TP.HCM: sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sút, đẩy mạnh chương trình bình ổn thị trường
Kinh doanh - Ngày đăng : 16:20, 24/03/2023
Nguyên nhân khiến sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sút
Trước thông tin sức mua tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm sâu trong những tuần qua, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Công Thương Lê Đình Hiếu đã đưa ra một số lý do.
Theo đó, việc giao thương giữa các nước hiện gặp nhiều khó khăn do tình hình chiến sự, khủng khoảng tài chính. Điều này làm cho đơn hàng của các doanh nghiệp có phần suy giảm.
Riêng tại Việt Nam, những vi phạm về trái phiếu đã dẫn đến sự thay đổi trong các chính sách điều hành tài chính, khiến lãi suất vay ngân hàng tăng khá cao, đặc biệt là ở các khoản vay tiêu dùng, tín chấp. Với những yếu tố trên, người dân trong nước có xu hướng cắt giảm chi tiêu, ưu tiên cho những sản phẩm tiêu dùng cơ bản, thiết yếu.
Theo đại diện Sở Công Thương, do người dân đã dồn sức cho kì mua sắm dịp Tết Nguyên Đán nên khoảng thời gian này là thấp điểm tiêu dùng của cả nước và TP.HCM. Ngoài ra, sự gia tăng của xu hướng mua hàng trực tuyến cũng là nguyên nhân khiến người dân mua sắm tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại giảm.
TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2023
TP.HCM vừa triển khai chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP. HCM nhằm chủ động, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiêt yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Chương trình gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, gắn kết và khai thác tối đa tiềm năng các nguồn lực xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quôc tế của Thành phố.
Tham gia chương trình có 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm: lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột...); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa.
Các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31%, các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, còn có 05 nhóm hàng phục vụ học tập năm 2023 - 2024 gồm: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2023 – 2024.
Thời gian thực hiện chương trình là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 01/4/2023 đến hết ngày 31/3/2024.
TP.HCM: Tình hình kinh doanh xăng dầu khá ổn định, không có tình trạng găm hàng hay bán không đúng giá niêm yết
Cục Quản lý thị trường TP.HCM có báo cáo cho biết, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn khá ổn định, không có tình trạng găm hàng hay bán không đúng giá niêm yết.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nên vẫn đảm bảo nguồn cung ổn định; thị trường hoạt động bình thường, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.
Trên địa bàn thành phố có 6 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động, đó là Trạm xăng dầu Đông Sài Gòn (36 - 38 Nguyễn Văn Tăng, phường Long Thạnh Mỹ, Thành phố Thủ Đức), đang tạm ngưng hoạt động do khó khăn về vấn đề tài chính để nhập xăng dầu; Cửa hàng xăng dầu Quốc Hùng (1015 Tỉnh lộ 15, ấp Chợ Cũ 2, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) tạm ngưng hoạt động từ ngày 20/3/2023 để thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng với đơn vị cung cấp và ký hợp đồng với đơn vị cung cấp khác. Hiện Đội Quản lý thị trường số 9 và Đội Quản lý thị trường số 19 đã lập biên bản làm việc và tiến hành đo bồn, các bồn đều đã cạn không thể bơm lên và tiếp tục giám sát hoạt động của cửa hàng.
Bên cạnh đó, 4 cửa hàng đang làm thủ tục giải thể, gồm: Cửa hàng xăng dầu chi nhánh Gò Vấp (439 Phan Văn Trị, Phường 5, quận Gò Vấp); Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hoàng Phong (611 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, Quận 7); Cửa hàng xăng dầu Trường Thiếu Sinh Quân (825 Tỉnh lộ 15, ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) và Trạm xăng dầu 178 (178A Lê Quang Định, Phường 14, quận Bình Thạnh).
Để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, Cục Quản lý thị trường TP.HCM chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương TP.HCM nắm tình hình cung ứng xăng dầu, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo các đội quản lý thị trường tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các đội quản lý thị trường đảm bảo quân số tại đơn vị, phân công tổ công tác trực ngoài giờ và ngày nghỉ, để đảm bảo công tác giám sát, kiểm tra đột xuất; Giám sát và dán lại thông tin đường dây nóng của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố, của Cục Quản lý thị trường Thành phố và của các Đội Quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng.