Lắp mái che vỉa hè: ‘Việt Nam nên học hỏi phương Tây, tránh mắc sai lầm’

Nhịp sống - Ngày đăng : 09:30, 29/03/2023

Kiến trúc sư Lê Quang, cha đẻ của dự án “Bức tường Berlin” bằng kinh nghiệm đã đưa ra một góc nhìn thú vị về đề xuất lắp mái che vỉa hè trên tuyến đường Lê Lợi, TP.HCM đang được quan tâm những ngày qua.

Tranh luận về việc có thể trồng cây xanh tạo bóng mát hay buộc phải làm mái che nhân tạo ở đường Lê Lợi, TP.HCM nghe có vẻ rất phi lý nhưng cũng sẽ là tình huống đầu tiên mà người dân Sài Gòn được trải nghiệm đối với vấn đề mái hiên tự nhiên (green canopies) tại các đô thị có hạ tầng ngầm.

catxah.jpeg
Một ví dụ về đai Mobility được tham khảo trên ga trung chuyển, có 1 làn tàu điện nổi trộn với 2 làn xe hơi cùng hệ thống cảm biến với người đi bộ, trên vỉa hè có sử dụng hỗn hợp cây trồng, bồn nổi và bồn chìm, ngoài ra có mái che Tensile Membrane ở các vị trí không trồng được cây. Nhờ vành đai mobolity này, khu vực phân khu bên trong được giải phóng xe hơi, chỉ còn xe đạp, e-scooter và người đi bộ - dẫn tới trồng cây thoải mái hơn.

Khác với Việt Nam, các đô thị phương Tây đã có hạ tầng ngầm hoàn chỉnh (như các hệ thống cống lớn, ga tàu điện ngầm và cả bãi đỗ xe nữa) từ cách đây mộtthế kỉ. Việc gia tăng mức độ che phủ, thoạt nghe có vẻ dễ dàng (đặc biệt ở các nước nông nghiệp và thời tiết thuận lợi cho trồng cây như ở Việt Nam), tuy nhiên trên thực tế, nó có thể hoàn toàn thiếu khả thi bởi các nguyên nhân nặng tính kĩ thuật.

Hạ tầng ngầm. Đây cũng là tình huống ta gặp phải tại đường Lê Lợi. Nếu ai từng tới các quảng trường lớn ở châu Âu chắc hẳn sẽ nhận ra, nhiều trường hợp cũng không có cây.

5-1679925067597.jpg
Tuyến đường Lê Lợi dự kiến sẽ được lắp mái che vỉa hè. Ảnh: Dân Trí

Ví dụ điển hình là quảng trường Alexanderplazt tại thủ đô Berlin, hoặc Plaza Mayor tại thủ đô Madrid, chúng đều là những quảng trường quan trọng nhưng không có bóng cây. Ngay phía trên quảng trường Alexanderplazt, bên dưới nó là ga trung chuyển và một bãi đậu xe khổng lồ.

Về lý thuyết, để có thể trồng cây cho tán, phía bên trên quảng trường cần ít nhất 1.2m chiều sâu đất tự nhiên (1.2m soil depth); và các vị trí này không đảm bảo điều đó, bao gồm cả Madrid Plaza Mayor và Puerta Del sol Madrid.

Tuy nhiên cũng có những nơi mặc dù có ga tàu bên dưới nhưng vẫn trồng được cây (chứ không phải cứ có ga ngầm là không trồng được cây), ví dụ như Plaza de Espana, bởi lẽ nó được xây dựng đủ sâu dưới lòng đất để tạo lớp đất mềm trên bề mặt cho cây trồng, ở Singapore thì khỏi nói, người ta còn làm cả công viên trên nắp ga chứ đừng nói là 1,2 cái cây.

lapmaiche.jpg
Kiến trúc sư Lê Quang cho rằng Việt Nam cần học bài học của phương Tây. Ảnh: Dân Trí

Về nguyên lý thì Alexanderplazt cũng có thể cải tạo để làm được như thế nhưng nó dẫn tới việc thay thế kết cấu lớn và chi phí ấy biến tất cả mọi thứ trở nên hoàn toàn không khả thi.

Như vậy, ở góc độ chuyên môn thì thực sự là có một số khu vực được thiết kế ra ‘không phải để trồng cây’(một cách chủ động nhằm tạo vùng nhìn trống trải, ấn tượng trong quá khứ) hoặc là nó đã được làm ra mà ‘không được tính tới tình huống ấy’ (bị động). Có rất nhiều ví dụ như vậy, Venice Saint Mark’s Square, Paris’s Place de la Concorde… mặc dù cho tới nay, mọi thị trưởng đều khao khát có cây mọc ở đó.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn trên đường hoặc quảng trường tại các thành phố châu Âu thường khá cụ thể và ngặt nghèo. Một cái cây xuất hiện trên phố, liệu nó có cao quá không, có thấp quá không, có gây cản trở người khuyết tật không, có che mất quá nhiều mặt đứng các tòa nhà di sản hay không.

