Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 10:53, 25/03/2023

Quán chè của bà Thùy nằm giữa chợ phiên Thanh Nhàn, Hà Nội, đây là nơi thu hút rất nhiều người trẻ đến để thưởng thức món chè truyền thống.

Dụng cụ sản xuất nông nghiệp là "đặc sản" của chợ

Đôi tay thoăn thoắt liên tục vừa quạt, vừa đảo chiếc bánh đa trên bếp than củi rực lửa, bà Nguyễn Thị Thùy (65 tuổi, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn) cho hay, bà đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình với chợ phiên Thanh Nhàn (ở thôn Nga, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) và cũng chẳng nhớ nổi chợ có từ bao giờ.

Bà kể, thủa nhỏ lẽo đẽo theo mẹ đến chợ mỗi khi tới phiên. Chợ họp vào các ngày 3, 5, 8, 10 (âm lịch, 1 tháng họp 12 phiên) trên bãi đất trống, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thôn Nga.

Lấy vội vạt áo gạt ngang những giọt mồ hôi đang chảy tràn trên trán, bà bảo chợ ngày xưa các mặt hàng bày bán nghèo nàn, chỉ có vài quán bán hàng xén là những sản phẩm phục vụ nông nghiệp như cuốc, xẻng, liềm, cào chín răng,…

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 1

Chợ phiên Thanh Nhàn một tháng họp 12 phiên, bày bán đầy đủ các mặt hàng từ quần áo đến đồ thủ công đan lát.

Khoảng 10 năm qua, hàng hóa ngày càng phong phú từ những sản vật nơi đồng ruộng như con tôm, mớ tép đến những chiếc bánh đúc, kẹo lạc, kẹo dồi rồi quần, áo, đồ điện.

Bà Thùy cho biết, chợ phiên bây giờ không khác chợ ngày xưa là mấy, vẫn họp theo từng phiên; người đến chợ đông nhất vào sáng sớm, từ 9 - 11h lượng người vắng dần.

Mặc dù đã hơn 50 tuổi, nhưng mỗi lần đi chợ phiên Thanh Nhàn đều khiến bà Dương Thị Hương (xã Minh Trí, Sóc Sơn) cảm thấy háo hức. Trong phiên chợ sáng 3/2 âm lịch (tức 24/3) bà Hương mua được chiếc liềm, cuốc, ngan giống, áo chống nắng để chuẩn bị cho thu hoạch mùa màng sắp tới.

"Chợ phiên ở đây khác mọi nơi lắm, chủ yếu bán đồ quê phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp", vẻ mặt phấn khởi bà nói.

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 2

Bà Thùy tất bật nướng bánh đa, công việc này đã gắn bó với bà hơn 40 năm qua.

Đến với chợ phiên, bà Tạ Thị Diễn (80 tuổi, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) phải nhờ cháu chở tới cổng. Lâu ngày mới được đi chợ nên bà Diễn mua khá nhiều quả bồ kết để về gội đầu và một ít vôi, lá trầu.

"Giờ chỉ ở đây người ta mới bán mấy thứ này, tìm ở nơi khác khó lắm mà không tốt bằng", bà Diễn chia sẻ.

Bà Hương, bà Diễn cùng nhiều người khác thích nét văn hóa giản dị, mộc mạc của chợ quê. Ở chợ quê, mọi người có thể thoải mái mặc cả, xem, thử hàng và "thuận mua, vừa bán", điều này khó có thể tìm thấy ở các trung tâm thương mại hay siêu thị.

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 3

Chợ phiên Thanh Nhàn bán từ cái kim, sợi chỉ đến đồ đan lát thủ công.

Với sự đô thị hóa nhanh chóng, những năm gần đây số lượng người đến với chợ phiên Thanh Nhàn cũng giảm dần, các mặt hàng truyền thống như đan lát thủ công, sản phẩm phục vụ nông nghiệp ít người mua hơn trước.

Là người bán hàng ở chợ phiên Thanh Nhàn 14 năm qua, chị Phạm Thị Hương (quê Thanh Hóa) tâm sự, những năm 2020 trở về trước mỗi phiên chị bán được 50 - 60 chiếc liềm, búa, dao, cuốc,…thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/phiên, giờ thu nhập giảm một chút.

