanh ngành nghề có điều kiện và tăng khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng…

- Tổng Cục trưởng Thống kê: Tăng trưởng kinh tế quý II chưa thể bứt phá

Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương, kinh tế quý II/2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn quý I/2023.

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra.

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I và gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.

- Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh

Do ảnh hưởng của lạm phát, xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực nông, lâm, thủy sản của Việt Nam giảm mạnh khiến kim ngạch toàn ngành trong 3 tháng chỉ đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, của cả nước ước đạt hơn 4,6 tỷ USD (giảm 6,5% so với tháng 3/2022). Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch toàn ngành ước đạt 11,2 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kéo lùi sự tăng trưởng của ngành phải kể đến các mặt hàng như cà phê, cao su, chè, hạt tiêu, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói thảm…

Ở chiều ngược lại, những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước gồm: Gạo đạt 952 triệu USD (tăng 30,2%); nhóm rau quả đạt 935 triệu USD (tăng 10,6%); hạt điều đạt 708 triệu USD (tăng 14,2%); sữa và sản phẩm sữa đạt 33,3 triệu USD (tăng 22,2%); thịt, phụ phẩm 37 tỷ USD (tăng 80,1%),...

Trong 3 tháng, Việt Nam cũng chi 9,4 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, giảm 7,2%. Tính đến cuối tháng 3, cả nước xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Báo (Tổng hợp)