Các vệ tinh quân sự khó an toàn trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 18:07, 21/03/2023

Vốn là vũ khí phòng thủ cấp chiến lược nên không quá ngạc nhiên khi hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Thủ đô Moscow và khu vực công nghiệp trung tâm của Nga là A-135 Amur luôn nằm trong vòng bí mật.

Tuy nhiên, Thông tin liên quan tới các hệ thống A-135 Amur và tương lai là A-235 Nudol gần đây lại được chú ý khi giới chức quân sự Mỹ đưa ra quan ngại về khả năng bắn hạ vệ tinh gián điệp của các dòng vũ khí phòng thủ này.

Vũ khí phòng thủ từ thời chiến tranh Lạnh

Hiện tại, Thủ đô Moscow và các khu công nghiệp quan trọng miền Trung nước Nga đang được bảo vệ bởi hệ thống A-135 Amur với các đạn tên lửa đánh chặn đặt trong giếng phóng. Đây chính là tiền thân của hệ thống A-235 Nudol sau này.

Việc triển khai A-135 được thực hiện theo thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ ký năm 1972 về giới hạn triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa giữa hai bên. Thỏa thuận này cho phép Nga triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa cố định tại Moscow, còn Mỹ được triển khai hệ thống tại căn cứ Grand Forks ở bang Bắc Dakota. Tuy nhiên, do các vấn đề về kỹ thuật, Mỹ đã tạm dừng việc triển khai hệ thống nói trên vào năm 1976.

A-135 và tương lai là A-235 đóng vai trò như lá chắn tên lửa bảo vệ Thủ đô Moscow và vùng công nghiệp quan trọng miền Trung nước Nga.

Liên Xô bắt đầu triển khai các thành phần của tổ hợp A-135 Amur từ năm 1971 và được Nga hoàn thành vào năm 1995. Hệ thống phòng thủ tên lửa do Tổ hợp thiết kế Vympel NPO chế tạo được coi là kiệt tác công nghệ khi nó ra mắt. A-135 có khả năng theo dõi và bám bắt mục tiêu hoàn toàn tự động, trong đó đáng kể là việc phân biệt giữa mục tiêu thật và vật thể giả lập gây nhiễu nhờ hệ thống siêu máy tính Elbrus-2 với khả năng xử lý hơn 1 tỷ phép tính/s. Năng lực hoạt động của A-135 Amur còn được nâng cấp đáng kể trong đầu những năm 2000 với việc thu nhỏ kết cấu phần cứng với các thành phần hiện đại hơn.

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh Tổ quốc, giống như A-235, A-135 cũng có khả năng bắn hạ vệ tinh của đối phương nhờ hệ thống radar cực nhạy và đạn tên lửa có thể hoạt động ở tầng cao nhất của khí quyển Trái đất, nhưng đây chỉ là chức năng thứ yếu.

“Theo quan điểm của tôi, khả năng bắn hạ vệ tinh hoặc các loại vũ khí ngoài không gian là rất đáng quan tâm. Mỹ trong thời gian qua đang tìm cách quân sự hóa quỹ đạo thấp gần Trái đất. Đây là động thái đáng lo ngại và cần phải có biện pháp đối phó”, ông Viktor Murakhovsky cho biết.

Nhiều chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, so với A-135, hệ thống A-235 sẽ còn có năng lực phòng thủ mạnh mẽ hơn nữa và là đối trọng xứng đáng với đối thủ bên kia bờ đại dương. Dù chưa được đưa vào trang bị chính thức, nhưng năng lực của A-235 đã được thể hiện qua những quan ngại của phía Mỹ về khả năng bắn hạ vệ tinh quân sự trên tầng quỹ đạo thấp.

Trung tâm chỉ huy và dẫn bắn của hệ thống A-135 có quy mô đồ sộ như một tòa nhà cao tầng.

