Cách đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 để tránh... trượt oan
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 14:45, 29/03/2023
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2023 - 2024 được tổ chức ngày 10 và 11/6/2023 với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Vẫn như năm học trước, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Theo đó, có 12 khu vực tuyển sinh trên toàn thành phố Hà Nội.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV 1, NV 2 và NV 3. Trong đó, NV 1 và NV 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; NV 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Nếu trúng tuyển NV 1 thì không được xét tuyển NV 2, NV 3. Học sinh không trúng tuyển NV 1 được xét tuyển NV 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường ít nhất 1,0 điểm.
Học sinh không trúng tuyển NV 1, NV 2 được xét tuyển NV 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có NV 2, NV 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).
Theo một hiệu trưởng trường THCS ở quận Đống Đa, về việc lựa chọn NV 1, 2, 3 vào các trường THPT công lập hằng năm thông qua kết quả các bài kiểm tra tháng, học kỳ, thi thử và điểm tuyển sinh đầu vào của các trường THPT, giáo viên tư vấn rất sát năng lực học sinh để phụ huynh quyết định các nguyện vọng.
Một số phụ huynh tin tưởng nhưng cũng có không ít phụ huynh đặt kỳ vọng cao hơn, đăng ký nguyện vọng cao hơn năng lực thực tế của con em mình rất nhiều. Điều này vừa khiến học sinh vừa bị áp lực vừa có nguy cơ trượt mất cơ hội.
Chia sẻ với báo chí, bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân cho rằng, nhiều phụ huynh chọn trường vừa tầm để con chắc suất đỗ nhưng cũng có tỉ lệ phụ huynh có mong muốn đăng ký nguyện vọng vào các trường tốp trên, vượt năng lực thực sự của học sinh.
Nếu chọn nguyện vọng không đúng, các em dễ... trượt oan. Tuy nhiên, giáo viên chỉ thực hiện vai trò tư vấn, quyết định thế nào vẫn là quyền của phụ huynh và học sinh.
Vì vậy cô giáo này cho rằng, để học sinh tránh trượt oan, căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học, giáo viên sẽ tư vấn cho các em lựa chọn nguyện vọng. Vì hơn ai hết, giáo viên là người nắm được năng lực học tập của học sinh.
Thậm chí có giáo viên còn lập bảng so sánh điểm chuẩn nhiều năm trở lại đây của các trường THPT để phụ huynh, học sinh so sánh, nghiên cứu.
Sau khi học sinh đã lựa chọn, giáo viên rà soát lại một lần nữa để hạn chế các trường hợp học sinh chọn thấp quá hoặc cao quá để tư vấn thêm.