Bộ GTVT thống nhất nhiều giải pháp trị 'xe dù bến cóc' của TP HCM
Xã hội - Ngày đăng : 12:25, 29/03/2023
Thông tin được nêu trong công văn Bộ GTVT phản hồi UBND TP HCM về các đề xuất nhằm kiểm tra, xử lý tình trạng xe ô tô khách đón, trả khách không đúng nơi quy định, hay còn gọi bến cóc, xe dù tại TP.
Cụ thể, TP HCM đề xuất Cục đường bộ sớm nâng cấp hệ thống xử lý, khai thác sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để trích xuất dữ liệu điểm đầu, điểm cuối trùng lặp của tổng số chuyến xe trong thời gian một tháng, làm cơ sở xử lý các trường hợp phương tiện kinh doanh vận tải hợp đồng và du lịch đón trá khách tuyến cố định. Về nội dung này, Bộ GTVT thống nhất và giao Cục đường bộ phối hợp các đơn vị khẩn trương có giải pháp, báo cáo Bộ GTVT.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng thống nhất đề xuất của TP HCM về kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn việc xác định nội dung vi phạm lặp đi lặp lại hàng ngày trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch để lực lượng chức năng có cơ sở xử phạt.
Một điểm đón trả khách trên Quốc lộ 22 (gần Bến xe An Sương)
Liên quan đến kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn về điều kiện, tiêu chí hoặc nội dung quy định cụ thể về hành vi thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép (bến dù, bến cóc) để lực lượng chức năng có đủ cơ sở thực hiện kiểm tra, xác định và xử lý hành vi vi phạm, Bộ GTVT ghi nhận nội dung kiến nghị của TP HCM và giao Cục Đường bộ nghiên cứu, đề xuất quy định, hướng dẫn cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Về vấn đề này, Bộ GTVT dẫn Luật giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định: Người vận tải, người lái xe phải đón trả khách đúng nơi quy định. Do đó, hành vi "thành lập điểm giao dịch đón, trả khách trái phép" được hiểu là hành vi đơn vị kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thành lập, bố trí điểm đón, trả khách không đúng với điểm đón, trả khách theo quy định đối với từng loại hình kinh doanh vận tải khách.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về thành lập vị trí đón, trả khách với từng loại hình kinh doanh vận tải, nên việc xác định hành vi vi phạm còn khó khăn, đặc biệt đối với xe hợp đồng, du lịch. Do đó, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nghị định 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Qua đó, đề xuất các giải pháp quản lý cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật (nếu cần thiết) cho phù hợp tình hình thực tế.
Bộ GTVT cũng giao Vụ Pháp chế trên cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Cục Đường bộ sẽ tổng hợp, bổ sung vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ GTVT theo đúng quy định.
Từ năm 2022, dù triển khai nhiều giải pháp như cấm xe giường nằm vào nội đô TP, hoàn tất di dời Bến xe Miền Đông mới cũng như tăng cường xử lý xe khách vi phạm qua camera nhưng tình hình đón, trả khách sai quy định vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM. Thống kê trên toàn địa bàn TP còn khoảng 76 điểm kinh doanh thường xuyên đón, trả khách không đúng quy định.