Nam sinh IELTS 8.5 chỉ ra "bẫy" đề thi thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:04, 20/03/2023
Bùi Thành Việt (sinh năm 2001) hiện là sinh viên năm cuối Học viện Ngoại giao. Thành Việt hiện sở hữu 8.5 IELTS, trong đó các kỹ năng Listening (nghe) 8.5, Speaking (nói) 8.5; Reading (đọc) 9.0 và Writing (viết) 8.5.
Thành Việt đã chỉ ra một số "bẫy" thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua khiến thí sinh "mất điểm oan".
Hai "bẫy" cần chú ý ở kỹ năng Nghe
Phủ định thông tin
Theo Thành Việt, phủ định thông tin là một trong những thách thức phổ biến khi làm bài nghe trong kỳ thi IELTS. "Bẫy" này xuất hiện khi người nói tự phủ định thông tin bản thân hoặc hai người nói trong một bài hội thoại. Cách để nhận biết chính là chú ý đến các chữ mang nghĩa phủ định mệnh đề trước như: However, although, nevertheless, if only, actually…
Giải pháp để vượt qua loại "bẫy" này là đừng chọn đáp án cho đến khi người nói chuyển sang câu tiếp theo.
Đề cập đến nhiều đáp án nhưng chỉ có một đáp án đúng
Đây là một trong những cách để kiểm tra khả năng lắng nghe và chắt lọc để hiểu được thông tin chính xác trong bối cảnh phức tạp.
Để vượt qua loại câu hỏi này, thí sinh cần cẩn thận lắng nghe, hiểu rõ câu hỏi, tập trung vào những chi tiết quan trọng và đặc biệt chú ý đến các cụm từ gây nhiễu. Nếu không chắc chắn về câu trả lời, hãy tạm bỏ qua nó. Sau đó quay lại làm khi đã có đủ thông tin và suy nghĩ kỹ.
Việc lắng nghe cẩn thận và tìm kiếm câu trả lời chính xác sẽ giúp bạn tránh những bẫy tương tự.
Lưu ý trong bài thi Nói
Câu hỏi "bẫy" về thì, cấu trúc câu
Câu hỏi trong phần thi nói đôi khi được thiết kế để thử thách kiến thức của thí sinh về một chủ điểm ngữ pháp nhất định, ví dụ như câu điều kiện. Bản thân Thành Việt trong phòng thi rất nhiều lần do áp lực mà quên mất những yếu tố ngữ pháp trong câu hỏi.
"Chẳng hạn: Khi được hỏi là "What would you do if you got your dream job?" (Tạm dịch: Bạn sẽ làm gì nếu bạn có được công việc mơ ước), mình trả lời "I will be happy" (Tôi sẽ rất hạnh phúc), như vậy là mình mắc bẫy rồi.
Vậy nên, khi đi thi, hãy chú ý về ngữ pháp (thì, câu điều kiện...) trong câu hỏi để trả lời sao cho "gãi đúng chỗ ngứa" kẻo mất điểm oan", Thành Việt lưu ý.
Không hiểu câu hỏi nhưng không hỏi lại
Trong trường hợp không hiểu câu hỏi, hãy mạnh dạn hỏi lại để có thể đảm bảo bạn sẽ đưa ra câu trả lời đúng đề. Thành Việt chia sẻ trải nghiệm của bản thân: "Hồi mình 16 tuổi thi IELTS lần đầu tiên, mình được hỏi một câu như sau "Do you think school uniforms should be mandatory" (Bạn có nghĩ là phải bắt buộc học sinh mặc đồng phục không?).
Khi đó, mình không hiểu chữ "mandatory" (bắt buộc). Mình nghe ná ná chữ "voluntary" (tự nguyện) thành ra mình hiểu thành "đồng phục của trường có nên tự nguyện hay không".
Việt vẫn thường đưa ra lời khuyên cho bạn bè, học viên là "trả lời gì thì trả lời nhưng phải đảm bảo là hiểu đúng đề trước". Nếu không hiểu thì chỉ cần hỏi lại giám thị với mẫu câu: "Sorry" hoặc "can you rephrase the question?" (Thầy/cô có thể nhắc lại câu hỏi được không?).
