Hiệu trưởng sẵn sàng nhận 'hoa hồng' để đón doanh nghiệp vào trường học
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:15, 29/03/2023
"Hoa hồng" vào trường học
"Hoa hồng" vào trường học là chuyện khá nhạy cảm mà nhiều người quan tâm, tò mò nhưng ít ai dám thẳng thắn công khai. Dù không được thừa nhận nhưng "hoa hồng" vẫn tồn tại, mỗi dịch vụ dù ít hay nhiều thường có một khoản tiền được trích lại cho nhà trường để hỗ trợ.
Vừa qua, khi Dân trí đã phản ánh nội dung: lại khiến dư luận tranh luận về vấn đề "hoa hồng", "lại quả".
Ông T.N. - một chuyên viên phòng GD&ĐT tại TPHCM được giao phụ trách quản lý mảng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp - thừa nhận còn nhiều bất cập. Vị này phân tích, thuật ngữ "hoa hồng" hay "tiền hoa hồng" được sử dụng rất nhiều trong đời sống dân sự, khi một chủ thể thực hiện hoạt động trung gian giữa bên mua, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ và một bên có nhu cầu với hàng hóa, dịch vụ đó.
Thuật ngữ này xuất hiện trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về kinh tế, thương mại. Tiêu biểu là xuất hiện trong Luật thương mại năm 2005. Do đó, về mặt pháp lý, việc nhận hoa hồng trong một số trường hợp là không sai.
Trong trường hợp cụ thể tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, ông N. cho rằng, nếu nhà trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm... đúng quy định, đảm bảo các tiêu chí phục vụ học sinh tối đa; việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ là khách quan, đúng quy định (kể cả việc đấu thầu công khai để lựa chọn) trên cơ sở nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho học sinh; được phụ huynh, học sinh đồng thuận tham gia; không có việc cắt xén quyền lợi học sinh hay nâng giá dịch vụ để chi trả hoa hồng... thì việc đơn vị cung cấp dịch vụ chi trả một khoản hoa hồng là bình thường.
Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật vẫn có các quy định khá cụ thể về việc nhận, quản lý, sử dụng một khoản tiền, trong đó có tiền "hoa hồng". Việc nhận "hoa hồng" phải theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, hay các quy định về đạo đức nhà giáo, về nhiệm vụ của giáo viên...
"Hầu như các quy định của pháp luật hiện hành đều không cho phép giáo viên nhận "hoa hồng" theo kiểu được trích lại theo đầu học sinh", chuyên viên phòng GD&ĐT chia sẻ.
Tóm lại, ông T.N. cho rằng, mấu chốt vấn đề là cách thức xử lý của nhà trường sao cho không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo, phục vụ tốt nhất, đảm bảo an toàn và đạt được mục đích hoạt động giáo dục.
Lãnh đạo nhà trường có thể giao cho tổ chức công đoàn trường đứng ra tiếp nhận khoản tài trợ "hoa hồng" này. Căn cứ nhiệm vụ của giáo viên trong Điều lệ trường, căn cứ tính chất và đặc thù của công tác tổ chức một hoạt động ngoại khóa cụ thể (như giáo viên phải đi sớm hơn giờ đi dạy ở trường, về trễ hơn, trách nhiệm trông coi...), nhà trường thông qua tổ chức công đoàn... có thể chi hỗ trợ lại một khoản cho công đoàn viên có tham gia nhiệm vụ này.
"Lâu nay, vấn đề "hoa hồng" trong nhà trường khá nhạy cảm, kể cả có tiêu cực. Đặc biệt rất dễ phát sinh những suy nghĩ không hay, thậm chí, có thể phụ huynh hay xã hội vẫn nghĩ đó là tiền cắt xén hay nâng giá từ hợp đồng cung cấp dịch vụ của nhà trường với học sinh.
Trên thực tế, tôi vẫn khẳng định là "có" chuyện trường nhận hoa hồng. Nhưng đúng hay sai còn tùy thuộc vào cách xử lý của hiệu trưởng", chuyên viên phòng GD&ĐT nêu ý kiến.
Chia sẻ tại một tọa đàm được tổ chức ngày 17/3 mới đây, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - cũng bày tỏ có việc hiệu trưởng vì được nhận hoa hồng mà đồng ý cho các công ty dịch vụ vào trong nhà trường, điển hình nhất là các trung tâm tiếng Anh cho trẻ em, vào lấy thông tin cá nhân của học sinh.
Không nên biến tướng chương trình ngoại khóa
Theo cảm nhận của giáo viên T.H. tại quận 12 cho biết, ông đã làm việc ở cả môi trường công lập và ngoài công lập, có 10 năm dẫn học trò đi ngoại khóa. Từ kinh nghiệm bản thân, ông H. thấy rằng, gần như trường nào cũng tổ chức và sử dụng những tên mỹ miều như chương trình ngoại khóa hay trải nghiệm… thực chất là núp bóng để đi du lịch.
