Ma túy được chuyển bằng máy bay vào Việt Nam thế nào 10 năm qua?
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:14, 24/03/2023
Cách đây 10 năm (một ngày cuối tháng 11/2013), Cảnh sát Đài Loan phát hiện 600 bánh heroin gửi từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay quốc tế Đào Viên. Số lượng ma túy "khủng" nói trên được tội phạm giấu trong 12 loa thùng hiệu Dalton và đóng vào một container.
Các chiêu trò bị lật tẩy
Qua điều tra, nhà chức trách biết được, tội phạm rất chuyên nghiệp, tính toán kỹ. Loa chúng sử dụng để vận chuyển heroin có trọng lượng hơn chục cân mỗi cái. Nếu không phù hợp kích cỡ thì chúng mua loại khác.
Lô hàng được một công ty gửi đi khai báo là có tính chất nguy hiểm (than, pin, chất phóng xạ, chất ăn mòn, chất truyền nhiễm, súng đạn…). Tuy nhiên, trong ngày làm thủ tục nhận gửi và xuất lô hàng trên sang Đài Loan, chiếc máy soi chuyên dụng trị giá gần 1,2 triệu USD ở sân bay bỗng dưng bị hỏng, không hoạt động.
Việc kiểm tra được chuyển sang một máy soi khác và kết quả là máy soi này không phát hiện được chất ma túy. Thế nên lô hàng cồng kềnh, bên trong chứa gần 230 kg heroin, đã được chuyển lên chuyến bay số hiệu C15886 của hãng China Airlines, bay sang Đài Loan trót lọt.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 9/2016, một phụ nữ có tên S.A., quốc tịch Thái Lan đã vận chuyển 1,73kg cocain (trị giá khoảng 11 tỷ đồng) được cất giấu tinh vi trong hộp nhang rồi để trong một vali ký gửi.
Ở giai đoạn những năm 2013-2016, theo đánh giá của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an, các đối tượng người nước ngoài (gốc Phi, Việt kiều ở các nước như Australia, Canada, Mỹ, Trung Quốc…) và người Việt Nam đã nghiên cứu nên lợi dụng được những kẽ hở trong kiểm soát hàng không để vận chuyển ma túy trên các chuyến bay quốc tế và cả trong nội địa.
Tình trạng các ông trùm gốc Phi thuê phụ nữ Việt Nam vận chuyển ma túy qua đường hàng không theo hành trình châu Phi - Việt Nam - Trung Quốc cũng phổ biến. Chiêu thức thường được dùng là cán mỏng ma túy, cho vào tranh, bìa sách, cúc áo… Hay có những nhóm tội phạm giấu ma túy dưới đế dép da như Đoàn Nguyễn Minh Châu (SN 1979, ở TPHCM).
Cất ma túy trong vali hai đáy cũng là một thủ đoạn ưa chuộng ở giai đoạn này. Vụ 3 nghi can quốc tịch Philippines vận chuyển 13kg ma túy "đá" theo hành trình từ Doha (châu Phi) - Băng Cốc (Thái Lan) - Hà Nội (Việt Nam) là một ví dụ. Chúng đã ép mỏng ma túy "đá", đóng vào các túi nylon màu vàng, nhét sau lớp "xương" đáy vali, sau đó dùng băng dính cố định và may vải che kín lại. Nếu sử dụng thủ đoạn này, máy soi của các sân bay rất khó có thể phát hiện được.
Tinh vi hơn, kẻ phạm tội còn trộn lẫn ma túy trong các hộp dầu gội đầu, trong thực phẩm như hộp sữa của trẻ em để qua mắt các cơ quan chức năng. Ngày 10/8/2016, Đồn sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện Đinh Dác Khanh, quốc tịch Hong Kong (Trung Quốc) vận chuyển gần 2kg ma túy tổng hợp, hơn 4,5kg cocain được ngụy trang trong 12 hộp bột Knorr Chicken Powde để trong vali ký gửi.
Một số Việt kiều đến từ các nước như Australia, Canada, Mỹ còn nuốt ma túy vào bụng để vận chuyển qua đường hàng không từ Việt Nam đi các nước, song bị ngộ độc rồi bị phát giác.
Tháng 4/2021, Hải quan Hà Nội phát hiện một lô hàng, gồm 36 kiện trọng lượng hơn 400kg, trong đó có 13 kiện hàng chứa ma túy được gửi từ Amsterdam - Hà Lan qua đường hàng không về Nội Bài. Trên bưu kiện có ghi địa chỉ của người nhận ở Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, TPHCM.