A-235 Nudol sẽ là lớp phòng thủ tên lửa thượng tầng của Nga

Dù mới được biết tới trong vài năm trở lại đây, nhưng thực tế quá trình phát triển hệ thống A-235 Nudol đã được bắt đầu từ những năm đầu 1970. Ngay sau khi quá trình phát triển A-135 hoàn tất, Tổ hợp thiết kế Vympel NPO đã nhận nhiệm vụ phát triển dòng vũ khí phòng thủ tên lửa mới này.

Quá trình phát triển A-235 có phần gián đoạn vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20 với sự tan vỡ của Liên Xô. Việc tái khởi động lại chương trình A-235 được khởi động lại sau đó 2 thập kỷ vào năm 2011. Chịu trách nhiệm phát triển loại vũ khí này là Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey, nơi cho ra đời dòng tên lửa S-300 trứ danh và các biến thể sau này. Tên gọi Nudol của hệ thống A-235 nhiều khả năng được lấy theo tên một dòng sông chạy qua Moscow. Từ đó tới nay, những thông tin về A-235 được công bố rất hạn chế và phần lớn được biết qua các vụ phóng thử tên lửa đánh chặn mới, trong đó có loại 53Т6М có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo và vệ tinh của đối phương.

Theo các nguồn tin công khai, A-235 có thể là phiên bản nâng cấp sâu của A-135 do nó vẫn dùng hệ thống radar và trung tâm chỉ huy Don-2N kết hợp với các đài radar cảnh báo sớm đặt khắp lãnh thổ Nga. Hệ thống điều khiển vũ khí của A-235 sẽ có nhiều khác biệt do việc sử dụng các dòng đạn tên lửa đánh chặn mới có năng lực tác chiến cao hơn.

Sự khác biệt của A-235 nằm ở việc ngoài khả năng phòng thủ tên lửa, nhiệm vụ tiêu diệt các tàu không gian, vệ tinh gián điệp đã được coi là nhiệm vụ chính. Để tăng tầm bắn và hiệu quả tiêu diệt mục tiêu, tên lửa của A-235 không sử dụng đầu nổ phá mảnh hay hạt nhân, mà sử dụng nguyên tắc xuyên phá động năng (sử dụng gia tốc của đầu đạn va chạm và phá hủy mục tiêu). Ngoài các giếng phóng cố định, một phần bệ phóng tên lửa sẽ được đặt trên xe chuyên dụng để tăng khả năng cơ động và mở rộng tầm phòng thủ, cũng như né tránh các đòn tập kích chính xác cao của đối thủ.

Đối với hệ thống A-235 Nudol, nó không chỉ có khả năng phòng thủ tên lửa, mà còn có khả năng bắn hạ các vệ tinh quân sự của đối phương. 

Đánh giá về hệ thống A-235, chuyên gia Victor Litovkin cho biết: “Chúng tôi đã thành công trong vụ thử nghiệm đánh chặn mục tiêu đạn đạo giả lập V-1000 ở khoảng cách 60km, độ cao 25km từ năm 1961. Người Mỹ mới chỉ thành công một vụ bắn thử như vậy 30 năm sau đó. Khả năng của A-235 còn vượt xa rất nhiều”.

Về chức năng cơ bản, A-235 Nudol có nhiều điểm tương đồng với hệ thống phòng thủ tên lửa GMD hay NMD của Mỹ, nhưng hơn ở khả năng cơ động và khả năng hợp nhất. Mục tiêu của Nga với Nudol không chỉ là một hệ thống phòng thủ tên lửa đơn lẻ, mà là một thành phần trong hệ thống phòng không hợp nhất.

Kết hợp với tổ hợp phòng không tầm ngắn Tunguska, Tor-M2, Pantsir-S1; tầm trung-xa Buk-M2, S-300, S-400 và S-500 (trong tương lai gần), Nudol sẽ tạo ra hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa đa tầng. Năng lực tác chiến của hệ thống này còn được mở rộng với sự kết hợp với hệ thống phòng không hợp nhất của các quốc gia SNG, Nga đang dày công vận động ở Belarus, Kazakhstan…

TUẤN SƠN (tổng hợp theo RIAN, Topwar)