Quân sự thế giới hôm nay (22-3): Nga cảnh báo Anh về viện trợ đạn uranium làm nghèo cho Ukraine
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 14:53, 22/03/2023
* Cuộc họp cấp cao Ủy ban NATO - Ukraine vẫn sẽ được tổ chức vào tháng tới bất chấp sự phản đối của Hungary. Đây là tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Cuộc họp cấp bộ trưởng của Ủy ban NATO - Ukraine đã bị đình trệ từ lâu và cuộc họp cấp thấp gần đây nhất của Ủy ban này cũng là từ năm 2019 tại Kiev với sự tham gia của Tổng thống và một số quan chức Ukraine.
Liên quan các cuộc họp của Ủy ban NATO - Ukraine, Hungary và Ukraine đã có sự không đồng thuận về một số vấn đề, trong đó có đạo luật liên quan người Hungary thiểu số ở Ukraine. Năm 2017, nhóm người Hungary thiểu số này đã không còn được học tập bằng tiếng Hungary sau khi chính phủ Ukraine thông qua một đạo luật về ngôn ngữ. Từ đó, Hungary thường xuyên phủ quyết việc tổ chức các cuộc họp của Ủy ban NATO - Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã triệu tập cuộc họp của Ủy ban NATO - Ukraine vào tháng 4 tới. Ảnh: Stars and Stripes |
Ông Stoltenberg cho biết: “Đây là một khuôn khổ đã được định trước và tôi có quyền triệu tập cuộc họp. Về các vấn đề Hungary đưa ra, tôi đã không triệu tập bất cứ cuộc họp nào trong một thời gian dài và bây giờ tôi sẽ tiếp tục triệu tập các cuộc họp của Ủy ban NATO - Ukraine”.
Theo thông báo, cuộc họp cấp cao của Ủy ban NATO - Ukraine sẽ được tổ chức bên lề cuộc họp các ngoại trưởng NATO vào ngày 4 đến 5-4 tới. Ông Stoltenberg cũng cho biết cuộc họp sẽ thảo luận vấn đề người thiểu số Hungary ở Ukraine và NATO đã mời Tổng thống Ukraine tham dự cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 7 tới.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto khẳng định trước báo giới rằng cuộc họp của Ủy ban NATO - Ukraine được triệu tập “vì những lý do mà tôi không được phép tiết lộ”. Tuy nhiên, ông Szijjarto cũng nói rằng quyết định của ông Stoltenberg “theo quan điểm của chúng tôi đã làm tổn hại đến sự thống nhất đồng thuận của NATO”.
* Quân đội Mỹ tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam Á
Lục quân Mỹ và Nepal thúc đẩy hợp tác với cuộc hội đàm lần thứ tư của 2 lực lượng tại Kathmandu. Theo phát ngôn viên Lục quân Nepal Chuẩn tướng Krishna Prasad Bhandari, cuộc hội đàm đi vào xem xét các vấn đề cụ thể như đối phó thảm họa, tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và viện trợ của Mỹ cho Lục quân Nepal trong triển khai lực lượng và nhiều nhiệm vụ gìn giữ hòa bình khác.
Ngoài ra, Mỹ và Nepal cũng sẽ xem xét một số đầu mục vũ khí, khí tài quân sự Nepal sẽ mua và được Mỹ viện trợ theo chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài, trong đó có máy bay trực thăng Bell và máy bay vận tải Skytruck M28.
Ngoại trưởng Ấn độ S. Jaishankar (phải) tiếp Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall tại New Delhi hôm 21-3. Ảnh: PTI |
Trong khi đó, người láng giềng của Nepal là Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác cùng phía Mỹ trong chia sẻ công nghệ quốc phòng. Bộ trưởng Không quân Frank Kendall cho rằng Mỹ đã “mở” hơn trong chia sẻ công nghệ với Ấn Độ so với thời gian trước.
Theo một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, Ấn Độ và Mỹ có thể hợp tác trong một số công nghệ mới nổi như trinh sát và giám sát thông tin tình báo, động cơ chiến đấu cơ phản lực, trí tuệ nhân tạo và không gian vũ trụ. Tại một cuộc họp báo ở New Dehli, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết Mỹ và Ấn Độ đang hoàn tất thỏa thuận chia sẻ thông tin hàng không vũ trụ như một phần của hợp tác quốc phòng ngày càng được tăng cường giữa 2 hai nước.
* Nga cảnh báo Anh về hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo Anh đang đẩy căng thẳng và nguy cơ xung đột hạt nhân lên cao khi nước này gửi tới Ukraine 14 xe tăng Challenger 2 và đạn chứa uranium làm nghèo. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo 2 bên còn cách một cuộc đụng độ hạt nhân “chỉ vài bước chân”.
Nga cảnh báo Anh đang đẩy nguy cơ xung đột hạt nhân lên cao khi viện trợ đạn có uranium làm nghèo cho Ukraine. Ảnh: Getty |
Phản ứng này của Nga được đưa ra sau khi có thông tin Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie xác nhận đạn có chứa uranium làm nghèo sẽ là một phần trong gói viện trợ quân sự của nước này cho Ukraine đi kèm xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2.
Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh: “Vương quốc Anh... đã tuyên bố không chỉ viện trợ xe tăng mà còn cả đạn có chứa uranium làm nghèo cho Ukraine. Nếu điều này xảy ra, Nga sẽ buộc phải hành động”.
Đạn pháo có uranium làm nghèo được xe tăng sử dụng để có thể xuyên phá mục tiêu tốt hơn do tính chất vật lý của chất này. Tuy nhiên, nó sẽ để lại bụi phóng xạ ảnh hưởng tới sức khỏe con người nếu hít phải.
Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.
HỮU DƯƠNG (thực hiện)