Ngọc Huyền túc trực sáng tối tại lễ tưởng niệm Diệp Lang, sức khỏe ra sao?
Dòng chảy - Ngày đăng : 10:42, 18/03/2023
Được sự ủy thác của gia đình, NSƯT Châu Thanh, NSƯT Ngọc Huyền và đạo diễn Xuân Phước đã tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu cho NSND Diệp Lang. Buổi lễ diễn ra từ 9h đến 22h ngày 17/3 tại chùa Tường Nguyên (quận 4, TPHCM). Nhiều đồng nghiệp đã dành thời gian đến thắp hương tiễn biệt "ông hội đồng" của sân khấu cải lương.
Tại buổi lễ, NSƯT Ngọc Huyền túc trực để tiếp đón khách đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin cho gia đình cố nghệ sĩ ở Mỹ. Nữ nghệ sĩ bồi hồi nhớ lại thuở mình mới vào nghề được bác Hai (NSND Diệp Lang) nâng đỡ và dìu dắt. Theo Ngọc Huyền, cô được ông hỗ trợ diễn hơn 300 vở, gắn bó xuyên suốt từ phòng thu đến sân khấu.
Trong tối 17/3, NSƯT Ngọc Huyền đã thể hiện ca khúc "Cát bụi cuộc đời" - bài hát được nữ nghệ sĩ thường xuyên hát cho cố nghệ sĩ Diệp Lang nghe mỗi khi đến nhà ông chơi.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Ngọc Huyền cho biết mặc dù phải túc trực ở chùa từ sáng đến tối nhưng sức khỏe và tinh thần của cô vẫn ổn định. Sau sự cố ngất xỉu ở tang lễ Vũ Linh, Ngọc Huyền đã có chuyến nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng 3 ngày tại Đà Nẵng. Tại đây, cô được gia đình chăm sóc chu đáo nên sức khỏe đã cải thiện.
"Ở lễ tưởng niệm và cầu siêu cho bác Diệp Lang, ngoài tôi còn có sự hỗ trợ từ anh Châu Thanh, đạo diễn Xuân Phước và phía nhà chùa nên mọi thứ đều ổn thỏa. Tôi cũng chủ động chú ý sức khỏe và ăn uống đầy đủ để có thể lo chu toàn cho lễ viếng của bác. Còn về sự cố hôm trước, thật sự tôi không muốn nhắc nhiều, đó chỉ một tai nạn nhỏ thôi", Ngọc Huyền chia sẻ.
Trong giây phút nói lời cảm ơn khách viếng, Châu Thanh nghẹn ngào khi nhắc về kỷ niệm với thầy Diệp Lang. Nam nghệ sĩ cho biết anh gặp cố nghệ sĩ vào năm 1979, từ đó cũng bén duyên với nghiệp hát. Châu Thanh mang ơn NSND Diệp Lang từ những ngày đầu bước vào nghề.
"Hơn 40 năm trôi qua nhưng hình ảnh của thầy vẫn luôn trong tim của tôi và gia đình. Tôi nhớ hoài khoảnh khắc vợ chồng thầy dúi tiền vào tay tôi khi thấy tôi không có tiền mua đồ ăn. Có lần tôi ngồi khóc trong cánh gà vì nhớ nhà, chính thầy cũng là người cho tiền để tôi về quê", Châu Thanh kể trong nước mắt.
Lệ Thủy cho biết sự ra đi của NSND Diệp Lang và NSƯT Vũ Linh là một nỗi mất mát lớn trong giới nghệ thuật cải lương. Nữ nghệ sĩ tiết lộ lần cuối cùng gặp Diệp Lang là hồi năm 2019, cách đây 4 năm. Lúc đó sức khỏe của nam nghệ vẫn tốt và cả hai đã cùng hát trích đoạn "Tô Ánh Nguyệt".
"NSND Diệp Lang là một người anh, đồng thời là một người thầy trong nghề. Khoảng thời gian hoạt động ở đoàn Sài Gòn 2, anh Diệp Lang đã chỉ dạy rất nhiều cho tôi về mặt diễn xuất. Những vở diễn thành công của tôi dưới sự chỉ dạy của anh có thể kể đến như Lỡ bước sang ngang, Ánh lửa rừng khuya", Lệ Thủy nói.
NSND Trọng Hữu xót xa chia sẻ với Dân trí: "Mấy tuần gần đây, tôi rất buồn khi sân khấu cải lương lần lượt nói lời tiễn biệt với các nghệ sĩ tài hoa. Anh Diệp Lang như người thầy của tôi, còn Vũ Linh cũng là một người em hiền lành. Kỷ niệm thì nhiều nên không biết phải kể thế nào, giờ đây chỉ biết nói lời tiễn biệt".
Ngọc Sơn cho biết giọng hát của anh được ảnh hưởng từ bộ môn nghệ thuật cải lương rất nhiều. Sự ra đi của NSND Diệp Lang khiến anh buồn và tiếc nuối. Trong ký ức của Ngọc Sơn, cố nghệ sĩ gây ấn tượng với lối diễn xuất tài tình, kèm theo đó là vẻ thánh thiện, hiền lành ngoài đời.
NSND Thanh Tuấn đau lòng chia sẻ: "Tôi buồn lắm nhưng biết làm sao được, đó là quy luật sống - còn của cuộc sống mà. Diệp Lang và Vũ Linh - những người đã cống hiến cả đời cho nghệ thuật, sự ra đi của họ tất nhiên sẽ để lại nỗi mất mát lớn trong lòng công chúng", nam nghệ sĩ nói.
NSND Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941. Từ nhỏ ông đã theo cha là thầy đờn Ba Diệp đi theo nhiều gánh hát cải lương.
Trải qua bao thăng trầm của đời nghệ sĩ, NSND Diệp Lang cuối cùng cũng ghi danh với các vai ấn tượng như hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu), hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Lê Xuân Giác (Tiếng sóng Rạch Gầm), ông Hai (Đàn ca tri kỷ), ông nội (Cây lẻ bạn)...
Năm 1963, nghệ sĩ Diệp Lang đoạt giải Thanh Tâm. Đến năm 2003, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.