Gặp tai nạn nghiêm trọng, đôi vợ chồng trẻ lâm vào ngõ cụt

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:02, 01/08/2017

Anh nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Chị đứng sát bên, cúi người xuống gỡ bịch chất thải từ hậu môn nhân tạo. Chị làm rất nhẹ nhàng, còn anh đang chìm vào giấc ngủ, chẳng mảy may hay biết...

Lâm vào ngõ cụt 

Chúng tôi đến thăm anh tại khoa ngoại chỉnh hình bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp trên đường Âu Dương Lân (phường 3, Quận 8, TP.HCM). Anh là Lê Văn Giang, 35 tuổi quê ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Anh Giang vào tạm trú ở Bình Dương từ nhiều năm nay mưu sinh bằng nghề thợ hàn tự do.

Chị Thúy nhiều ngày nay phải bỏ công việc chăm sóc chồng.

Sáng 2/6 vừa qua, anh đi xe máy để đến nơi làm việc. Vừa qua khỏi cổng KCN Đại Đăng (TP mới Bình Dương) thì bất ngờ từ phía sau, một xe đầu kéo chở container 40feet đã húc vào đuôi xe anh. Anh Giang ngã xuống khiến cả người và xe bị cuốn vào gầm. Anh cố giữ nón bảo hiểm để đầu khỏi va chạm. Hai chân anh bị cán nát.

Xe đầu kéo dừng lại. Nạn nhân và chiếc xe được kéo ra khỏi gầm. Ngay lập tức, anh Giang được chuyển đến bệnh viện Bình Dương cấp cứu. Tại đây, anh được xác định đứt chân bên phải lên đến nửa đùi, văng tinh hoàn, gãy xương mu, rách hậu môn. Anh được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy ngay sau đó.

Trong một tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy anh đã trải qua 5 lần phẫu thuật, gồm cả gọt bỏ phần mềm để cứu chân còn lại vì đã hoại tử. Anh cũng đã được tạo hậu môn nhân tạo và giải phẫu ghép da. Sau đó, anh được chuyển đến khoa ngoại chỉnh hình bệnh viện Phục hồi chức năng để tiếp tục chữa trị.

Trong gần 2 tháng chiến đấu với sự sống, người bạn đời của anh, chị Nguyễn Thị Thúy 30 tuổi luôn cần mẫn chăm sóc chồng. Chị Thúy là người cùng quê tha phương vào Nam sống bằng nghề thợ may cho một công ty may ở Thuận Giao.

Theo lời chị Thúy, sau khi tai nạn xảy ra, tài xế xe đầu kéo vốn cũng là người đồng hương với anh chị, thuộc diện lao động nhập cư nghèo và rất khó khăn. Đứng trước việc không may đã xảy ra, anh tài xế tỏ ra bất lực vì không có tiền để phụ vào chữa trị cho anh Giang. Vi vậy, công ty của anh đã ứng 40 triệu đồng và yêu cầu chị làm giấy bãi nại để đem xe về nhưng chị không đồng ý.

Chị Thúy cho biết thêm, tính đến giờ viện phí của anh Giang tuy đã có bảo hiểm hỗ trợ một phần nhưng chi phí cũng đã lên đến 60 triệu đồng. Sắp tới, anh Giang còn phải nhiều lần ghép da, phẫu thuật hậu môn và còn rất nhiều công đoạn chữa trị khác đòi hỏi nhiều tốn kém. Trong khi đó, kinh tế của gia đình lâm vào kiệt quệ sau tai nạn của anh. Vì bận chăm sóc chồng mà chị phải tạm nghỉ việc. Thu nhập không còn, đứa con nhỏ cũng phải tạm gởi về bên ngoại chăm sóc.

Đang cần những bàn tay cứu giúp 

Đứng bên giường bệnh, chị Thúy mở cho chúng tôi xem vết thương của anh. Chân phải giờ đây đã cụt tới háng. Chị buồn bã nói: "Lúc mới bị, chân còn được nửa đùi. Hi vọng sau khi lành bệnh còn có thể dùng chân giả. Thế nhưng trong quá trình điều trị, vết thương bị hoại tử phải cắt bỏ dần nên bây giờ không biết còn hy vọng được bao nhiêu".

Đang trò chuyện dở thì anh Giang thức giấc, nhìn chúng tôi cười ái ngại rồi thốt lên "Buồn quá chú ơi, sau này lấy gì mà sống?". Câu hỏi của anh thật chua xót mà không ai có thể giúp trả lời. Là lao động chính trong nhà, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo ở Nghệ An. Cha đã mất, mẹ già mắc bệnh tim chưa có tiền chữa trị. Năm người em của anh mỗi đứa một nơi, tha phương cầu thực. Nay anh lại gặp tai nạn đau thương, cả nhà không biết bấu víu vào đâu.

Chị Thúy trải lòng bằng giọng nói hết sức buồn rầu: "Vẫn chưa biết anh còn điều trị bao lâu nữa. Những ngày sắp tới cái ăn hằng ngày của hai vợ chồng tại bệnh viện vẫn là nỗi lo canh cánh, chưa dám nghĩ đến khoản phát sinh viện phí sắp tới. Hiện chúng tôi đã phải dùng đến những đồng tiền cuối cùng của bạn bè quyên góp gởi cho. Hết tiền này rồi không biết phải làm sao đây".

Theo bác sĩ điều trị, bệnh của anh Giang cần phải có nhiều thời gian để phục hồi.

Bác sĩ Hồ Hoàng Tuấn, Khoa Ngoại chỉnh hình Bệnh viện Phục hồi chức năng cho biết, việc điều trị vết thương cho bệnh nhân Giang đòi hỏi nhiều thời gian. Trước mắt, cần phải chữa lành tất cả các vết thương, phục hồi lại hậu môn. Sau đó, bệnh nhân cần phải tập cho đầu gối của chân còn lại có thể cử động được vì sau một thời gian ngưng hoạt động khớp gối và các khớp ở chân đã cứng. Sau cùng, khi mọi việc đã ổn chúng tôi sẽ kiểm tra lại hậu môn. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp chúng tôi mới đóng hậu môn để bịnh nhân trở lại bình thường...

Đã gần 2 tháng trôi qua và còn phải mất thêm nhiều tháng nữa vết thương của anh Giang mới lành được. Gia đình anh Giang, chị Thúy vẫn đang rất cần sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng.

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 01/08/2017
https://vietnamnet.vn/gap-tai-nan-nghiem-trong-doi-vo-chong-tre-lam-vao-ngo-cut-386507.html

Trần Chánh Nghĩa