Cần Giờ tiến ra biển và 'lằn ranh đỏ' không được vượt qua
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:59, 18/03/2023
Huyện đảo Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM giáp biển, có vị trí mang tính chiến lược để đại đô thị định hình một nền kinh tế hướng ra biển, tăng khả năng hội nhập quốc tế qua đường hàng hải. Trong tương lai không xa, huyện đảo được định hướng trở thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.
Cùng với đó, các công trình, dự án lớn về hạ tầng giao thông, dịch vụ đã được phác thảo, lên kế hoạch để đánh thức tiềm năng nơi đã "ngủ yên" nhiều thập kỷ. Đón nhận thông tin về ngày Cần Giờ "lên phố", người dân đã gắn bó với huyện đảo xuất hiện những luồng tâm tư trái ngược.
Có người háo hức vì sắp đến lúc Cần Giờ cũng sáng rực đèn, tấp nập du khách như Vũng Tàu, chỉ cách vài km mặt biển. Nhưng cũng có người băn khoăn, sự bình yên vốn có của nơi này có bị mất đi, và cánh Rừng Sác bạt ngàn có bị ảnh hưởng?
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Dân trí, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - người phụ trách đề án phát triển kinh tế đêm của huyện đảo - nhìn nhận, những trăn trở của người dân là điều cần phải lắng nghe, ghi nhận. Trên góc độ quản lý, vị lãnh đạo huyện thẳng thắn chia sẻ, để phát triển, đô thị nào cũng cần sự đánh đổi, nhưng vấn đề là phải cân nhắc và xác định đâu là "lằn ranh đỏ".
Xuyên suốt câu chuyện kéo dài một giờ đồng hồ, "lằn ranh đỏ" được vị lãnh đạo đề cập tới từ những chia sẻ đầu tiên, và được nhắc lại, phân tích nhiều lần. Quan điểm của ông là dù đổi lại sự phát triển tới cỡ nào, thì huyện đảo cũng không thể vượt qua "lằn ranh đỏ" ấy.
Nhìn lại 45 năm kể từ ngày Cần Giờ (huyện Duyên Hải cũ) chính thức sáp nhập vào TPHCM, địa phương đã có những chuyển biến nào về hạ tầng, kinh tế - xã hội?
- Trên góc nhìn của một người có quá trình gắn bó với Cần Giờ nhiều năm, tôi cho rằng thành quả lớn nhất là cả hệ thống chính trị đã khôi phục và phát triển được rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong chiến tranh, cả cánh rừng gần như bị xóa sổ.
Sau năm 1975, được sự quan tâm của anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và lãnh đạo TPHCM, huyện mới hình thành lại được rừng phòng hộ.
Thời điểm đó, từng đoàn người phải di chuyển bằng thuyền gỗ xuống Cà Mau để hái lượm những trái đước, trái bần đem về trồng. Thành quả là chúng ta đã khôi phục lại 34.000ha rừng, đó là kỳ tích. Nhờ việc khôi phục và gìn giữ rừng, huyện Cần Giờ đã được ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động 2 lần.
Đến nay, huyện cũng phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông cả đường bộ và đường thủy. Cần Giờ là một bán đảo, không còn cách tiếp cận giao thông nào khác là các chuyến phà. Ngoài phà Bình Khánh kết nối với TPHCM, tuyến Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An) và Cần Giờ - Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã đi vào hoạt động.
Huyện cũng có nhiều bến phà khách ngang sông để qua Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Cần Giuộc - Cần Đước (tỉnh Long An)…
Khi mạng lưới giao thông phát triển, kinh tế - xã hội của huyện cũng có nền tảng để phát triển theo. Với đặc trưng của vùng duyên hải, trước năm 2000, Cần Giờ chủ yếu là nuôi trồng thủy, hải sản. Nhưng những năm gần đây, chúng tôi chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ với du lịch là mũi nhọn.
Nghị quyết của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 đã xác định rõ, huyện cần phát triển trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Hiện tại, huyện đã chuẩn bị và phấn đấu để đạt được mục tiêu lớn này ra sao?
- Nghị quyết có thời gian từ năm 2021-2030, đến nay đã là quý I/2023, cho nên khối lượng công việc còn lại rất lớn.
Ngay sau khi nghị quyết ban hành, huyện Cần Giờ đã bắt tay vào triển khai và lên kế hoạch cụ thể. Chúng tôi cụ thể hóa từng đầu việc phải làm đưa vào trong kế hoạch của cả giai đoạn và từng năm. Trong đó, huyện xác định rõ cơ quan phụ trách, cơ quan phối hợp, sự hỗ trợ của các sở ngành để làm cơ sở triển khai.
Những đầu việc cần ưu tiên là công tác lập lại quy hoạch huyện Cần Giờ. Bản quy hoạch này là cơ sở để định hướng không gian phát triển. Tiếp theo đó, huyện cũng làm các đề án nhánh nhằm thực hiện toàn diện nghị quyết của Thành ủy.
