Sự trở lại của nghề buôn hàng xách tay
Bất động sản - Ngày đăng : 09:44, 19/03/2023
Suốt nhiều năm, Elaine Kong, ngụ tại Thâm Quyến, kiếm tiền bằng cách vận chuyển hàng hóa từ Hong Kong (Trung Quốc) vào Trung Quốc.
Mỗi cuối tuần, cô sẽ băng qua biên giới và mua những thùng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, kem dưỡng mắt hàng hiệu và các sản phẩm đắt tiền hoặc khó kiếm ở đại lục. Khi về nhà, cô sẽ bán lại và kiếm lời từ giá chênh, Sixth Tone đưa tin.
Giờ đây, khi Trung Quốc cuối cùng đã nới lỏng các hạn chế đi lại sau 3 năm thực hiện chính sách Zero Covid-19, Elaine lại một lần nữa thực hiện các chuyến đi qua biên giới Hong Kong.
Nhưng lần này, cô vận chuyển hàng hóa theo hướng ngược lại.
Các daigou sang nước ngoài và tìm mua sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng trong nước. Ảnh: Tencent. |
Ngành tỷ USD
Những tuần qua, Elaine (30 tuổi) mua đồ ăn vặt và trà sữa trân châu thời thượng ở Thâm Quyến, rồi giao chúng cho các khách hàng ở Hong Kong.
Elaine cho biết nhu cầu mua sắm của người Hong Kong và các sinh viên Trung Quốc sống ở thành phố này là rất đáng kinh ngạc. Đến nay, cô đã thực hiện hàng chục chuyến đi và giao hơn 100 món đồ.
Tương tự Elaine, những người buôn hàng xách tay ở Trung Quốc, hay còn được gọi là daigou, đã bắt kịp xu hướng mới này sau khi biên giới Hong Kong mở cửa trở lại vào đầu năm 2023.
Việc vận chuyển hàng hóa từ Thâm Quyến đến xứ Cảng thơm trở nên phổ biến đến nỗi cụm từ “daigou ngược” đã trở thành thuật ngữ thông dụng, và là biểu tượng cho thấy một sự thay đổi đáng kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu tiên.
Trước năm 2020, buôn bán hàng xách tay là một ngành công nghiệp lớn ở Trung Quốc. Khoảng 1 triệu người Trung Quốc được cho là làm nghề này.
Daigou thường đem các sản phẩm không có sẵn ở các cửa hàng Trung Quốc, chẳng hạn một số loại mỹ phẩm nước ngoài hoặc sửa hộp trẻ em. Trong một số trường hợp, họ giúp khách hàng tránh thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa xa xỉ.
Mua sắm hàng hiệu thông qua daigou sẽ giúp khách hàng tránh được khoản thuế nhập khẩu. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Chính quyền Trung Quốc đã thông qua luật ngăn chặn thị trường xám này (các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức) vào năm 2019.
Thế nhưng, hoạt động buôn bán hàng xách tay ở xứ tỷ dân vẫn tiếp tục phát triển. Theo một ước tính, ngành công nghiệp daigou đã tạo ra 40 tỷ USD vào năm đó.
Từ buôn hàng hiệu sang đồ ăn vặt
Cho đến khi đại dịch bùng phát, hầu hết quốc gia trên thế giới áp đặt lệnh cấm du lịch, đóng cửa các trung tâm mua sắm và hủy các chuyến bay quốc tế, ngành daigou cũng rơi vào cảnh điêu đứng.
Suốt 3 năm tiếp theo, người tiêu dùng Trung Quốc tìm ra những cách khác để tiếp cận nguồn hàng hóa nước ngoài. Ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế và Hong Kong thiết lập cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở xứ tỷ dân, như Tmall hay JD.com.
Tháng 2, Hong Kong nới lỏng hoàn toàn các hạn chế đi lại nhưng đã quá muộn đối với những người buôn hàng xách tay. Các daigou nhận ra rằng công việc kinh doanh trước đây của họ không còn khả thi nữa.
Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát biên giới vẫn được duy trì chặt chẽ.
Elaine Kong giao đồ ăn vặt từ Thâm Quyến sang Hong Kong cho các khách hàng. Ảnh: Elaine Kong, |
Trước năm 2020, Yang, một daigou khác ở Thâm Quyến, kiếm tiền bằng cách mua mỹ phẩm ở Hong Kong để bán lại cho các khách hàng tại đại lục. Nhờ có thể mang hàng hóa qua biên giới mà không bị kiểm tra, cô tránh phải trả các khoản thuế đắt đỏ.
