Vụ nữ sinh bị cắt tóc, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ: Nếu không đủ lòng yêu thương một đứa trẻ, xin đừng làm giáo viên

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 19:59, 23/03/2023

Kỷ luật bằng yêu thương là phải có lòng yêu thương thực sự với đứa trẻ chứ không phải bằng sự tức giận của chúng ta.

Chiều tối ngày 22/3, dư luận xôn xao trước vụ việc một cô giáo tại Trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có hành vi dùng kéo cắt tóc nữ sinh trong lớp học. Theo những hình ảnh được chia sẻ, một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Đội Cấn đứng khoanh tay gần bục giảng. Sau đó, giáo viên dùng kéo cắt một nắm tóc của nữ sinh này và nói "tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước".

Bị cô giáo cắt tóc, nữ sinh này hoảng hốt quay lại nói "tóc em có vàng đâu" thì cô giáo đáp "đứng yên đấy, vàng hay không đó là việc tôi quy định rồi. Em đừng có lý do lý trấu. Lần sau tôi cắt thật nhiều chứ không phải thế này đâu". 

cat-toc-hoc-sinh.jpeg


Nữ sinh đứng khoanh tay khi cô giáo cắt tóc.

Được biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các bộ phận liên quan làm rõ vụ việc với lãnh đạo Trường THPT Đội Cấn, đồng thời yêu cầu nhà trường làm việc với phụ huynh, học sinh liên quan và cô giáo có hành vi cắt tóc của nữ sinh và có báo cáo cụ thể.

Hiện tại, vụ việc đang gây ra rất nhiều luồng tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh có thể ngang bướng nhưng cách xử lý của cô giáo là chưa được, thiếu sự bình tĩnh và đang làm tổn thương lòng tự trọng của học sinh.

Nói về vụ việc, nhà văn Hoàng Anh Tú mới đây đã có những chia sẻ trên trang cá nhân, nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Được sự cho phép của anh, chúng tôi xin chia sẻ lại như sau:

Đừng kỷ luật bằng lòng tức giận

Cô giáo ở Vĩnh Tường đã làm vậy, cắt tóc của học sinh và giơ nó ra như một chiến lợi phẩm răn đe. Có thể cô giáo quá tức giận với việc nữ sinh này không tuân thủ nội quy của nhà trường, nhuộm tóc highlight, đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Cô giáo coi đó là một sự thách thức và đã hành xử bằng quyền lực mà nhà trường và gia đình giao phó: Coi học sinh như con em của mình và được quyền dạy dỗ chúng nên người. Là cô giáo nghĩ vậy.

Kỷ luật một đứa trẻ là thứ phải có trong việc giáo dục trẻ. Đặc biệt là với những đứa trẻ vô kỷ luật. Chúng ta, những người ngoài cuộc có thể nói về kỷ luật tích cực, khuyên răn, nhẹ nhàng bảo ban,... Là bởi chúng ta không trực tiếp đối diện với những đứa trẻ vô kỷ luật, thậm chí còn thách thức, chống đối và tấn công thầy cô. Nên kỷ luật một đứa trẻ là việc cần phải làm khi đứa trẻ đó vượt qua mọi giới hạn để có thể khuyên nhủ. Giống như pháp luật cũng có những hình phạt cụ thể dành cho những kẻ không thể cải tạo hoặc những người biết sai nhưng vẫn cố tình làm sai. Mọi đứa trẻ đều phải trở thành người lớn và sẽ phải tuân thủ pháp luật. Nên ngay từ nhỏ, kỷ luật cũng là một môn học mà mọi đứa trẻ phải học.

Nhưng kỷ luật một đứa trẻ không thể bằng sự tức giận của người lớn. Càng không thể đứng trên mọi luật định. Điều 28, Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục, quy định mức xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kỷ luật người học không đúng quy định… Người vi phạm phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể.

Cô giáo ở Vĩnh Tường phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về những tổn thương của nữ sinh bị cắt tóc và cả bạn bè trong lớp - chứng kiến hành động của cô giáo? Cách kỷ luật bằng lòng tức giận của cô giáo liệu có hiệu quả với những đứa trẻ hay nó chỉ gieo lòng thù hận, căm ghét và những tổn thương có thể là vĩnh viễn trong nhiều đứa trẻ?

Kỷ luật bằng yêu thương không phải là đánh con rồi nói mẹ yêu con. Cũng không phải là những lời khuyên nhủ sáo rỗng, dạy bảo giáo điều. Kỷ luật bằng yêu thương là phải có lòng yêu thương thực sự với đứa trẻ chứ không phải bằng sự tức giận của chúng ta. Không phải tức nổ đom đóm mắt mà cho nó một trận biết tay.

Lại càng không phải như cô giáo kia mà ngạo nghễ nói rằng: "Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước", "Tôi cắt cho thật xấu chứ không cắt mỗi phần tóc vàng đâu. Chỉ cắt tóc vàng thì tôi đi dẹp hậu quả cho em à". Đó không phải là một câu nói phát xuất từ lòng yêu thương, nó là câu nói của một quyền lực lạnh lẽo.

Chúng ta chỉ có thể nhận được sự tôn trọng khi chúng ta cũng phải trao đi sự tôn trọng. Kỷ luật một đứa trẻ không thể bằng quyền lực của thầy cô, cha mẹ, người lớn. Mà phải bằng một trái tim đủ lớn. Bởi thứ cuối cùng chúng ta muốn nhận về sẽ là một đứa trẻ tốt đẹp hơn chứ không phải lòng hả hê của quyền lực được thực thi như thế. Nếu bạn không đủ lòng yêu thương một đứa trẻ, xin lỗi, đừng làm giáo viên hay cũng đừng làm cha mẹ. Yêu thương nào như thế?

Theo Tổ Quốc