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 4

Bà Dương Thị Hương chọn cho mình những chiếc liềm ưng ý.

Một tháng, anh Phạm Hoàng Long (quê Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) ngồi đủ 12 phiên buôn bán chiếu ở chợ phiên Thanh Nhàn. Các mặt hàng anh Long bày bán đa dạng về kích cỡ, giá trị mỗi sản phẩm dao động từ 60.000 - 300.000 đồng/chiếc.

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 5

Gian hàng của anh Phạm Hoàng Long vắng người tới xem.

Anh nhận định, các mặt hàng đan lát thủ công hiện còn ít người sử dụng do ít nhà làm nông nghiệp và rổ rá mọi người đều dùng đồ nhựa.

Chợ phiên thu hút giới trẻ

Trái ngược với những gian hàng vắng người mua, càng về trưa số lượng người đến với quán chè truyền thống của bà Đỗ Thị Thúy (trú xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn) ngày một đông. Khách hàng của bà chủ yếu là những người ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ăn xong cốc chè, em Nguyễn Kiều Nhung (trú phố Kim Anh, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) mua thêm 2 cốc chè thập cẩm mang về. Nhung thổ lộ, chè truyền thống là ngon nhất bởi mang những hương vị xưa."Em rất thích đi chợ phiên để ngắm các mặt hàng truyền thống và ăn chè", Nhung cười nói.

Cũng giống Kiều Nhung, Vân Anh và Ngọc Linh (học sinh trường THPT Kim Anh, Sóc Sơn) mỗi khi có chợ phiên đều tranh thủ lúc tan học đến chợ vào buổi trưa. Điều khiến các bạn trẻ thích thú đến chợ ngoài việc xem các mặt hàng độc đáo còn để ăn chè.

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 6

Chợ bán đầy đủ các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như cuốc, xẻng, liềm,...

"Em vào chợ chỉ để ăn chè đỗ đen, vì chè ở đây rất ngon", Vân Anh tỏ vẻ thích thú nói.

Bà Thúy cho biết, vị chè, cách nấu được bà sử dụng 25 năm qua. Những ngày hè nóng bức mà phiên chợ vào ngày chủ nhật bà Thúy không kịp trở tay, lúc nào cũng có người đứng đợi.

Ông Phạm Văn Sàng, Trưởng ban Kiểm soát kinh doanh khai thác chợ Thanh Xuân cho biết: Trước đây, chợ phiên Thanh Nhàn nằm ở chính giữa thôn Nga, đến năm 1989 được chuyển về địa điểm hiện tại.

Ban đầu, chợ chỉ là khu lều lán tạm bợ, che bằng phên nứa, lợp gạch ngói đỏ, thậm chí có chỗ còn lợp bằng tàu lá chuối.

Giới trẻ thích thú đến chợ phiên ở Hà Nội vì một món ăn đặc biệt - 7

Kiều Nhung và nhiều bạn trẻ thích thú đến chợ ngoài các mặt hàng độc đáo còn để ăn chè.

Sau khi thành lập, Hợp tác xã Thanh Xuân đã kêu gọi các nguồn xã hội hóa để tu sửa, xây dựng lại khu chợ khang trang như ngày nay với 8 dãy, hơn 100 gian hàng.

Theo ông Sàng, sau khi dịch Covid-19 lượng khách đến chợ suy giảm mạnh, nhiều tiểu thương bỏ chợ.

"Cách đây mấy năm, những ngày họp chợ luôn đông người, các tiểu thương ngồi kín gian hàng nhưng nay chỉ còn 60 - 70%. Ngày đông có khoảng 500 - 600 người, còn phiên vắng chỉ 300 - 400 người." ông Sàng nói và chia sẻ, chợ phiên Thanh Nhàn bán từ cái kim, sợi chỉ cho đến quần áo.

Trong đó, có nhiều mặt hàng còn mang những nét truyền thống xưa như liềm, cuốc, cào, thúng, mẹt đến những con tôm, tép,…

Mặc dù chợ chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30 cây số nhưng chợ phiên Thanh Nhàn vẫn giữ được những nét mộc mạc, hồn quê xưa và lưu giữ nét văn hóa chợ quê xưa.

Nguyễn Hải