Nhưng hiện nay, gần như mỗi lần đi qua biên giới, Yang phải mở túi để nhà chức trách kiểm tra, cũng như khai báo giá trình hàng hóa đem theo. Hiện quy định chỉ cho phép các cá nhân mang hàng hóa có giá trị 5.000 NDT (730 USD) vào Trung Quốc 2 tuần/lần.
“Nếu chỉ mang hàng hóa trị giá 5.000 NDT, tôi chỉ có thể kiếm được khoảng 600 NDT”, cô nói.
Do đó, nhiều người Trung Quốc bắt đầu chuyển sang “daigou ngược”. Cuối tháng 2, hàng trăm quảng cáo về hoạt động thương mại này được đăng trên các nền tảng xã hội như Xiaohongshu hay Facebook, và dường như thu hút rất nhiều khách hàng.
Có nhiều loại đồ ăn vặt thời thượng ở xứ tỷ dân, được gọi là wanghong meishi, rất khó tìm thấy ở phía bên kia biên giới.
Từ buôn hàng hiệu, nhiều daigou chuyển sang xách tay đồ ăn vặt. Ảnh minh họa: CGTN. |
Chẳng hạn, trà sữa trân châu Yidiandian, bánh ngọt của Master Bao, hay các sản phẩm đặc sản từ siêu thị Hema của Alibaba hoặc cửa hàng Sam's Club của Walmart đều được cho là những lựa chọn mua sắm phổ biến cho “daigou ngược”.
Công đoạn bàn giao thường sẽ diễn ra tại một nhà ga dọc theo Tuyến Đường sắt phía Đông của Đường sắt Cao tốc Hong Kong, chạy từ biên giới đến đảo Hong Kong. Nhờ đó, các daigou không cần phải rời khỏi tàu cao tốc và trả thêm tiền mua vé.
Ít rủi ro hơn
Biên lợi nhuận cho những lần giao buôn xách tay ngược này là rất nhỏ. Ví dụ, khách hàng chỉ trả 15 NDT cho mỗi lần giao trà sữa trân châu. Tuy nhiên, nhiều daigou nhận thấy công việc kinh doanh này có một số lợi thế hơn so với trước đây.
Đầu tiên, những người buôn hàng có thể tận dụng các dịch vụ giao hàng nhanh và siêu rẻ ở Trung Quốc. Ngay khi khách hàng ở Hong Kong yêu cầu, họ có thể nhanh chóng đặt giao hàng đến nhà tại Thâm Quyến.
Điều này đồng nghĩa rằng họ không phải chạy từ cửa hàng này qua cửa hàng khác như hồi mua sắm tại Hong Kong.
Thứ hai, daigou không còn phải ứng tiền mua hàng trước với số lượng lớn. Giờ đây, khách hàng sẽ thanh toán luôn ngay khi đặt đơn hàng.
“Hồi đem hàng từ Hong Kong về bán, tôi từng vô tình mua phải hàng giả và mất rất nhiều tiền. Hiện tôi không cần phải chịu rủi ro như thế”, Elaine kể lại.
Sau 3 năm đóng băng, ngành công nghiệp daigou trở lại mạnh mẽ, nhưng phải thay đổi để thích nghi. Ảnh minh họa: Felix Wong/SCMP. |
Cuối cùng, việc mang đồ ăn từ Thâm Quyến vào xứ Cảng thơm dễ dàng hơn nhiều so với chiều ngược lại. Việc kiểm tra hành lý ở biên giới rất nhẹ nhàng, dù Hong Kong cũng hạn chế nhập khẩu thực phẩm.
Hiện Elaine dành 5 tiếng/ngày cho công việc buôn đồ ăn vặt xách tay, kiếm được khoảng 300 NDT. Với Elaine, đây là công việc hoàn hảo cho mình lúc này vì cô quá bận rộn chăm sóc 2 con nhỏ.
Để tiết kiệm thời gian và sức lực, cô nảy ra một số ý tưởng, chẳng hạn tận dụng chức năng chia sẻ vị trí theo thời gian thực trên ứng dụng tin nhắn để cho khách hàng biết khi nào cô đến nhà ga.
Elaine cũng đang nghĩ đến việc phát triển một chương trình nhỏ trên ứng dụng chat nhằm điều phối các đơn hàng, thanh toán và giao hàng.
Tuy nhiên, cô cũng lo rằng tới một ngày, ngành kinh doanh “daigou ngược” trở nên quá phổ biến và chính thức hóa, từ đó tạo ra các vấn đề pháp lý phức tạp và ăn vào lợi nhuận của cô.
“Tạo ra một nền tảng mua sắm tương thích cho cả 2 hệ thống ở Trung Quốc và Hong Kong là rất khó. Ngành buôn hàng xách tay sinh lời cũng bởi vượt qua được tất cả thách thức đó”, cô nói.