Cảnh giác trước nhiều trò lừa đảo tài chính mới

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 20:37, 21/03/2023

Các thủ đoạn lừa đảo tài chính trên mạng internet vẫn liên tục “tấn công” người dùng tại Việt Nam.

Gần đây, trên thị trường bất ngờ xuất hiện các đối tượng mạo danh là nhân viên của ngân hàng / tổ chức trung gian thanh toán tiếp cận các đơn vị chấp nhận thẻ thông qua các tài khoản giả mạo (Skype, Telegram, Zalo, ...) để yêu cầu cung cấp các thông tin tài khoản đăng nhập quản trị, code, UltraView/TeamView,...

Được biết, mục đích của các đối tượng giả mạo tiếp cận các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, từ đó phục vụ mục đích chiếm dụng tài sản và gây ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng và đơn vị chấp nhận thẻ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, đại diện đơn vị thanh toán Ngân Lượng cho hay.

Đại diện công ty Adpia cho biết đã có nhóm người mạo danh AM Adpia để kêu gọi những Publisher mới tham gia hệ thống Affiliate của Adpia. Với hình thức tinh vi, những kẻ mạo danh đã đánh lừa được nhiều nạn nhân bằng các bước như: nhà tuyển dụng (đối tượng lừa đảo) mạo danh nhân viên của các thương hiệu, sàn TMĐT đăng tin tuyển CTV làm việc tại nhà, lương cao trên các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo,… hoặc lừa đảo tuyển ứng viên phiên dịch cho công ty.

Sau đó đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp cho CTV (nạn nhân) tài khoản đăng nhập vào các app, đường link mang tên giả mạo các thương hiệu và sàn TMĐT nổi tiếng. Sau khi đăng nhập, CTV nhận “làm nhiệm vụ" với nội dung phải chuyển tiền chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng tương tác và uy tín. Số tiền ứng trước mua hàng sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10 - 30% giá trị mỗi đơn hàng.

Tiếp đó đối tượng lừa đảo ban đầu gửi tiền lãi cho nạn nhân với những đơn hàng có giá trị thấp. Và để nhận hoa hồng, CTV phải quay lại quá trình thực hiện, nếu không quay CTV có khả năng bị đe dọa không trả hoa hồng.

Càng về sau, khi đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng chần chừ hoàn trả tiền, đến khi nạn nhân không thể tiếp tục chốt đơn nữa thì các đối tượng chặn tài khoản và biến mất. gửi cho nạn nhân những đường link sản phẩm, đại diện công ty Adpia cảnh báo.

Trong khi đó hệ thống chuỗi kinh doanh đồng hồ Xwatch cho hay hiện nay, một số đối tượng mạo danh nhân viên tư vấn Xwatch, chủ động kết bạn với khách hàng qua Zalo, SMS, gọi điện nhằm lừa khách mua đồng hồ không có nguồn gốc để chuộc lợi.

Lợi dụng các sàn TMĐT, đối tượng mạo danh Xwatch lừa đảo bằng cách tạo ra các trang bán hàng, có cả sản phẩm kèm giá rẻ trên Shopee và thu hút khách hàng bằng các chính sách hấp dẫn, quà tặng, miễn phí vận chuyển,... khiến khách hàng muốn mua ngay, nếu không sẽ không được hưởng ưu đãi.

Chính vì không có thời gian tìm hiểu nên nhiều khách hàng lầm tưởng Xwatch đã có mặt tại các sàn TMĐT dẫn đến mua nhầm, “tiền mất tật mang”. Thực tế, Xwatch chính hãng chưa có mặt trên sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada,... và chỉ kinh doanh online thông qua Website: Xwatch.vn với đồng hồ đều là hãng nổi tiếng, giá niêm yết nên gần như không có chương trình giảm giá, đại diện đơn vị này cho hay.

Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, người dùng không cung cấp mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai (kể cả người thân). Ngân Lượng không bao giờ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu tài khoản Ngân Lượng hay số tài khoản ngân hàng bên ngoài ứng dụng; không click vào link lạ không rõ nguồn gốc, không thực hiện thao tác theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ/số điện thoại/nick chat lạ; và không mở TeamView, UltraView ... cho người khác để các đối tượng có thể lợi dụng chiếm đoạt tài khoản, đại diện Ngân Lượng cho hay.

Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về số vụ lừa đảo tài chính qua mạng: Trong năm 2022, Kaspersky báo cáo đã ngăn chặn tổng cộng 822.536 lừa đảo tài chính nhắm đến các công ty tại Đông Nam Á, từ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến tập đoàn lớn. Thống kê các cuộc tấn công lừa đảo trong năm 2022 tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 (sau Indonesia). Về số liệu cụ thể, Indonesia có số vụ lừa đảo tài chính cao nhất (208.238), Việt Nam đứng thứ hai với 172.694 và Malaysia là 120.656. Thái Lan ghi nhận 101.461 nỗ lực lừa đảo liên quan đến tài chính, tiếp theo là Philippines với 52.914, và Singapore với 22.109 vụ.

Kaspersky

THANH PHƯỢNG (tổng hợp)