Điểm tin kinh doanh 24/3: Cổ phiếu của Novaland tăng giá dữ dội
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 25/03/2023
- Giá vàng hôm 24/3: Giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm 24/3 tiếp đà tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 25,1 USD lên mức 1968,8 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.996 USD/ ounce, tăng 46,4 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng thế giới tiếp tục được hưởng lợi sau các động thái được cho là ôn hòa hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, trong cuộc họp chính sách diễn ra vào giữa tuần, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và để ngỏ rằng việc tăng lãi suất liên tục là không cần thiết nữa.
Trong cuộc họp báo diễn ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban Thị trưởng mở (FOMC), Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, với cuộc khủng hoảng ngân hàng đang tấn công thị trường, Fed có ít việc phải làm hơn. Điều này đã đẩy giá kim loại quý này lên cao.
Sự thay đổi lớn nhất trong ngôn ngữ của Fed sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon là sự thay đổi từ kỳ vọng "tăng lãi suất liên tục" sang "chính sách bổ sung". Kể từ cuộc họp của FOMC tháng 2, các chỉ số kinh tế đã mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên, những sự kiện trong hệ thống ngân hàng có khả năng dẫn đến các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn và hoạt động như một cơ chế thắt chặt bổ sung, ông Powell giải thích.
Tại thị trường trong nước, trước giờ mở cửa phiên giao dịch sáng 24/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,60 - 67,50 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,60 - 67,35 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.
Công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,65 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng chiều bán ra, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 66,67 - 67,33 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
- Xuất khẩu tôm đồng loạt giảm tại 5 thị trường lớn nhất
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang 5 thị trường lớn nhất 2 tháng đầu năm 2023 là Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc & Hong Kong đều ghi nhận tăng trưởng âm 2 con số.
Số liệu từ VASEP, tháng 2/2023 tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 194 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 335 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu thị trường chững lại, tồn kho tại Mỹ còn lớn, tiêu dùng tại EU thắt chặt do khó khăn kinh tế. Mặt khác, cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận đà tăng đột biến với +48%, đạt 558 triệu USD.
5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 lần lượt là Nhật Bản với 58 triệu USD, Mỹ với 57 triệu USD, EU đạt 51 triệu USD, Hàn Quốc đạt 46 triệu USD và Trung Quốc & Hong Kong đạt 33 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tôm từ 5 thị trường trên đạt 245 triệu USD, chiếm 73% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Về tăng trưởng, xuất khẩu tôm sang cả 5 thị trường đều ghi nhận đà giảm với mức giảm cao nhất tại thị trường Mỹ với -51%, đứng thứ 2 là EU với -46%...
- Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo "bơm vốn" cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa, gạo
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo...
Theo đó, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch Đông – Xuân trong những tháng đầu năm 2023.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số nội dung sau.
Thứ nhất, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023; không để xảy ra tình trạng khách hàng phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng dẫn tới ách tắc trong khâu thu mua thóc, gạo trên địa bàn.
Thứ hai, bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay ngành gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy định của ngân hàng thương mại về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo.
- Lào tạm ngừng nhập khẩu không ảnh hưởng đến tiêu thụ thịt lợn trong nước
Do Việt Nam chưa xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Lào nên việc Lào dừng nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam không có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ thịt lợn trong nước.
Liên quan đến thông tin Bộ Nông Lâm nghiệp Lào ra thông báo tạm ngừng việc nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam và các nước đang có dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay Việt Nam và Lào chưa có thỏa thuận xuất khẩu chính ngạch thịt lợn từ Việt Nam sang Lào hoặc từ Lào sang Việt Nam. Việc xuất khẩu thịt lợn (nếu có) giữa hai nước được thực hiện thông qua buôn bán tiểu ngạch hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới.
Theo Cục Thú y, do Việt Nam chưa xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Lào nên việc Lào dừng nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam không có ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ thịt lợn trong nước. Ngoại trừ việc có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của cư dân biên giới.
- Cổ phiếu của Novaland tăng giá dữ dội
Trong phiên giao dịch cổ phiếu ngày 24/3, chỉ số VN- Index và HNX- Index thoát khỏi sắc đỏ nhờ lực đỡ từ một số phiếu lớn, trong đó có nhóm cổ phiếu bất động sản.
Phiên giao dịch cổ phiếu hôm 24/3, giá cổ phiếu nhóm bất động sản có mức tăng khá mạnh 1,26%
Cụ thể, thị trường ghi nhận giá cổ phiếu nhóm bất động sản có mức tăng khá. Trong đó có nhiều mã trong rổ VN30 như NVL, VIC, VRE, VHM, PDR, KDH... đã giúp các chỉ số giữ được sắc xanh đến hết phiên.
Kết phiên, chỉ số VN- Index tăng 1,6 điểm lên 1.046 điểm. Toàn sàn HoSE có 265 mã tăng và 122 mã giảm; khối lượng giao dịch đạt 579 triệu cổ phiếu, giá trị 9.442 tỉ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX- Index cũng tăng 2,5 điểm lên 205 điểm. Trong khi đó, sàn UpCom gần như bất động tại lên 76 điểm.
Ấn tượng nhất nhất trong phiên này là cổ phiếu NVL của Novaland có phiên chiều bùng nổ. Cuối giờ sáng, mã này khá hiền, mới tăng 0,45% so với tham chiếu và giao dịch chừng 24,8 tỉ đồng. Đến phiên chiều, dòng tiền sầm sập đổ vào kéo giá NVL lên vùn vụt. Đến khoảng 13 giờ 50, giá đã tăng kịch trần lên 11.900 đồng/cổ phiếu.