IELTS là bài thi ngôn ngữ chứ không phải bài thi kiến thức
Đối với kỹ năng nói, hãy xem giám khảo như một người bạn, đừng quá chú tâm vào yếu tố nội dung mà quên đi ngữ pháp. Theo đó, nếu câu chuyện của bạn có hay đến đâu nhưng cách truyền tải nội dung tệ (không đa dạng từ vựng, sai ngữ pháp) thì cũng khó đạt được mức điểm cao.
Bài thi Đọc cần lưu ý gì?
Câu hỏi na ná câu trong đoạn văn
Theo đánh giá của Thành Việt, "viết lại câu với nghĩa không đổi" là một trong những thử thách khó khăn nhất mà thí sinh có thể gặp phải. Đây là loại câu hỏi mà đề bài sẽ sử dụng các từ đồng nghĩa hoặc các cách diễn đạt khác để thay đổi câu hỏi ban đầu, khiến cho việc tìm kiếm thông tin và đọc hiểu trở nên khó khăn hơn.
Để đối phó với "bẫy" này, thí sinh cần chú ý đến cấu trúc câu và các từ quan trọng; đồng thời tìm kiếm các từ đồng nghĩa hoặc cụm từ mang ý nghĩa tương tự. Ngoài ra, thí sinh cần đọc hiểu đề bài một cách kỹ càng và nắm rõ ý chính của từng đoạn văn để đưa ra câu trả lời chính xác.
"False" và "Not given" quá giống nhau
Bẫy False (bài đọc có thông tin trái ngược hoàn toàn) thường được đặt ra bằng cách sử dụng các từ hoặc cụm từ có ý nghĩa ngược lại với ý chính của đoạn văn. Điều này có thể khiến cho bạn suy nghĩ rằng tuyên bố phủ định của phủ định là đúng, nhưng thực tế lại là Not given (thông tin đó không có trong bài đọc).
"Bẫy" Not Given thường được đặt ra bằng cách sử dụng các tuyên bố không liên quan đến nội dung chính của đoạn văn, hoặc các tuyên bố quá chung chung hoặc không rõ ràng để xác định được đúng hay sai.
"Bẫy" trong bài thi Viết
Đề cùng chủ đề nhưng câu hỏi hoàn toàn khác nhau
Phần thi Viết trong IELTS có rất nhiều chủ đề, và trong mỗi chủ đề lại có những nhánh nhỏ khác nhau. Việt đưa ra ví dụ: "Cùng một chủ đề về môi trường, có những đề hỏi "Vì sao chúng ta phải bảo vệ môi trường?", cũng có những đề hỏi "Làm gì để bảo vệ môi trường?".
Nếu thí sinh không đọc đề cẩn thận mà chỉ tìm từ khóa và không tập trung vào suy nghĩ hướng phân tích thì rất dễ lạc đề. Hay nói cách khác, cùng một chủ đề, câu hỏi chỉ cần "lái" đi một chữ là cách tiếp cận bài cũng khác nhau rồi.
Đề chứa từ đa nghĩa
Các từ đa nghĩa là các từ có nhiều ý nghĩa khác nhau. Điều này có thể dẫn đến sự hiểu nhầm hoặc không rõ ràng trong bài viết của thí sinh.
Để tránh bị mắc "bẫy" từ đa nghĩa trong bài viết, Thành Việt khuyên thí sinh hãy đọc thật cẩn thận đề bài, tìm xem trong đề bài có từ đồng nghĩa nào không.
Không có sự so sánh
Đề bài hay có câu "make comparisons where relevant" (hãy so sánh khi có liên quan). Từ khóa ở đây là "có liên quan" (where relevant) và đây là điều đánh lừa nhiều thí sinh.
Việt "gỡ rối" cho trường hợp này là hãy học cách nhóm số liệu, sau đó so sánh giữa các nhóm và tìm cách đưa ra những thể hiện sự tương đồng hoặc tương phản hợp lý.