Điểm tin công nghệ 24/3: Giá iPhone 14 Series liên tục phá đáy tại thị trường Việt
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 24/03/2023
- Giá iPhone 14 Series liên tục phá đáy tại thị trường Việt
Theo khảo sát, thời điểm cuối tháng 3/2023, giá đập hộp dòng iPhone 14 Series tiếp tục ghi nhận giảm sâu tại các đại lý. Đáng chú ý, có mẫu còn được giảm tới gần chục triệu đồng giúp người tiêu dùng dễ dàng có cơ hội sở hữu smartphone cao cấp với giá hời.
Cụ thể, iPhone 14 Pro Max - mẫu điện thoại bán chạy nhất thị trường Việt trong quý IV/2022 bản 128 GB hiện có giá bán khởi điểm từ 27,5 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng so với tháng trước và thấp hơn 7,5 triệu đồng so với giá niêm yết. Tương tự, phiên bản 1 TB có giá khoảng 41 triệu đồng, giảm 9 triệu đồng so với giá niêm yết.
iPhone 14 Pro phiên bản 128 GB đang được các đại lý chào bán với mức giá từ 25 triệu đồng, giảm 500.000 đồng so với tháng trước và thấp hơn 6 triệu đồng so với mức giá niêm yết. Bản 1 TB có giá 37 triệu đồng, giảm 7 triệu so với giá niêm yết.
Cùng với iPhone 14, các mẫu iPhone cũ khác như iPhone 12, iPhone 13,... đều có xu hướng giảm từ vài trăm đến cả triệu đồng.
- Game lậu chiếm 30% tỷ trọng doanh thu ngành game Việt
Hiện có hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng, chủ yếu là trên kho ứng dụng Apple App Store, Google Play Store. Với doanh thu gần 5000 tỷ đồng, game không phép đang chiếm đến 30% tỷ trọng doanh thu toàn thị trường phát hành game Việt...
Thực trạng này được Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ ra tại Hội thảo triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán cho game không phép diễn ra ngày 23/3/2023.
Theo thống kê, doanh thu của game không phép ước tính khoảng gần 5000 tỷ đồng mỗi năm. Ước tính doanh thu của game không phép chiếm đến 30% tỷ trọng doanh thu toàn thị trường phát hành game Việt.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các kênh thanh toán hỗ trợ cho game không phép qua các trung gian thanh toán (ví điện tử) hoặc chuyển khoản ngân hàng (Internet banking).
Ngoài thanh toán gián tiếp, người dùng có thể thanh toán trực tiếp qua In app – purchase (IAP). Ví dụ như với Google có ví điện tử: MoMo, ZaloPay, VTC Pay; Thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: MasterCard, Visa, Visa Electron hoặc tài khoản viễn thông của các nhà mạng. Với Apple có ví điện tử: Momo, ShopeePay; thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ: MasterCard, Visa…
- Cảnh báo hàng loạt lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm của Microsoft
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa đưa ra cảnh báo về 6 lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm của Microsoft dựa trên danh sách bản vá tháng 3/2023.
6 lỗ hổng được đề cập tới gồm: CVE-2023-23392 tồn tại trong HTTP Protocol Stack, CVE-2023-23415 trong Internet Control Message Protocol, CVE-2023-23399 trong Microsoft Excel và CVE-2023-23400 trong Windows DNS Server, lỗ hổng CVE-2023-23397 trong Microsoft Outlook và lỗ hổng CVE-2023-24880 trong Windows SmartScreen.
Đặc biệt, cần chú ý lỗ hổng CVE-2023-23397 cho phép thực hiện tấn công nâng cao đặc quyền, lỗ hổng CVE-2023-24880 cho phép đối tượng thực hiện tấn công vượt qua cơ chế bảo mật là 2 lỗ hổng đang bị đối tượng tấn công khai thác trong thực tế. 4 lỗ hổng còn lại đều cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
Do đó, các đơn vị cần tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định máy tính sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng, nếu phát hiện lỗi cần kịp thời cập nhật bản vá để tránh nguy cơ bị tấn công mạng.