Công ty du lịch thường chi "hoa hồng" cho trường. "Hoa hồng" cũng phần nào lí giải việc cùng 1 công ty, cùng nội dung đi Đà Lạt với các hoạt động như nhau nhưng có trường thu 1,3 triệu đồng/học sinh, có trường thu 1,5 triệu đồng/học sinh, có trường lên đến 1,8 triệu đồng/học sinh.
Ông chia sẻ, việc tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa rất phức tạp, giáo viên rất lo lắng. Trong lần đưa học trò đi Nha Trang, có 1 học trò của ông thoát chết trong ngang tấc vì đuối nước. Trong các lần đi Đà Lạt thì có 2 lần xe đâm vào núi nhưng cũng rất may không ai bị làm sao.
"Vấn đề tôi và nhiều giáo viên bức xúc là đi tham quan nhưng lãnh đạo muốn an toàn, muốn nhàn hạ nên đi máy bay còn giáo viên chủ nhiệm và học sinh phải đi xe, vừa xa xôi vất vả, vừa nguy hiểm", nhà giáo này cho hay.
Nói về việc nhận được kinh phí từ chuyến đi thực tế, giáo viên T.H thẳng thắng chỉ ra rằng, mỗi giáo viên chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng nên đó không phải là lý do để họ vận động học sinh tham gia trải nghiệm.
"Giáo viên không cần mấy đồng tiền đó. Nếu thực sự thiết kế những tour trải nghiệm giúp cho học trò học hành thì khó khăn bao nhiêu thầy cô cũng tham gia cả. Còn việc đội lốt du lịch hay hù dọa xét thi đua, tính thành tích hàng quý khiến cho nhà giáo bức xúc bởi nếu bị hạ xếp loại sẽ ảnh hưởng nhiều đến thu nhập", vị này cho hay.
Trong bài viết "Mỗi học sinh đi ngoại khóa, giáo viên chủ nhiệm được 10.000 đồng?", bạn đọc Dân trí để lại hàng trăm bình luận bày tỏ quan điểm. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, chuyện nhà trường nhận hoa hồng đã trở nên phổ biến và là bình thường.
Tuy nhiên, cũng nhiều băn khoăn về việc biến tướng các hoạt động trong giáo dục. Ý kiến của bạn đọc Minh Nguyễn nêu: "Mình thấy gửi giáo viên 10.000 đồng hay 20.000 đồng/bé cũng bình thường và mình đồng ý nhé. Nhưng không đồng ý cái kiểu lớp nào đi ít thì giáo viên bị đánh giá loại 2. Một lớp khoảng 40-50 học sinh. Nếu đi cả lớp giáo viên được bồi dưỡng có 400.000-500.000 đồng. Trời ơi. Thấp vô cùng".
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Phùng Bá Phúc cho rằng: "Nếu để điều này xảy ra thường xuyên sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm cho công tác giáo dục về sau. Bạn nghĩ xem có cuộc đi chơi nào của học sinh tự nguyện không?
Ở trường con tôi học thì khi họp phụ huynh không ai muốn cho con đi nhưng rồi vì một điều gì đó các cô tìm đủ mọi cách buộc các con phải đi. Mà chỉ đi chơi một ngày đến hai nơi trong tỉnh mà mỗi cháu phải đóng 365.000 đồng. Đi chùa, đi đền mà gọi là trải nghiệm thì ko hiểu trải nghiệm điều gì".
Trong khi đó, không ít phụ huynh cũng bày tỏ giáo viên bị áp lực bởi chỉ tiêu, thành tích, thi đua.
"Cô giáo chủ nhiệm của con tôi nhắn vào nhóm lớp nói phụ huynh cố gắng vận động các em tham gia không lớp mất thành tích. Với các thầy cô đứng lớp, đánh giá cuối năm như một áp lực vô hình làm cho thầy cô đôi khi không muốn nhưng phải làm", bạn đọc Tuấn Anh Lê viết.
Bạn đọc Hạnh Nguyễn còn chua chát khi dừng từ "văn hóa lại quả": "Ngoại khóa, đồng phục, cơm bán trú, bảo hiểm thân thể... văn hóa "lại quả" tồn tại từ lâu rồi đâu phải giờ mới có - bình luận viết.
Trước đó, ngày 20/3, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản gửi các đơn vị giáo dục toàn TP về việc thực hiện rà soát chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Sở yêu cầu các chương trình phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức; hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm.
Đối với học sinh tiểu học, không tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ra khỏi địa bàn TPHCM.