Vua Gia Long thực thi chủ quyền biển đảo
Chủ quyền - Ngày đăng : 14:29, 20/03/2023
Bộ Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn được giới khoa học coi là bộ Quốc sử Việt Nam triều Nguyễn đã ghi chép khá đầy đủ những sắc lệnh của vua Gia Long từng ban hành để bảo vệ và khai thác quần đảo Hoàng Sa trong những năm ở ngôi (1802-1820).
Những ấn phẩm chứng minh chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và thẻ ghi danh Đội Hoàng Sa với những tên tuổi như: Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật, Cai đội Phạm Quang Ảnh, Suất đội Phạm Văn Biên, Đà công Đặng Văn Siểm... Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế (tức vua Gia Long), đệ nhất kỷ quyển XII (12) có chép: Quý Hợi, niên hiệu Gia Long thứ 2 (1803), mùa thu, tháng 7, lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa.
Cũng trong phần đệ nhất kỷ, quyển L (50) lại chép: Ất Hợi, niên hiệu Gia Long năm thứ 14 (1815), tháng 2,... sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển.
Tiếp vào năm sau niên hiệu Gia Long 15 (1816), vua Gia Long lại sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy.
Như vậy, thông qua chính sử triều Nguyễn, nổi bật lên sự quan tâm đặc biệt của vua Gia Long đối với các vùng biển đảo, cụ thể hơn là quần đảo Hoàng Sa. Trước hết, vua Gia Long vẫn tiếp tục kế thừa kinh nghiệm quản lý của các triều đại trước, bằng việc lập lại đội Hoàng Sa từng được các chúa Nguyễn và triều Tây Sơn liên tục thực hiện. Năm 1815, Phạm Quang Ảnh là Cai đội đã chỉ huy các thủy thủ của đội Hoàng Sa lần đầu tiên tiến hành việc thăm dò đường biển từ Quảng Ngãi ra đến các quần đảo nằm trên Biển Đông. Ngay năm sau 1816, vua Gia Long đã cho kết hợp giữa lực lượng thủy quân Nhà nước với đội dân binh địa phương Quảng Ngãi (đội Hoàng Sa) để làm nhiệm vụ thẩm tra, xem xét, đo đạc hải trình mà trước đó, đội Hoàng Sa đã thực hiện.
Ngoài các tư liệu do Quốc sử ghi chép ra, trong các gia phả, tộc phả của nhiều dòng họ tại đảo Lý Sơn còn cung cấp thêm nhiều chứng cớ bổ sung. Theo gia phả dòng họ Phạm Quang, lập ngày 16 tháng 6 năm Gia Long thứ 5 (1806): Cụ thủy tổ là Phạm Quang Minh cùng hai con là Phạm Quang Nhật và Phạm Quang Nguyệt từ làng An Vĩnh trong cửa biển Sa Kỳ, dời ra sinh sống ở phường An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Đến đời Phạm Quang Ảnh, Cai đội Hoàng Sa rất nổi tiếng vào những năm 20 của thế kỷ XIX, dòng họ Phạm Quang đã là một cự tộc ở Cù Lao Ré. Nhưng dòng họ này hàng năm vẫn tập trung về thờ tự tại nhà thờ họ gốc ở làng An Vĩnh, còn từ đường Phạm Quang Ảnh ở Lý Sơn chỉ là nhà thờ nhỏ của một chi trong họ. Trên khám thờ ở nhà thờ chính dòng họ Phạm Quang trong đất liền vẫn thờ bài vị của Phạm Quang Ảnh. Ngôi nhà thờ này hiện nay không còn nữa, nhưng vẫn được lưu giữ trong ký ức của nhiều cụ cao tuổi trong dòng họ truyền lại cho lớp cháu con đời sau.
Sau chuyến đi năm 1815, Cai đội Phạm Quang Ảnh còn đi nhiều chuyến ra Hoàng Sa, mỗi năm khởi hành vào tháng hai âm lịch và về đến bờ vào tháng tám âm lịch.
Tương truyền, trong một lần ra khơi, vị cai đội đã mất tích. Vua Gia Long đã ra đảo Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Do không ai tìm được xác của ông và đồng đội, thầy phong thuỷ trong đoàn tùy tùng của nhà vua đã sai dân chúng lên núi Giếng Tiền lấy đất sét để thầy nặn đất thành hình người, cúng chiêu hồn trong một đêm, rồi làm lễ an táng. Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, kế tiếp là hai mươi tư người lính đội Hoàng Sa. Tất cả gồm hai mươi lăm ngôi mộ gió, xếp thành một hàng dài. Kể từ đó, dân đảo Lý Sơn có tục đắp mộ gió cho người đi biển bị chết mất xác.