Chi phí trung bình để trồng 1 cây trong thành phố được ước tính là 2000 euros, trong đó phần nặng nhất là phí bảo trì trong 3-7 năm đầu tiên để cái cây đó sống được ở cái nơi đã được phê duyệt trồng nó xuống. 

Ở Việt Nam, trước đây người dân có xu hướng cảm thấy dễ thỏa mãn với hạ tầng cứng, đường xá lớn, nhà cửa to, rộng, hào nhoáng… trong khi đó tại các thành phố phát triển, tốc độ nâng cao độ che phủ của hạ tầng mềm, xanh lại là yếu tố làm tăng giá trị bất động sản hàng đầu.

Khách du lịch có xu hướng đổ về các khu vực có bóng cây, các cửa hiệu, tòa nhà nằm trên trục đường có cây trồng vỉa hè cũng trở nên đắt giá hơn nhiều. Đó cũng là kết quả của quá trình trồng cây làm đẹp đô thị (urban beautification) đã diễn ra ở châu Âu cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.

Sự hiện diện của cây cối, ngoài chức năng thuộc chuyên môn đô thị, còn là một trong số các giải pháp tâm lý dành cho dân chúng và do đó trong một thế kỉ qua đã luôn là mối quan tâm chính trị của lãnh đạo địa phương.

Các thành phố mật độ cao của Việt Nam có cơ hội để thấy các bài học của phương Tây nhằm sớm có quy hoạch chi tiết hơn với tầm nhìn cụ thể hơn. Các đồ án có liên quan tới Mobility đều nên được nghiên cứu để tránh tình trạng làm xong mới ngớ ra là sẽ không có cây mọc ở trên. Tất cả yếu tố này đều có thể tính đến từ đầu và chuẩn bị một bộ giải pháp chung cho nó từ cách đây hơn 15 năm.

Đối với các hoạt động quy hoạch nói chung trong tương lai (đặc biệt ở thành phố Thủ Đức chẳng hạn), có lẽ thành phố nên tiến hành đi đôi với cải cách về giao thông và đơn vị giao thông, bằng các chiến lược đơn giản về phân nhánh và tạo đai mobility, nhiều khu vực sẽ được định hướng ‘không có xe hơi’ như một số thành phố lớn đã làm được.

Khi lượng xe hơi tăng lên và phân bố rải rác, chúng là tác nhân chính gây giảm diện tích che phủ của cây cối, bởi lẽ một cái xe đi tới đâu là choán chỗ tới đó chứ nó không đứng yên choáng một vị trí tĩnh như tòa nhà. Hãy hình dung rằng bạn đi ăn ở quận 1, về nhà ở Thảo Điền và đi chơi ở quận 7, mỗi nơi bạn đều phải đỗ xe, nghĩa là mất chỗ trồng 3 cái cây trong khi bạn chỉ có đúng 1 chiếc xe mà thôi.

Trở lại với tuyến phố Lê Lợi, nếu giải pháp trồng cây tạo bóng mát bên trên ga ngầm là không khả thi thì vẫn có thể trồng được cây trong các bồn đúc nổi (với soil depth tối thiểu 1.2m).

Nếu không làm được nữa thì vẫn có cách sử dụng kết cấu che nhân tạo Tensile Membrane Structure (vải căng) như các đồ án nổi tiếng ở Trung Đông, ở Đức hoặc Tây Ban Nha, chúng tiện lợi, đẹp, dễ bảo trì, có thể làm nhiều lớp, đa tầng và quan trọng là cho lưu thông gió đô thị. Còn lợp mái tôn và đóng trần bên dưới thì không ổn, nó cho thấy nét làm việc hời hợt cố hữu.

Nhưng nói gì thì nói, cây vẫn là tốt nhất bởi vì lợi ích mà nó mang lại vượt xa chi phí đầu tư.

Lê Quang tốt nghiệp bằng cử nhân Kiến trúc của ĐH Kiến trúc Hà Nội vào năm 2011. Sau đó, anh lấy bằng MAS tại ETH Zurich và March II Harvard GSD. Năm 2015, anh thành lập công ty kiến trúc riêng để nghiên cứu phát triển nhà ở, nghiên cứu đô thị và tái hiện kiến trúc. Bức tường Berlin, dự án nhà ở cho người tị nạn tại Berlin của anh được nhắc đến trong Festival Kiến trúc thế giới 2016.

Tổng hợp MXH