Trung tâm tiếng Anh bị tố thu tiền nhưng không dạy, dọa đánh học sinh

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 06:43, 28/03/2023

Hàng chục học sinh tố cáo trung tâm tiếng Anh ANA ở TP.HCM thu 10-25 triệu đồng học phí/học viên nhưng không dạy học đúng cam kết ban đầu, thậm chí còn đe dọa và bắt ép học sinh.

Những ngày này, Nguyễn Yến (24 tuổi) cùng nhiều học sinh ở TP.HCM chuẩn bị hồ sơ, làm đơn tố cáo trung tâm tiếng Anh của bà An Thị Thùy Dung ở phường Tân Bình (TP.HCM) thu tiền nhưng không dạy học theo đúng cam kết.

Hầu hết nạn nhân của trung tâm này đều là người đã đi làm hoặc các học sinh, sinh viên mong muốn học giao tiếp hoặc luyện thi IELTS để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học hoặc xét tốt nghiệp đại học.

Do bà Dung không dạy học như đã cam kết, việc học tập, tốt nghiệp của nhiều người bị ảnh hưởng, học sinh cũng không thể đòi lại tiền để đi học ở trung tâm khác.

to cao trung tam anh 1
Trung tâm của bà An Thị Thùy Dung thu tiền của học sinh nhưng không dạy học theo đúng cam kết. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Cam kết đầu ra 6.0-6.5 IELTS nhưng không dạy

Trao đổi với Zing, Nguyễn Yến cho biết cô đăng ký học tại trung tâm của bà Dung từ tháng 10/2020 với mức học phí 24 triệu đồng cho 240 giờ học. Lúc đăng ký, Yến được bà Dung cam kết dạy toàn bộ kiến thức và cung cấp đủ tài liệu để đạt được mức điểm IELTS 6.5. Nếu chưa đạt được mức này, học sinh có thể học lại miễn phí.

Tuy nhiên, Yến hoàn toàn vỡ mộng vì giáo viên không dạy học như hứa hẹn ban đầu, cơ sở vật chất lớp học lại không đảm bảo.

Buổi đầu, thay vì được kiểm tra đầu vào để xếp lớp, Yến lại bị “nhét” vào chung một lớp với các học sinh ở những trình độ khác nhau. Học sinh IELTS, TOEIC, giao tiếp đều học chung một lớp.

Khi lên lớp, bà Dung không giảng bài cho học sinh mà chỉ ngồi bấm điện thoại, quay TikTok. Nhiều lần, Yến đặt câu hỏi về các vấn đề chưa hiểu, bà Dung không giải thích mà yêu cầu Yến tự tra Google và nói rằng “học sinh thời 4.0 không biết lên mạng tra cứu là dốt, giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn”.

Học được một tháng, Yến phải tạm nghỉ do dịch Covid-19. Nhưng đến khi hết dịch, cô vẫn không được thông báo đi học lại. Đến tháng 9/2022, Yến chủ động liên lạc với bà Dung để xin đi học lại thì bà yêu cầu cô phải đóng 2 triệu đồng tiền phạt mới được đi học tiếp với lý do nghỉ học quá hạn.

Khi đó, Yến đành đóng thêm 2 triệu đồng để được học tiếp song việc học cũng không tiến triển thêm. Đến tháng 12/2022, Yến cùng các học sinh khác trong lớp góp ý với bà Dung về cách dạy, bày tỏ mong muốn bà thay đổi phương pháp dạy nhưng bà Dung không nghe, thậm chí xúc phạm Yến, nói cô lôi kéo các học sinh khác để chống phá, gây ảnh hưởng lớp học.

Mạnh Toàn cũng đóng 10 triệu đồng cho trung tâm của bà An Thị Thùy Dung để đăng ký khóa học giao tiếp. Ban đầu, anh và bà Dung thống nhất sẽ đóng học phí thành 2 đợt nhưng sau đó bà Dung lại nói anh phải đóng đủ tiền mới được đi học. Toàn được bà Dung cho học chung lớp với các học sinh lớp IELTS, TOEIC, không có tài liệu học tập và không được dạy học tử tế.

Khi đang học khóa giao tiếp, Mạnh Toàn được bà Dung chào mời khóa IELTS 24 triệu đồng với lý do "cầm IELTS đi xin việc ở đâu cũng dễ". Tuy nhiên, Toàn từ chối đăng ký vì không đủ tiền.

to cao trung tam anh 4
Mạnh Toàn được bà Dung chào mời khóa IELTS 24 triệu đồng nhưng anh từ chối. Ảnh: NVCC.

Trước Tết Nguyên đán 2023, Toàn được cho nghỉ học để bà Dung học lái xe. Sau Tết, anh không thấy thông báo học lại nên đã nhắn tin vào nhóm để hỏi thông tin nhưng lại bị xóa khỏi nhóm. Sau đó, bà Dung hẹn 15/2 sẽ báo lịch học lại nhưng cuối cùng anh lại bị cô giáo chặn Facebook và Zalo.

Diệu Thảo (22 tuổi) cũng rơi vào tình trạng đóng tiền nhưng không được học. Thảo bắt đầu học ở trung tâm tiếng Anh của bà An Thị Thùy Dung từ tháng 11/2022 với mức học phí 24 triệu đồng. Ngoài ra, Thảo phải đóng thêm 1 triệu đồng tiền cọc để “giữ chỗ” nhưng sau đó không được hoàn cọc.

