Những thông tin mới nhất liên quan đến việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 17:57, 22/03/2023

Nhiều thuê bao di động đã nhận được tin nhắn yêu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao tuy nhiên vẫn chưa thực hiện. Chiêu trò lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin thuê bao để lừa đảo vẫn tiếp diễn.

Còn nhiều khách hàng nhận được thông báo nhưng chưa đi chuẩn hóa thông tin thuê bao

Tính đến thời điểm 31/3 tới đây, chỉ còn hơn 1 tuần để những thuê bao di động nằm trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin thực hiện bổ sung, sửa đổi lại thông tin theo quy định.

Theo quy định của cơ quan chức năng, thời gian qua VinaPhone đã liên tục thực hiện thông báo và hướng dẫn cho khách hàng trong diện cần chuẩn hóa thông tin thuê bao qua tin nhắn SMS định danh VinaPhone, cuộc gọi hiển thị tên định danh “VinaPhone” và/hoặc từ các số điện thoại 0888-00-1091, 0911-00-1091.

Tuy nhiên đến nay nhiều khách hàng mặc dù đã nhận được thông báo nhưng vẫn chưa thực hiện cập nhật lại thông tin theo hướng dẫn của nhà mạng, đại diện nhà mạng VinaPhone cho hay vào chiều ngày 22/3.

VinaPhone khuyến nghị tất cả các khách hàng đã nhận được thông báo qua các kênh chính thức của nhà mạng cần sớm thực hiện chuẩn hóa để đảm bảo quyền lợi, tránh bị gián đoạn liên lạc 1 chiều.

Hiện VinaPhone cũng đã tăng cường nhân sự để hỗ trợ khách hàng qua các kênh. Riêng tại các điểm giao dịch của VinaPhone, thời gian phục vụ cũng kéo dài tới 21 giờ hàng ngày để thuận lợi nhất cho khách hàng.

Ngoài ra, với một số khách hàng không có điều kiện tới các điểm giao dịch hoặc có các trở ngại khi thao tác online (không có smartphone, gặp vấn đề về sức khỏe,…) cũng có thể gọi điện đến tổng đài 18001091 để được nhân viên VinaPhone hướng dẫn và hỗ trợ cách đăng ký thuận tiện nhất, đại diện nhà mạng này cho biết thêm.

Theo thống kê của 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone, Viettel, có gần 4 triệu thuê bao thông tin chưa được chuẩn hóa.

Công bố các kênh liên lạc chính thức của 7 nhà mạng phục vụ chuẩn hoá thông tin thuê bao

Cục Viễn thông vừa phát thông báo về các kênh chính thức của 7 doanh nghiệp viễn thông di động phục vụ quá trình chuẩn hoá thông tin thuê bao; đồng thời lưu ý người dùng không thực hiện theo các thông báo ngoài danh sách kênh chính thức này...

Cụ thể, danh sách kênh chính thức của 7 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và 3 nhà mạng không có hạ tầng (Itelecom, Local, Wintel) như sau:

Với nhà mạng Viettel: Tên hiển thị khi nhắn tin mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao VIETTEL. Số điện thoại tổng đài gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao 0246 266 0198 (tên hiển thị: VIETTELCSKH), 0246 688 8098 (tên hiển thị VIETTELCARE).

Nhà mạng VNPT VinaPhone: Tên hiển thị khi nhắn tin mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao: VinaPhone. Số điện thoại gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao: 088800 1091, 091100 1091, cuộc gọi hiển thị VinaPhone.

Nhà mạng MobiFone: Tên hiển thị khi nhắn tin mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao MobiFone. Số điện thoại gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao: 9090.

Với nhà mạng Vietnamobile: Số điện thoại gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao 0921 667 667.

Nhà mạng “ảo” Đông Dương- Itelecom: Tên hiển thị khi nhắn tin mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao iTel. Số điện thoại gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao 087902 8888

Nhà mạng ASIM Telecom- Local: Tên hiển thị khi nhắn tin mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao myLocal.vn. Số điện thoại gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao: 0899 096 854 (tên hiển thị Local).

Nhà mạng WINTEL (Mobicast): Tên hiển thị khi nhắn tin mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao Wintel. Số điện thoại gọi ra thông báo mời khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao 0559 559 559, 0559 558 558.

