'Một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy Hyundai'
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:14, 22/03/2023
Trong hội nghị đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 22/3, nữ nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Hà (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) chia sẻ băn khoăn khi những sản phẩm văn hóa của Việt Nam vẫn chưa đủ sức mạnh để khẳng định trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, văn hóa trong nước đang chịu sự thách thức bởi sự xâm nhập của nhiều sản phẩm xuyên quốc gia.
Nữ nghệ sĩ mong Thủ tướng và các lãnh đạo quan tâm những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ với băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết để triển khai Nghị quyết của Đảng về công nghiệp văn hóa, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030.
Thực hiện chiến lược này, Chính phủ xác định có 12 nhóm ngành thuộc về công nghiệp văn hóa.
Nhấn mạnh trụ cột là tài nguyên văn hóa của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết bước đầu thực hiện chiến lược này đã thu được một số kết quả. Như trước đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% GDP cả nước.
Tuy vậy, ông Hùng thừa nhận công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang đi sau, phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành được xác định là lĩnh vực cơ bản nhưng trong thời gian dài vẫn chưa được phát huy một cách mạnh mẽ.
Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này, Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nội hàm về công nghiệp văn hóa cũng được Trung ương quan tâm, xem xét để đưa vào trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa đang tham mưu cho Chính phủ trong tổng kết Quyết định 175 về chiến lược văn hóa và sẽ ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa.
"Nếu chúng ta không đi tắt, đón đầu, không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển", Bộ trưởng Văn hóa nói.
Ông dẫn chứng Hàn Quốc - một đất nước có điều kiện tương đồng về văn hóa, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong công nghiệp văn hóa. "Chỉ một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy Hyundai", ông Hùng nói.
Ông cho biết ngành công nghiệp văn hóa đang được cơ cấu lại theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Bộ trưởng Văn hóa nhấn mạnh du lịch đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và từng bước tiến thành ngành kinh tế tổng hợp. Bên cạnh đó, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh cũng cần được quan tâm.
Giải pháp được Bộ trưởng Văn hóa đưa ra dựa trên 4 trụ cột.
Thứ nhất, Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo, trong đó tập trung để hướng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, những người thực hành văn hóa ở lĩnh vực này phải bám sát trụ cột tài nguyên văn hóa.
Thứ hai, phải dựa trên khoa học công nghệ. Thứ ba là truyền thông và cuối cùng là vấn đề bảo hộ. "Cần ngăn chặn việc lợi dụng nền tảng công nghệ xuyên quốc gia để đánh cắp bản quyền, gây thiệt hại cho nền công nghiệp văn hóa vốn đang non trẻ của chúng ta", ông Hùng nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói nếu phát triển được công nghiệp văn hóa sẽ mang lại lợi ích rất to lớn. Thủ tướng cho biết trong các nhiệm kỳ gần đây, Việt Nam luôn chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa và chủ trương đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, dựa trên nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, hào hùng.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản.