Nơi sinh ra những tờ "tiền Cụ Hồ" đầu tiên của Việt Nam
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 12:02, 21/03/2023
Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia Nhà máy in tiền tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình hiện đang lưu giữ chiếc máy in và những tờ tiền đầu tiên của Việt Nam được in vào những năm 1946 - 1947.
Thời kỳ này, các tờ tiền có mệnh giá 5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào được in đơn giản do máy móc chưa hiện đại, giấy và mực in còn thô sơ.
Các tờ tiền có mệnh giá nhỏ được in Ti-pô (Typo). Còn những tờ tiền có mệnh giá lớn như 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng được in Ốp-sét (Offset). Tờ giấy bạc 100 đồng với tên gọi "con trâu xanh" ra đời là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Một đánh giá về tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: "Đồng tiền Cụ Hồ thời kháng chiến được nhận định vừa xấu vừa đẹp. Xấu vì giấy xấu mực tồi, kỹ thuật in thô sơ, nhưng hình tượng trên tờ bạc thì quá đẹp, phía nào cũng có lý.
Đồng tiền Việt Nam có một thứ không làm giả được vì nó được làm bằng thứ giấy chỉ có vùng kháng chiến mới sản xuất ra, lại in bằng thứ mực thô, tự chế mà kỹ thuật của Pháp không học tập được".
Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) là chủ nhân của chiếc máy in tiền đầu tiên của Việt Nam. Ông đã bỏ tiền túi mua lại nhà in Tô Panh (Hà Nội) của thực dân Pháp, sau đó hiến toàn bộ nhà máy cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để lập nhà máy in tiền.
Tiếp nhận nhà in, Chính phủ và Bộ Tài chính đổi tên thành "Việt Nam Quốc gia ấn thư cục" để in ra những tờ giấy bạc tài chính đầu tiên của đất nước hay còn gọi là "bạc Cụ Hồ". Tuy nhiên, sau đó nhà máy bị lộ, địch liên tục tìm cách phá hoại.
Khi Chính phủ và Bộ Tài chính đang loay hoay tìm nơi sơ tán nhà máy thì ông Đỗ Đình Thiện một lần nữa đứng ra cho mượn nhà xưởng, máy điện, kho bãi tại đồn điền Chi Nê của gia đình (Lạc Thủy, Hòa Bình) để đặt nhà máy in tiền.
Nơi đặt nhà máy in tiền tại Chi Nê nằm trên diện tích rộng hơn 7.000ha. Nơi đây trước kia do một ông chủ người Pháp khai phá, trồng nhiều cà phê, cao su, xây dựng nhà điều hành, xưởng, kho bãi và các chuồng trại chăn nuôi gia súc. Ông Thiện mua lại năm 1943 với giá 2.000 lượng vàng.
Tại khu đồn điền, máy in tiền được lắp đặt bí mật trong nhà xưởng. Công việc in tiền diễn ra bí mật. Mỗi ngày công nhân làm việc từ 16h chiều đến 3h sáng ngày hôm sau. Trong suốt quá trình nhà máy in hoạt động, mọi công việc tại đồn điền diễn ra bình thường.
Tháng 2/1947, Bác Hồ đến thăm nhà máy in tiền và nghỉ ngơi tại đồn điền Chi Nê. Bác căn dặn các công nhân: "Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc".
Sau chuyến thăm của Bác Hồ 2 tháng, thực dân Pháp đã ném bom tàn phá đồn điền Chi Nê. Không thể để nhà máy in bị phá hủy, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định di chuyển máy in cùng kho bạc lên căn cứ Việt Bắc.
Chị Đào Kim Cúc - Ban quản lý các khu di tích huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết, di tích lịch sử Nhà máy in tiền hiện nay đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, trùng tu tôn tạo, giữ nguyên giá trị lịch sử.
Nơi đây hiện lưu giữ xưởng in tiền đầu tiên của Việt Nam, nhà ở của gia đình ông Đỗ Đình Thiện - nơi Bác Hồ về thăm và làm việc, căn hầm, nhà điều hành. Di tích đã được công nhận là di tích quốc gia và cũng đã được trao kỷ lục Guinness Việt Nam.
"Nơi đây là địa chỉ đỏ, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn người đến tham quan, ghi nhớ công lao to lớn của Bác Hồ - người khai sinh ra nước Việt Nam, cũng như nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện - người cống hiến tài sản quý giá cho đất nước để in ra những tờ tiền đầu tiên của đất nước" - chị Cúc chia sẻ.