Nhiều bất lợi nếu không chuẩn hóa thông tin thuê bao

Cung cấp thông tin thuê bao chính xác là quyền và nghĩa vụ của mọi người dân. Các thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với CSDL quốc gia về dân cư có thể gặp khó khăn khi phát sinh nhu cầu thực hiện các giao dịch sau bán với thuê bao di động, đặc biệt khi mất SIM thì việc cấp lại/đổi SIM gặp rất nhiều khó khăn do thuê bao thông tin không chính xác, không chính chủ.

Ngoài ra, hiện nay số điện thoại gắn với rất nhiều các tài khoản khác chứa các thông tin cá nhân, nhạy cảm, quan trọng của khách hàng như: tài khoản mạng xã hội; tài khoản ngân hàng, bảo hiểm;… trường hợp số điện thoại thông tin không chính xác dẫn đến nguy cơ bị mất các tài khoản này. Bên cạnh đó, cũng sẽ gặp khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực nếu thông tin thuê bao không trùng khớp với CSDL quốc gia về dân cư…

Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; hạn chế tình trạng tranh chấp số, đặc biệt với những SIM số đẹp khi thuê bao không đăng ký thông tin chính chủ đồng thời loại bỏ SIM rác, từ đó hạn chế tình trạng tin nhắn rác/cuộc gọi rác; tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo, trong trường hợp phát hiện thông tin thuê bao của mình không đúng hoặc khi nhận được thông báo của doanh nghiệp viễn thông về thông tin thuê bao có sai sót, công dân có trách nhiệm cập nhật lại thông tin thuê bao theo đúng quy định, đại diện nhà mạng Viettel cho hay.

Sử dụng số điện thoại chính thức của nhà mạng để thông báo chuẩn hóa thông tin thuê bao

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay đã ban hành văn bản về việc tổ chức truyền thông về các số điện thoại được sử dụng để thông báo đề nghị người sử dụng chuẩn hoá thông tin thuê bao.

viettel.jpg

Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện triển khai các biện pháp truyền thông (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua nhắn tin tuyên truyền tới tất cả các thuê bao đang hoạt động và các hình thức phù hợp khác) thông báo các số điện thoại (cùng với Tên định danh - nếu có) chính thức của các doanh nghiệp được sử dụng cho mục đích chăm sóc khách hàng, nhắn tin, gọi điện thông báo đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao, tiếp nhận nhận phản hồi.

Tổng hợp các thông tin (bao gồm hướng dẫn chi tiết cách thức thực hiện) về các kênh chính thức thông báo, hỗ trợ người sử dụng dịch vụ viễn thông di động chuẩn hóa thông tin thuê bao, chủ động trao đổi, cung cấp tới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở,… để hỗ trợ truyền thông đến người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Trước đó, qua công tác theo dõi tình hình triển khai chuẩn hoá thông tin thuê bao sau đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của các doanh nghiệp và phản ánh của các cơ quan báo chí cho thấy có hiện tượng một số đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp thông báo (qua nhắn tin, gọi điện) đến người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để thực hiện các hành vi có dấu hiệu mạo danh lừa đảo, quảng cáo, … vi phạm pháp luật. Nhằm hạn chế tối đa các hành vi, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông, Cục Viễn thông đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm nội dung như trên.

Tiếp tục cảnh giác với chiêu trò dọa khóa thuê bao

Theo kế hoạch của Cục Viễn thông, từ 15/3/2023, nhà mạng đã triển khai mời khách hàng cập nhật/ chuẩn hóa thông tin cho các thuê bao chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

anh-1-.jpeg

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi nhà mạng triển khai kế hoạch, nhiều trường hợp người dùng đã nhận cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng mạo danh … đe dọa “khóa thuê bao” của khách hàng.

Cụ thể, người dùng sẽ nhận được một cuộc gọi thông báo họ sắp bị khóa thuê bao. Sau đó yêu cầu thực hiện theo các bước. Lúc này các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên nhà mạng, yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống thuê bao đã đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.

Nếu người dùng từ chối cung cấp, các đối tượng đưa ra nhiều lời đe dọa về việc thuê bao sẽ bị khóa và yêu cầu người dùng làm theo hướng dẫn. Lúc này nếu người dùng thực hiện theo các hướng dẫn sẽ có nguy cơ mất quyền kiểm soát SIM điện thoại và kẻ xấu sẽ tiến hành chiếm đoạt các tài khoản khác như mã OTP ngân hàng, tài khoản mạng xã hội...

Theo các nhà mạng thì chiêu trò này hiện vẫn còn tiếp diễn. Do đó người dùng cần tiếp tục cảnh giác  để tránh bị lừa đảo.

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)