TP.HCM thiếu giáo viên trầm trọng, học đơn môn đi dạy đa môn
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 14:55, 27/03/2023
Sáng 27/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với UBND TP.HCM về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Giáo viên đơn môn dạy đa môn
Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ tháng 11/2014 đến 6/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá, hiện nay, đội ngũ giáo viên của thành phố chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn.
Các giáo viên được phân công giảng dạy môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý) và hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm. Những môn mới, giáo viên chưa được đào tạo chính quy.
Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Hơn 1 học kỳ năm học 2021-2022, học sinh học trực tuyến.
Việc này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt ảnh hưởng tới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động học tập theo hướng tích cực, phát huy vai trò của người học, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa.
Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng giáo viên theo hình thức hợp đồng nhưng chỉ áp dụng ở các đơn vị tự chủ một phần, riêng đơn vị hoạt động do ngân sách cấp 100% kinh phí không thể hợp đồng giáo viên, do đó vẫn chưa giải quyết triệt để được vấn đề thiếu giáo viên giảng dạy ở thành phố.
Chương trình 2018 ở tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số quận/huyện, nơi có dân nhập cư đông, tỷ lệ phòng học/lớp chưa đáp ứng được đà tăng dân số.
Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu và việc thiếu phòng học để tổ chức học 2 buổi cho những năm tiếp theo, khi tỷ lệ học sinh học 2 buổi của khối tiểu học tăng sẽ là khó khăn lớn của thành phố.
Hiện thành phố có 11 quận, huyện đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày là: Quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10, Phú Nhuận, Nhà Bè, Cần Giờ. Một số quận như Quận 12, Tân Phú, Bình Tân có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày dưới 50% các quận, huyện còn lại chỉ đảm bảo từ 70% – 90% học sinh học 2 buổi/ngày.
Một số trường có diện tích nhỏ hẹp, có trường thuộc vùng ven hoặc vùng áp lực dân nhập cư (Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Quận 12) sân chơi còn hạn chế, thiếu phòng bộ môn, phòng chức năng (đặc biệt là thiếu phòng tin học), do tất cả phòng đều tập trung cho việc học của học sinh. Thiết bị dạy học chưa được trang bị đầy đủ, cụ thể là máy tính để phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cũng theo Đoàn đánh giá, giai đoạn dạy học trực tuyến do ảnh hưởng dịch bệnh khá dài, một số học sinh không có thiết bị học tập.
Bên cạnh đó, thời gian tương tác giữa giáo viên và học sinh ít, ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 1, giáo viên cần có thêm thời gian để giúp đỡ các em khi đi học trực tiếp trở lại. Ngoài ra, học trực tuyến một thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lý và một số kỹ năng sống của học sinh.
Tuyển không được, ứng viên đăng ký ít hơn chỉ tiêu
Việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, số lượng ứng viên thường thấp hơn chỉ tiêu, đôi khi không có ứng viên đăng ký dự tuyển dẫn đến một số trường ở thành phố thiếu giáo viên dạy nhiều môn, giáo viên bộ môn, nhất là giáo viên tiếng Anh và Tin học - Công nghệ, Nghệ thuật. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng đủ theo quy định đối với loại hình dạy học 2 buổi/ngày.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên, Đoàn đánh giá chưa đồng đều. Cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, thiếu giáo viên các môn chuyên như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn Tiếng Anh và Tin học sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với hai khối 1, 2.
Hiện nay, Bộ Tài chính không có quy định về khoản chi từ ngân sách cho các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục tại TP.HCM gặp khó khăn trong việc dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bồi dưỡng giáo viên dạy các môn Tin học và Công nghệ, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên cho cán bộ quản lý và giáo viên của TP.HCM.
Tài liệu môn giáo dục địa phương của thành phố triển khai chậm chưa đảm bảo đúng thời gian cần thiết để phục vụ cho công tác giảng dạy, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập môn học này, mặc dù nội dung rất hay và phù hợp với thực tiễn sinh động của thành phố
Giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới
Đoàn nhận định, nguyên nhân tồn tại và hạn chế trên do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho cán bộ quản lý, giáo viên bằng hình thức trực tiếp bị gián đoạn.
Điều này ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên; chất lượng tập huấn khi áp dụng hình thức trực tuyến bị hạn chế về tương tác, thực hành trực tiếp nên khả năng tiếp thu, vận dụng nội dung bồi dưỡng vào thực tế giảng dạy chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Học sinh học trực tuyến, trường không tổ chức được các hoạt động giáo dục khác nên việc dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh gặp khó khăn.
Mặt khác, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi, bãi tập; trường còn có cơ sở phụ... nên gặp khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Đội ngũ giáo viên ở một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Số lượng giáo viên được bổ sung hằng năm của nhà trường chưa đủ so với nhu cầu. Một số giáo viên chậm đổi mới, chưa tích cực tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn.
Một số học sinh chưa hình thành được năng lực: tự chủ, tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề…. Các em chưa thực sự tự tin, mạnh dạn trong quá trình học tập do giáo viên chưa quan tâm hướng dẫn phương pháp học tập, chưa tổ chức hình thức học tập phù hợp để giúp học sinh chủ động, tự tin. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con.
Đoàn giám sát còn nhận định, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một số trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình. Thiết bị dạy học cho các lớp mới triển khai hằng năm chưa được cung cấp kịp thời.