- OpenAI khắc phục lỗi để lộ tiêu đề trò chuyện trên ChatGPT
Ngày 22/3, OpenAI thông báo đã khắc phục lỗi kỹ thuật để lộ tiêu đề trò chuyện của người dùng với chatbot ChatGPT do công ty Mỹ này phát triển.
Trong thông báo trên Twitter, Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI, ông Sam Altman thừa nhận đã xảy ra "sự cố đáng kể" khi một nhóm nhỏ người dùng có thể xem tiêu đề trò chuyện của người khác trong lịch sử hội thoại trên ChatGPT.
Do việc khắc phục lỗi trên, người dùng sẽ không thể truy cập lại đoạn hội thoại của họ với ChatGPT trong khoảng thời gian từ 8h -17h ngày 20/3 giờ GMT (tức 15h-24h cùng ngày, giờ Việt Nam).
ChatGPT đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc sau khi ra mắt cuối năm ngoái, với việc người dùng tận dụng chatbot này sáng tạo những bài thơ, bài báo, truyện ngắn hay các các dạng văn bản khác.
- Sản phẩm cạnh tranh ChatGPT của Google có gì hay?
Bard có thể trả lời nhanh và trôi chay một số câu hỏi cơ bản, nhưng còn cứng nhắc và thiếu sáng tạo trong các câu trả lời.
Hôm 21/3, Google chính thức cho ra mắt chatbot Bard tại thị trường Anh và Mỹ. Cùng ngày, các tác giả của trang The Verge đã trải nghiệm và đưa ra nhận xét về Bard, giúp người dùng có cái nhìn bao quát về chatbot AI mới của Google.
Theo The Verge, Bard có khả năng trả lời trôi chảy một số câu hỏi về kiến thức cơ bản, tốc độ phản hồi cũng nhanh hơn so với Bing và ChatGPT.
Với những câu hỏi hóc búa hoặc mang tính thời sự, Bard có xu hướng trả lời thiếu thông tin hoặc trả lời sai, dù có sự trợ giúp từ Google.
Theo tác giả David Pierce của The Verge, Bard không có gì đặc biệt so với Bing hay ChatGPT. Chatbot này cũng có phần cứng nhắc và thiếu sáng tạo trong các câu trả lời.
Theo The Verge, Bard luôn cố gắng đáp ứng tất cả yêu cầu liên quan đến công việc của người dùng, chẳng hạn như viết lập trình, viết blog, trả lời email... Tuy nhiên, đa số các văn bản đều có nội dung ngô nghê, sáo rỗng, không thể áp dụng trong thực tế.
- Sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Mỹ đối mặt nguy cơ pháp lý
Ủy ban quản lý Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vừa đưa ra cảnh báo đối với Coinbase – sàn tiền ảo lớn nhất của Mỹ, về vi phạm các quy định luật chứng khoán.
Cổ phiếu của Coinbase đã giảm gần 12% trong phiên giao dịch hôm thứ 4 sau khi SEC đưa ra Thông báo Wells, thường là một trong những bước cuối trước khi cơ quan này chính thức đưa ra các cáo buộc liên quan. Đây cũng là cơ hội cho các cá nhân hoặc công ty bị buộc tội phản bác các tuyên bố của SEC.
Thời gian gần đây, SEC đang tiến hành thắt chặt các quy định quản lý ngành công nghiệp tiền điện tử, trong đó đưa vào tầm ngắm các công ty và dự án bị cho là đã tiến hành các giao dịch chứng khoán “chui”. Trong đó, các thông tin liên quan đến quá trình điều tra của SEC đối với Coinbase đã xuất hiện từ giữa năm 2022.
Nhiều tháng trước sự sụp đổ của sàn giao dịch lớn thứ 2 thế giới thời điểm đó - FTX vào tháng 11, thị trường tiền điện tử lao đao bởi lãi suất tăng, rủi ro tăng cao góp phần tạo nên sự sụp đổ của đồng ổn định Terra, quỹ tiền điện tử Three Arrows Capital, cũng như các sàn giao dịch Celsius và Voyager.