Khác với Nguyễn Yến, Diệu Thảo không đóng hết học phí trong một lần mà chia làm hai lần đóng và đề nghị được học thử để xem xét tình hình. Buổi đầu, cô được bà Dung dạy học khá kỹ. Đến buổi thứ 2, bà Dung nhắc Thảo đóng nốt phần học phí còn lại và hứa sẽ giảm thêm 3 triệu đồng học phí, nếu không đóng sớm bà sẽ tăng giá học phí.

Bị cô giục, Thảo đành phải đóng nốt số học phí còn lại. Vừa đóng tiền xong, bà Dung thay đổi thái độ, không còn dạy học như trước. Mỗi lần Thảo nói không hiểu bài, bà Dung lại yêu cầu cô tự lên mạng tra cứu.

“Một lần mình nhờ chị gái lên trung tâm để nói chuyện với cô Dung. Cô đuổi chị mình ra ngoài và buông lời xúc phạm chị. Cô còn đổ lỗi cho mình, nói mình lười học trong khi cô lên lớp không hề dạy, chỉ bấm điện thoại và quay TikTok”, Thảo nói với Zing.

Học sinh bị đe dọa, ép đăng bài quảng cáo

Đóng tiền nhưng không được học tử tế, một số học sinh còn trở thành “nhân viên” của bà An Thị Thùy Dung và bị ép đăng bài quảng cáo cho trung tâm trên các hội nhóm học tiếng Anh. Dũy Tài (19 tuổi) là một trường hợp như vậy.

Tháng 9/2022, Tài đăng ký học IELTS ở trung tâm của bà Dung và được cam kết đầu ra 6.5 IELTS trong vòng một năm. Ngoài 24 triệu đồng học phí cho 240 giờ học, Tài còn phải đóng thêm 2 triệu đồng tiền cọc để “giữ suất”.

Dù đã đóng cả chục triệu đồng học phí, Tài không hề được dạy học tử tế, tài liệu cũng phải tự in, không được trung tâm cung cấp như lời hứa ban đầu. Đến nay đã hơn nửa năm, vốn tiếng Anh của Tài vẫn chỉ dừng lại ở mức cơ bản chứ không tiến bộ thêm.

to cao trung tam anh 5
Dũy Tài và Diệu Thảo bị bà Dung ép chạy bài quảng cáo cho trung tâm. Ảnh: NVCC.

Nói về việc bị ép đăng bài quảng cáo, Tài cho biết cậu và một số học sinh (trong đó có Diệu Thảo) được bà Dung thêm vào nhóm chat Facebook tên là “Nhóm marketing ANA”. Trong nhóm này, bà Dung phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng học sinh. Nếu không làm đủ nhiệm vụ, học sinh sẽ bị phạt tiền.

“Mình không đồng ý với công việc và cơ chế thưởng phạt này nên xin rút, sau đó cô Dung xóa mình khỏi nhóm chat”, Tài cho biết.

Hoàng Siêu, học viên của trung tâm, không bị ép chạy bài quảng cáo nhưng lại bị bà An Thị Thùy Dung cùng người nhà đe dọa.

to cao trung tam anh 6
Hoàng Siêu bị bà Dung nhắn tin giục đóng tiền (ảnh bên trái). Bà Dung còn nhắn tin cho một học sinh khác để dọa đánh Hoàng Siêu (ảnh bên phải). Ảnh: NVCC.

Giống như nhiều học viên khác, Siêu đóng 24 triệu đồng học phí với cam kết đầu ra 6.0-6.5 IELTS. Nam sinh còn được bà Dung nhắc đóng học phí trước hạn, nếu đóng muộn, học phí sẽ tăng thêm 2 triệu đồng và phải nộp phạt thêm 500.000 đồng.

Ban đầu, Siêu đóng trước 12 triệu đồng học phí. Sau vài buổi học, nam sinh nhận thấy việc học không hiệu quả nên yêu cầu bà Dung công khai chứng chỉ IELTS và chứng chỉ sư phạm. Kết quả, nam sinh bị bà Dung chặn tin nhắn.

Không thể trao đổi với bà Dung, Siêu tìm đến người nhà của bà Dung với mong muốn nói chuyện rõ ràng nhưng lại bị dọa đánh. Vụ việc khiến Hoàng Siêu bị ảnh hưởng tâm lý và buộc phải nghỉ học tiếng Anh. Công việc của Siêu theo đó cũng bị ảnh hưởng.

Kể từ khi bị bà An Thị Thùy Dung xóa khỏi nhóm học tập hoặc chặn liên lạc, Nguyễn Yến cùng các học sinh cố tìm cách liên lạc và tìm gặp bà Dung nhưng không được. Zing nhiều lần liên hệ với bà An Thị Thùy Dung nhưng bà Dung đã tắt máy suốt nhiều ngày nay.

Một cán bộ của UBND quận Tân Bình thông tin với Zing rằng ủy ban đã nhận đơn tố cáo của các học sinh và hướng dẫn cụ thể để học sinh nộp đơn lên tòa. Ngoài ra, người này cho biết bà An Thị Thùy Dung mở trung tâm tiếng Anh nhưng không lắp đặt biển hiệu, Công an quận Tân Bình từng đến tận nơi để kiểm tra và làm việc với bà Dung về vấn đề này.