Nhà đầu tư nói sẵn sàng thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam
Dòng chảy - Ngày đăng : 21:10, 24/03/2023
Sẵn sàng thoái vốn trước thời hạn
Sáng 24/3, lùm xùm cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được nhắc đến trong cuộc họp thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Phan Linh Chi khẳng định sự bất hợp tác của cổ đông chiến lược - Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) là nguyên nhân gây nên vướng mắc dai dẳng trong quá trình cổ phần hóa từ năm 2018 đến nay.
"Tới thời điểm này, những bất cập ở Hãng phim truyện Việt Nam chưa có giải pháp chuyển biến tích cực như mong muốn. Tổng công ty vận tải thủy chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hóa và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước", bà Phan Linh Chi nói.
Vướng mắc ở Hãng phim truyện Việt Nam được đề cập trong họp báo thường kỳ quý I 2023 của Bộ VHTTDL. Ảnh: LẠI TẤN. |
Trả lời Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó TGĐ Vivaso nhấn mạnh Vivaso đã có văn bản gửi Bộ VHTTDL xin được thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam trước thời hạn.
"Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi được cho phép thoái vốn trước hạn. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ không có câu nào là thu hồi cổ phần của nhà đầu tư chiến lược. Khái niệm thoái vốn trong doanh nghiệp và thu hồi cổ phần là hoàn toàn khác nhau về bản chất", ông Nguyễn Danh Thắng lý giải nguyên nhân chưa hoàn tất thu hồi cổ phần.
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Ảnh: NVCC. |
Nhà đầu tư của Hãng phim truyện Việt Nam xác nhận thông tin Bộ VHTTDL yêu cầu Vivaso tính toán chi phí để hoàn trả tiền. Song phía nhà đầu tư không rõ yêu cầu này được thực hiện trên cơ sở thu hồi cổ phần hay thoái vốn trước hạn.
"Ngay cả trường hợp thoái vốn trước thời hạn cũng gây rất nhiều khó khăn dù nhà đầu tư luôn sẵn sàng. Sau khi đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy rằng không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý như yêu cầu của Bộ VHTTDL. Thực tế, tại Việt Nam cũng chưa từng có tiền lệ để chúng tôi tham khảo", ông Nguyễn Danh Thắng trả lời Tiền Phong.
Ông Nguyễn Danh Thắng khẳng định Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã trả lời Bộ VHTTDL về việc chưa đủ cơ sở pháp lý để thu hồi cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho Vivaso.
"Công ty thua lỗ, sản phẩm làm xong cất vào kho"
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam cho biết cơ sở vật chất của hãng phim đã xuống cấp từ trước khi Vivaso trở thành cổ đông chiến lược.
"NSND Trà Giang phát biểu rằng xót xa khi thấy hãng phim hoang tàn. Đây không phải lỗi do chúng tôi. Mong muốn duy nhất của chúng tôi khi đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam là vực dậy doanh nghiệp đã thua lỗ nhiều năm, được làm phim theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp phát triển từ đó đem lại lợi nhuận cho công ty và đem lại cổ tức cho các nhà đầu tư", ông Nguyễn Danh Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Danh Thắng cho rằng hãng phim đã xập xệ từ lâu, trước khi Vivaso trở thành cổ đông chiến lược. |
Nói thêm về thực trạng ở hãng phim, ông Nguyễn Danh Thắng cho biết cách thức vận hành theo cơ chế công ty nhà nước với bộ máy cồng kềnh là hạn chế.
"Nếu một năm Nhà nước đặt sản xuất một bộ phim mà công ty có đến 10 đạo diễn và 12 quay phim, tức là 2 người có việc làm còn 8 người ở nhà hưởng lương. Năm nay người này làm đạo diễn, phim sau mới đến lượt người khác, như vậy làm sao phát huy được khả năng của những người có tài", ông Nguyễn Danh Thắng nói.
Từ khi chuyển sang hoạt động dưới dạng doanh nghiệp nhà nước, công ty thua lỗ triền miên, sản phẩm làm ra chủ yếu cất vào kho" - ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam.
Phim Sống cùng lịch sử ra rạp năm 2014, là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam. |
Ông nêu ví dụ về phim Sống cùng lịch sử của NSND Thanh Vân, chi phí sản xuất lên tới hơn 20 tỷ đồng nhưng ra rạp khó bán vé. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam cho rằng nên nhìn thẳng vào sự thật ở hãng phim.
Thực tế, sau quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam gần như tê liệt, chưa có bộ phim mới nào ra đời sau khi cổ phần hóa. Cuộc đời của Yến là phim cuối cùng do Hãng sản xuất năm 2015. Hãng phim xuống cấp từ trước đó, tuy nhiên vài năm gần đây hoạt động ngưng trệ, cơ sở vật chất càng xuống cấp nghiêm trọng hơn. Đó là lý do khiến nghệ sĩ gạo cội gắn bó với Hãng cảm thấy xót xa.