Xuất hiện nhiều hội nhóm rủ nhau 'bùng nợ qua app'
Pháp luật - Ngày đăng : 08:40, 22/03/2023
Thời gian gần đây, với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, nhiều công ty cho vay, tổ chức đòi nợ… đã bị điều tra, khám xét.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã triệt phá tổ chức tội phạm “núp bóng” công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại TP.HCM), thực hiện hành vi đe dọa, khủng bố, nhằm cưỡng đoạt tài sản. Bắt tạm giam 5 thành viên gồm các lãnh đạo của công ty với hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
Trên thực tế, việc vay tiền qua app online đang khá phổ biến vì việc giải ngân khoản vay khá dễ dàng. Đối với nhiều app vay tiền, người dùng chỉ cần chụp giấy tờ tùy thân, cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, đồng thời cung cấp địa chỉ các trang cá nhân (Facebook, Zalo) là có thể vay tiền. Nhưng đi kèm với đó là các khoản lãi suất cao và các đối tượng đòi nợ sẵn sàng dùng mọi cách như “khủng bố điện thoại”, cắt ghép ảnh trên mạng xã hội, thậm chí mang quan tài, bình gas đến đe dọa để thúc ép “con nợ” phải trả tiền.
Hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm "bùng nợ" vay online
Với việc các công ty cho vay bị điều tra, khám xét, hiện trên mạng xã hội đã xuất hiện trào lưu mới là “bùng nợ qua app”. Không chỉ thu hút các con nợ không có khả năng chi trả, nhiều người còn coi đây là một cách kiếm tiền mới, lợi dụng các kẽ hở của app cho vay để vay tiền rồi “bùng”.
Chỉ cần tìm kiếm vài từ khóa trên mạng xã hội, người dùng có thể tiếp cận hàng trăm hội nhóm như: “Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó”; “Bùng App vay tiền online”; “Cách bùng App vay và cách đối phó”… Các nhóm này quy tụ rất đông, trung bình từ 20.000 thành viên đến 175.000 thành viên, với hàng chục bài đăng, chia sẻ kinh nghiệm “quỵt nợ” mỗi ngày.
Kim Nhung, một thành viên trong hội nhóm chia sẻ cách vay tiền online cho biết: “Nhiều app cho vay chỉ yêu cầu truy cập số điện thoại và danh bạ. Do đó, cách tiếp cận duy nhất của họ với người vay là thông qua điện thoại. Người vay nếu xác định sẽ “bùng” thì chỉ cần sử dụng sim rác và danh bạ ảo thì sau khi vay tiền có thể không bị làm phiền”.
Nhiều “quỵt thủ” còn chọn cách nuôi app, nghĩa là thanh toán đúng hạn với các khoản vay ban đầu (từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng). Đến khi xác nhận được độ uy tín với app và có thể tiếp cận các khoản vay lớn hơn (từ 8 triệu đồng đến 20 triệu đồng), đến lúc này họ mới vay khoản lớn rồi “bùng”, vứt bỏ sim rác, danh bạ ảo.
Cho vay nặng lãi hay "bùng nợ" online đều vi phạm luật
Chia sẻ với VOV.VN, đại diện của Cục Hình sự - Bộ Công an thông tin: Sau thời gian dịch COVID-19, người dân gặp nhiều khó khăn về tài chính, cần nhiều vốn để phục hồi sản xuất và trang trải sinh hoạt. Các đối tượng hoạt động cho vay lợi dụng tình trạng này để tiếp cận, mời chào các gói vay không cần thế chấp tài sản. Thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh và đáp ứng nhu cầu tâm lý cần tiền cấp bách của người dân.
Ngoài ra, lợi nhuận bất chính từ hoạt động cho vay gấp rất nhiều lần so với các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác. Đối với các hoạt động kinh doanh bình thường thì lãi 20-30% một năm đã là thành công. Tuy nhiên, các đối tượng cho vay nặng lãi có thể lãi trên 100%, đến 1000% một năm. Với lợi nhuận lớn như vậy, các đối tượng bất chấp tất cả các thủ đoạn để thu lời bất chính từ hoạt động cho vay.
Cũng theo nguồn tin, thời gian gần đây biến tướng của “tín dụng đen” đã trở thành các app trên không gian mạng. Bên cạnh các ứng dụng, website cho vay tiền chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, hiện nay đã xuất hiện nhiều ứng dụng, website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện… giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng chính thống, ứng dụng không rõ nguồn gốc do đơn vị chủ quản là người nước ngoài.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty luật Trường Lộc (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Các trường hợp cho vay nặng lãi trên không gian mạng, hoặc vay online rồi “bùng nợ” đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
“Theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Phần lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn quy định này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Nếu bên cho vay lấy lãi suất trên 20% đến dưới 100% trên một năm là vi phạm pháp luật dân sự, bị vô hiệu. Nếu cho vay lãi suất lên đến 100%/năm trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các hành vi “bùng nợ” vay online có dấu hiệu vi phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Đối với hành vi rủ nhau bùng tiền vay online là hành vi gian dối có mục đích chiếm đoạt tài sản của bên cho vay.
Hành vi này đã có dấu hiệu phạm vào điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, là hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.