Ngày 6/1/2023, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy và Cục Hải quan TP Hà Nội đã tìm thấy 3 vận đơn, gồm 8 kiện, thùng carton có tổng trọng lượng hơn 205kg, được gửi từ Cộng hòa liên bang Đức. Trong các kiện, thùng này cất giấu 98 kg ma túy tổng hợp, trong đó có 2.000 gói "nước vui".
Gần đây nhất vụ việc 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam, trên chuyến bay mang số hiệu VN10 bị phát hiện vào sáng 16/3 bởi Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu (Chi Cục Hải quan Tân Sơn Nhất thuộc Cục Hải quan TPHCM) khi soi chiếu hành lý của phi hành đoàn chuyến bay mang số hiệu VN 10 từ sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp) về sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Theo đó, khi soi chiếu, Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu đã phát hiện ma túy được cất giấu, ngụy trang trong các túyp kem đánh răng. Bốn tiếp viên hàng không cho rằng tại Pháp có một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài túyp kem và không thấy có gì bất thường. Khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.
10 năm đấu tranh
Ở thời điểm năm 2016, Lãnh đạo cơ quan phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Công an xác định để cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến hàng không đạt hiệu quả, cần phải chú trọng nâng cao các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Hải quan, An ninh hàng không, cơ quan xuất nhập cảnh. Đồng thời, cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại đối tượng có nguy cơ cao mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua đường hàng không.
Một vấn đề rất quan trọng và hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy qua đường hàng không được nhà chức trách nhận định, đó là hợp tác quốc tế trong phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm ma túy; trong đó chú trọng vào các nước có các chuyến bay đến Việt Nam hay bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Cơ quan điều tra khi đó kiến nghị, tại các sân bay, cần trang bị và đưa vào sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm kiểm tra, phát hiện ma túy như máy soi phát hiện ma túy trong hành lý, máy chụp X - quang phát hiện ma túy cất giấu trong cơ thể, máy ngửi ion ma túy…
Cơ quan điều tra cũng đề nghị cho sử dụng máy chụp cơ thể đặt tại các sân bay, mà trước hết đặt tại các sân bay lớn có nhiều tuyến bay quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài…
Đến năm 2021-2022, Bộ Công an cho hay những năm qua, trong xu thế mở cửa hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với việc đầu tư mở rộng các cảng hàng không ở Việt Nam, yêu cầu đòi hỏi đơn giản hóa các thủ tục hải quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa càng làm cho tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ với nhiều thủ đoạn, tinh vi nhất là tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, việc đi lại giữa các quốc gia có phần hạn chế. Tuy nhiên số vụ vận chuyển trái phép ma túy từ Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan... về Việt Nam qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện vẫn diễn biến phức tạp.
Lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, thu giữ khối lượng lớn các loại ma túy. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu cất giấu ma túy trong quà biếu tặng, thuốc tân dược, sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo... đóng gói giống như nhà sản xuất, sau đó mạo danh các công ty xuất, nhập khẩu ủy thác lòng vòng cho nhiều công ty khác nhau nhằm che giấu danh tính và nguồn gốc hàng hóa có cất giấu ma túy.
Vận chuyển ma túy trái phép có thể bị phạt tử hình
Theo điểm 3.2 khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Trong đó, hình thức vận chuyển trái phép chất ma túy bao gồm: Vận chuyển trái phép chất ma túy bằng các phương tiện khác nhau như ô tô, tàu bay, tàu thủy…; trên các tuyến đường khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, đường bưu điện… Vận chuyển trái phép chất ma túy để trong người như cho vào túi áo, túi quần, nuốt vào trong bụng, để trong hành lý như vali, túi xách... mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác.
Đối với người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác, mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định, người đủ 16 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi vi phạm pháp luật về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy
Người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Cụ thể, mức hình phạt thấp nhất của tội danh này là 2 năm tù theo nội dung tại khoản 1 điều này. Còn tử hình là mức hình phạt cao nhất của tội danh nếu người phạm tội thỏa mãn các điều kiện theo khoản 4.
Cụ thể, khoản 4 nêu rõ các trường hợp: Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 5kg trở lên; heroine, cocaine, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100gram trở lên; Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75kg trở lên; Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600kg trở lên;….