Phạm Quang Ảnh được phong làm Thượng đẳng thần và được nhân dân An Vĩnh thờ cúng như Thành hoàng. Tên của ông được đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cần đặc biệt lưu ý, trước khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã từng nhận được sự giúp đỡ của nhiều sĩ quan quân sự các nước phương Tây, nhất là các sĩ quan nước Pháp trong quá trình diễn ra chiến tranh với triều Tây Sơn. Chính các viên sĩ quan Pháp này đã đắc lực hỗ trợ việc xây dựng một lực lượng thủy quân mạnh cho Gia Long chống lại những đợt tấn công trên biển, sông của thủy quân Tây Sơn.
Trong số đó, nổi lên có anh em Dayot là Jean Maurice Dayot và Fe’ly Dayot, người Pháp, đều theo giúp Nguyễn Ánh từ năm 1788. Người anh là Jean Maurice Dayot mang tên Việt là Đa Đột, từng được phong chức Khâm sai Cai đội. Từ năm 1790, M.Dayot chỉ huy lực lượng thủy quân của Nguyễn Ánh, vào năm 1793 phụ trách hai chiếc tàu tham gia trận thủy chiến tại Quy Nhơn lần thứ nhất. M.Dayot là một nhà hàng hải giỏi, đã có công trợ giúp Nguyễn Ánh việc đo đạc, xây dựng các tấm hải đồ Biển Đông và hải đồ bờ biển Đàng Trong.
Vì vậy, sau khi đã nắm vương vị, vua Gia Long lại tiếp tục chú trọng tới việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển đảo ở Biển Đông, nhất là quần đảo Hoàng Sa. Điều này đã được các viên sĩ quan, giáo sĩ người Pháp thân cận với Gia Long xác nhận qua hồi ký cá nhân của họ.
J.Chaigneau (có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), Cố vấn quân sự lâu dài cho Nguyễn Ánh và sau này là vua Gia Long viết: Xứ Cochinchine mà Quốc vương này nay đã xưng đế hiệu (chỉ vua Gia Long - NHT), gồm có xứ Đàng Trong, Bắc Hà (Tonquin)... vài đảo gần bờ biển, có dân cư và quần đảo Paracels, gồm có nhiều đảo và mỏm đá thiếu dân. Vào năm 1816, đương kim Hoàng đế đã chiếm hữu đảo ấy’’.
Giám mục Jean Louis Taberd thì cho biết tỉ mỉ hơn, trong sách “Bức tranh Thế giới - Lịch sử và mô tả các dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán của họ” xuất bản tại Paris năm 1833, có đoạn viết: “Chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng từ hơn 34 năm nay, quần đảo Paracel mà người Việt gọi là Cát Vàng gồm rất nhiều hoang đảo chằng chịt với nhau, lởm chởm những đá nhô lên… Những hoang đảo này đã được chiếm cứ bởi người Việt xưa Đàng Trong... Có điều chúng tôi biết chắc là Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó vào vương miện của Ngài; vì vậy mà Ngài xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa và chính là vào năm 1816, Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong”.
Không chỉ một lần Giám mục J. Taberd đưa ra sự kiện trên, 16 năm sau, ông đã tái xác nhận, bằng một bài báo tiếng Anh phát hành ở Ấn Độ vào năm 1849 như sau: “Năm 1816, Ngài (chỉ vua Gia Long- NHT) đã tới long trọng cắm cờ quốc gia của ông và chính thức giữ chủ quyền các hòn đảo này mà hình như không một ai tranh giành với ông”.
Từ những tư liệu của Quốc sử, tộc phả các họ tham gia đội Hoàng Sa và nhất là những ghi chép khá trung thực, khách quan của sĩ quan quân sự, giáo sĩ phương Tây đương thời, có thể khẳng định, các quần đảo miền Trung và Nam nước ta, nhất là quần đảo Hoàng Sa, đã liên tục thuộc về lãnh thổ Việt Nam từ thời các chúa Nguyễn qua triều Tây Sơn và đến triều Gia Long. Không chỉ ban hành các mệnh lệnh cho thủy quân triều Nguyễn cùng dân binh địa phương ra Hoàng Sa thực hiện nghĩa vụ và dò đường vẽ hải trình, mà chính vua Gia Long đã trực tiếp cắm cờ xác nhận chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816. Đây thực sự là những bằng chứng lịch sử không thể phủ nhận về chủ quyền lãnh thổ đảo biển của Việt Nam.
TS. Nguyễn Hữu Tâm - (Viện Sử học Việt Nam)
Theo bienphong.com.vn