Vụ cắt tóc nữ sinh trên bục giảng: 'Khó kết luận cô giáo đúng hay sai'

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:48, 23/03/2023

Vụ nữ sinh Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị cô giáo cầm kéo cắt tóc ngay giữa lớp gây xôn xao trong dư luận.

Theo nội dung clip được cư dân mạng truyền tay nhau, cô giáo yêu cầu nữ sinh đứng trước lớp, liên tiếp đưa ra lời khiển trách. Đỉnh điểm, ngay trên bục giảng, cô giáo cầm kéo cắt tóc nữ sinh kèm theo lời tuyên bố: "Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước, em bảo chiều nhuộm lại mà nay vẫn còn".

Vụ cắt tóc nữ sinh trên bục giảng: Khó kết luận cô giáo đúng hay sai - 1
Vụ cô giáo cắt tóc học sinh ngay trên bục giảng gây xôn xao dư luận (Ảnh cắt từ clip).

Sau khi vụ việc xảy ra, có 2 luồng ý kiến gây tranh cãi trong dư luận.

Một số người cho rằng, dù có là giáo viên cũng không có quyền xâm phạm thân thể học sinh. Trình tự xử lý vấn đề nên là: Nhắc nhở - kỷ luật mời phụ huynh, nếu học sinh vẫn không chấp hành thì có thể đình chỉ học.

Ở chiều ngược lại, có phụ huynh đồng tình với cô giáo, vì họ nhấn mạnh quan điểm "thương cho roi cho vọt".

"Khó kết luận cô giáo đúng hay sai"

Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh đánh giá về sự việc này, anh cho rằng khó để đưa ra kết luận rằng cô giáo đúng hay sai hoàn toàn.

Vụ cắt tóc nữ sinh trên bục giảng: Khó kết luận cô giáo đúng hay sai - 2

Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh nhận định về vụ việc cô giáo cắt tóc nữ sinh ngay trên bục giảng (Ảnh: NVCC).

Vị chuyên gia bày tỏ: "Thật ra câu chuyện về việc xử lý, phạt học sinh làm khác với quy chế của trường - ăn mặc gọn gàng, không nhuộm tóc… không còn quá xa lạ.

Ở góc nhìn đồng tình, cô giáo đang muốn giáo dục học sinh đi theo chuẩn mực chung học sinh nên có. Còn ở góc nhìn ngược lại, cách thức giáo dục của cô chưa khéo léo, chưa phù hợp.

Hành động cầm kéo cắt tóc bạn nữ sinh trước mặt cả lớp có thể gây nên tâm lý xấu hổ, tổn thương cho học sinh đó. Do vậy, dư luận sẽ đánh giá hành động của cô xuất phát từ cảm quan cá nhân, hay hoài nghi giữa cô trò có hiềm khích gì hay không".

Chuyên gia chỉ ra rằng, nếu muốn đưa trẻ vào khuôn khổ về ăn mặc, đầu tóc thì phải dựa theo tuần tự quy định của trường, cô giáo không nên có hành động mang tính cá nhân như vậy.

Bên cạnh đó, cô giáo nên có sự đồng thuận từ quản lý nhà trường trước khi đưa ra một hình phạt nào đó đối với học sinh.

"Con ngoan trò giỏi cũng phải phản kháng"

Trước câu chuyện cô giáo cắt tóc học sinh ngay trên bục giảng, nữ sinh Khánh Linh (Hà Nội) nói: "Nếu em là bạn học sinh trong đoạn clip, dù có là con ngoan trò giỏi, em cũng sẽ không đứng im cam chịu, để cô giáo đụng vào thân thể mình và làm nhục đến tâm lý như thế.

Hơn nữa, cô giáo không có quyền cắt tóc học sinh như thế. Theo quan sát của em, tóc bạn học sinh cũng không nhuộm màu quá nổi bật. Cô giáo chỉ cần nhắc nhở, hay cảnh cáo để bạn có sự điều chỉnh hợp lý".

Anh Nguyễn Quốc (Phú Thọ) cũng bức xúc: "Với góc nhìn của phụ huynh, tôi lên án mạnh mẽ hành động "phản giáo dục" của cô giáo. Hành động này hết sức phản cảm và đi ngược lại tôn chỉ của ngành giáo dục.

Các con đến trường cần được đối xử văn minh, được hướng dẫn, bảo vệ bởi nhà trường và các thầy cô. Còn đây thì học sinh đang bị chính giáo viên xúc phạm.

