Cô giáo cắt tóc nữ sinh: Giáo viên không mạnh tay, học sinh không thể ngoan

Nhịp sống - Ngày đăng : 16:10, 23/03/2023

Nhiều độc giả ủng hộ hành động cắt tóc nữ sinh của cô giáo trường THPT Đội Cấn (Vĩnh Phúc), họ cho rằng thầy cô không mạnh tay, trò sẽ không ngoan.

Vụ việc giáo viên cắt tóc nữ sinh tại lớp trước sự chứng kiến của nhiều học sinh diễn ra cách đây vài ngày tại lớp 10A10, trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) gây xôn xao dư luận. Cô giáo này cắt tóc nữ sinh nhằm cảnh cáo về việc em này nhuộm tóc, dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng không sửa đổi.

Nhiều người không đồng tình, cho rằng đó là hành động phản giáo dục, xâm phạm thân thể học trò. Nhưng cũng nhiều độc giả lại đồng tình với hành động của nữ giáo viên.

Tài khoản Đoàn Thanh Hoàng cho rằng, không mạnh tay như vậy sao có trò ngoan. Không nghiêm khắc ra đường sẽ gặp học sinh với kiểu hành xử còn hơn giang hồ như đánh hội đồng bạn, quay clip đăng lên mạng xã hội... "Nhớ thời tôi học cấp 1, 2, làm mực dính vào tay là đã bị thầy cô đánh xưng tay, về cha mẹ biết còn đòn roi thêm. Cũng nhờ sự giáo dục nghiêm khác vậy mà giờ các bạn học của tôi đều thành danh, thành nhân", Hoàng chia sẻ.

Cô giáo cắt tóc nữ sinh: Giáo viên không mạnh tay, học sinh không thể ngoan - 1

Cô giáo cắt tóc nữ sinh ngay tại lớp ở Vĩnh Phúc. (Ảnh cắt từ clip)

Bạn Đức Bình bình luận: "Thiết nghĩ, sau hành động cắt tóc của cô giáo, về nhà bố mẹ cũng cần có thái độ nghiêm khắc với con gái". Học sinh không chăm chú vào việc học mà cố tình làm trái quy định của nhà trường, bị xử lý là đúng. Cô giáo phạt công khai trước lớp, không phải che giấu hay lén lút và cũng từng nhắc nhở nhiều lần trước đó.

Tài khoản này chia sẻ, con gái anh đang học lớp 10, nhưng không bao giờ gia đình đồng ý cho nhuộm tóc, sơn móng tay hay đánh son khi đi học. Đang ngồi trên ghế nhà trường thì cá con chưa cần thiết phải làm những chuyện đó.Anh ủng hộ hành động của cô giáo này, tài khoản này nhấn mạnh.

Chia sẻ chính câu chuyện của bản thân, tài khoản Quyền Hoàng cho biết: "Nếu con gái tôi mà nhuộm tóc thì chắc chắn sẽ bị cạo trọc đầu và đưa đến xin lỗi cô giáo vì chống đối quy định của nhà trường. Trên ghế nhà trường nó còn chống đối được thì sau này ra bên ngoài sống nổi với xã hội không?"

Bạn Hoàng Nguyễn cho rằng, nhuộm tóc là điều cấm kỵ từ trước tới giờ của học sinh. Cô giáo làm như thế không sai. Nếu thầy cô không mạnh tay, các em hư, khi ấy phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên không dạy dỗ tử tế để con thành "đầu trộm đuôi cướp". Thầy cô dạy học trò thành người chứ không dạy thành ngợm. Mỗi người có cách giáo dục riêng, nên tôn trọng nhà trường và cô giáo.

Tài khoản Chi Chi cũng ủng hộ hành động của cô giáo này, dồng thời lên án phụ huynh, học sinh dù biết rõ nội quy nhà trường không được nhuộm tóc, nhưng vẫn làm và không chịu nhuộm lại khi được nhắc nhở. Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, cô giáo còn thương là còn dạy dỗ, nếu thẳng tay làm theo quy định thì sẽ đình chỉ, ghi vào học bạ, khi ấy mọi việc đã đi quá xa, hậu quả khôn lường hơn.

Lê Hùng bình luận rằng, nhà trường là nơi có kỷ luật, học sinh đã khoác trên mình áo trắng học trò thì bắt buộc phải giữ kỹ luật chung. Các em có nhu cầu làm đẹp nhưng cần phù hợp với quy định, với thầy cô, bạn bè, không phải tự do quá chớn, đua đòi theo trào lưu.

"Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, các em nên tập trung học tập, làm đúng bổn phận, nghĩa vụ của người học sinh. Tôi ủng hộ cách làm của cô giáo", bạn này chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận, có thể cô giáo muốn tốt cho học sinh nhưng hành động này vô tình vi phạm về quyền tự do học sinh.

Thấy học sinh có kiểu tóc không phù hợp, giáo viên cần lấy mục tiêu giáo dục làm đầu, đó là khuyên bảo học sinh, phối hợp, giải thích với phụ huynh và có thể ý kiến rằng học sinh cần có kiểu tóc phù hợp khi đi học…  Giáo viên phải nắm được các phương pháp giáo dục, tâm lý học sinh, đặc biệt không được giáo dục kiểu áp đặt, quyền uy. Làm sao cho học sinh tự nhận thức, tự rèn luyện và hoàn thiện mình. Ngay cả gia đình cũng không nên áp đặt đối với các em, hãy tôn trọng các em để giúp đỡ, giáo dục các em dần dần.

Minh Khôi