Trẻ hư là do chưa được giáo dục tới nơi tới chốn, vì vậy mới cần các cô các thầy, nhà trường, hội phụ huynh lớp, phụ huynh trường, bố mẹ, bạn bè… Có rất nhiều sự hỗ trợ để giải quyết mà cô giáo lại lựa chọn cách giải quyết thô thiển trước mặt bao nhiêu học sinh của lớp".

Vụ cắt tóc nữ sinh trên bục giảng: Khó kết luận cô giáo đúng hay sai - 3
Học sinh có thể ảnh hưởng tâm lý với những hành động mang tính bêu rếu cá nhân (Ảnh: M.H)

Anh nhấn mạnh thêm, hành động xâm phạm thân thể người khác để lại hậu quả, nhất là đối với trẻ em và trẻ vị thành niên đáng phải lên án, thậm chí phải khởi tố nếu hậu quả nghiêm trọng.

Gia đình cần phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm và nhà trường trong việc nuôi và dạy con cái, tôn trọng quyền riêng tư cá nhân trong khuôn khổ cho phép. Gia đình đóng góp vai trò chính trong việc giáo dục nhân cách con trẻ trong khi nhà trường đóng vai trò giáo dục văn hóa và bồi dưỡng đạo đức cho các con.

Anh Quốc nói thêm: "Về hành động của cô giáo như trong clip thì dù thế nào cũng đã xử sự thô thiển và thiếu nhân văn, không mang tính giáo dục".

Chị Vân Ly (Hà Nội) cũng bày tỏ: "Là một người mẹ nên tôi hoàn toàn không đồng ý cách làm của cô giáo".

Theo vị phụ huynh này, mỗi một đứa trẻ dù ở lứa tuổi nào cũng là một con người được xã hội công nhận nên các em cũng có quyền được xã hội tôn trọng, bảo vệ danh dự và thân thể. Việc làm của cô giáo không chỉ vô tình xâm phạm lên thân thể nữ sinh mà còn xâm phạm cả danh dự của em khi cắt tóc em trước toàn tập thể lớp.

Dẫu biết những việc cô giáo làm cũng chỉ là muốn tốt cho nữ sinh cũng như tất cả học sinh trong lớp, giữ gìn nội quy của trường song cách làm còn chưa thực sự phù hợp.

"Những tư tưởng giáo dục hiện đại từ lâu đã phản đối việc đòn roi với trẻ, quát mắng nặng nề nhiều khi còn có thể gây tác dụng ngược khiến trẻ càng thêm nổi loạn. Vậy mà cô giáo là nhà giáo dục lại chọn cách tiêu cực nhất ấy.

Bởi vậy thay vì áp dụng các hình phạt răn đe mạnh tay, cô có thể nhẹ nhàng khuyên răn, sử dụng các hình phạt phù hợp với môi trường sư phạm hơn hay mời phụ huynh phối hợp giải quyết.

Câu chuyện trên có lẽ chỉ là ví dụ điển hình cho tình trạng giáo dục sai cách vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi", phụ huynh này kết luận.

"Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"

Ngược lại với quan điểm của các phụ huynh trên, chị H.C. (Hà Tĩnh) lại tỏ thái độ đồng tình với hành động "xử lý học sinh vi phạm quy chế" của cô giáo. Chị H.C nói: "Là học sinh, đã đi học thì cần thuận theo quy định của trường. Học sinh vi phạm thì cô giáo xử lý thôi. Suy cho cùng, cô giáo đang uốn nắn cho thành người, đó đã là điều gia đình cần cảm ơn rồi.

Hơn nữa, tôi nghĩ cô đã có sự nhắc nhở, cảnh cáo và nêu ra quy định của trường với học sinh rồi. Chứ không có chuyện ngay lần đầu tiên cô đã xử sự như thế đâu. Bản thân người làm phụ huynh, tôi thông cảm được với cách xử lý của cô giáo".

"Nghĩ lại bây giờ học sinh đi học sướng thật. Thầy cô nhắc nhở thì không nghe, phạt hay có hành động thì lại bị quay chụp, tố cáo. Ngày xưa đi học nếu bị phạt, về nhà bố mẹ còn "xử lý" thêm, hay dặn giáo viên phạt nặng vào cho chừa", chị kể.

Tuệ Nhi