Chỉ cách nhau khoảng 10km đường biển, TP Vũng Tàu đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, nhưng hình ảnh của Cần Giờ lại trái ngược. Điều này cấp lãnh đạo huyện có suy nghĩ gì?
- Huyện Cần Giờ chỉ cách thành phố du lịch Vũng Tàu rất năng động nằm kế bên khoảng 8-10km đường biển. Tuy nhiên, hình ảnh 2 bên trái ngược nhau, các hoạt động của huyện Cần Giờ gần như dừng lại sau 18h, còn phía Vũng Tàu vẫn sáng rực, tập nập du khách về đêm.
Sau 18h, huyện Cần Giờ gần như rất vắng, cả người dân địa phương cũng rất ít hoạt động. Từ 19-20h, các hoạt động ngừng lại hoàn toàn.
Câu chuyện huyện đảo Cần Giờ đóng cửa sau 18h đặt ra cho chúng tôi một nỗi trăn trở lớn và khó chấp nhận. Mình nằm sát bên người ta, người ta phát triển như vậy, buổi tối sáng trưng còn ở đây tối thui.
Nguyên nhân là do vị trí địa lý, kết nối giao thông chưa được thuận lợi, mình phải chấp nhận. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ du lịch cũng cần được đầu tư để kêu gọi nguồn lực xã hội.
Nhà đầu tư vẫn chờ đợi Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật để lôi kéo khách du lịch. Và khi có các công trình ấy, họ mới tham gia để làm nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú, dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo.
Là người phụ trách đề án kinh tế đêm của huyện Cần Giờ, ông có thể chia sẻ về mục tiêu bản đề án này hướng tới?
- Đề án là điều được chúng tôi ấp ủ nhiều năm. Với tiềm năng của địa phương, các cấp lãnh đạo, các chuyên gia kinh tế hay bản thân chúng tôi cũng cảm nhận huyện Cần Giờ có nhiều dư địa để phát triển.
Cần Giờ là một trong những địa phương khống chế được dịch Covid-19 sớm nhất TPHCM. Ngay sau thời điểm đó, lãnh đạo thành phố đã về huyện làm việc và tôi đã phát biểu về ý tưởng phát triển kinh tế đêm huyện đảo. Ý tưởng này được lãnh đạo UBND TPHCM ủng hộ, cho phép chấp bút triển khai, xây dựng phương án để các sở, ngành xem xét, góp ý.
Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được chủ trương này. Tuy nhiên, phương án của huyện Cần Giờ lại có những điểm va chạm với các quy định về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Để phát triển kinh tế đêm, huyện cần có điểm nhấn là khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Huyện cần có cơ chế mở để hình thành các loại hình đó.
Dù lãnh đạo TPHCM và các sở, ngành hết sức ủng hộ, nhưng huyện cần gỡ những điểm vướng này mới có thể phát triển kinh tế đêm. Chúng tôi cũng tin tưởng, với sự hỗ trợ của các sở ngành và quan tâm của lãnh đạo TPHCM, chắc chắn mô hình này sẽ triển khai được tại Cần Giờ.
Khi phương án đưa ra được phê duyệt, huyện Cần Giờ mới có cơ sở pháp lý để triển khai đề án. Tôi tin rằng, mô hình kinh tế đêm của huyện sẽ tạo những bước đột phá vì đây không chỉ là sự kỳ vọng của người làm công tác quản lý, mà cả người dân, doanh nghiệp cũng phấn khởi trước thông tin Cần Giờ đang ấp ủ, thai nghén mô hình làm kinh tế đêm.
Ngoài sự chờ đợi, hào hứng về ngày Cần Giờ vươn ra biển lớn, người dân cũng tâm tư việc địa phương sẽ mất đi bình yên - bản sắc đặc trưng vốn có, cánh rừng Sác được gìn giữ bấy lâu bị ảnh hưởng. Liệu có sự đánh đổi nào diễn ra trong quá trình vươn dậy của huyện đảo?
- Ở góc độ quản lý và góc độ cá nhân, tôi xin thẳng thắn chia sẻ, chúng ta phát triển thì chúng ta phải đánh đổi, vấn đề là chúng ta phải cân nhắc chỗ nào là "lằn ranh đỏ".
Trong tổng diện tích 70.000ha, Cần Giờ có 34.000ha là rừng, đó là "lằn ranh đỏ". Khu đô thị lấn biển, cảng trung chuyển, cầu thay phà Bình Khánh hay các dự án lớn khác trước khi hình thành phải trả lời được câu hỏi sẽ ảnh hưởng ra sao đến 34.000ha rừng.
Khôi phục, phát triển, gìn giữ rừng ngập mặn không đơn thuần là một việc chuyên môn, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM và huyện Cần Giờ. Đó là lá phổi của TPHCM và cả vùng, tất cả thế hệ chúng tôi hiện nay và những ai là cán bộ, lãnh đạo của huyện Cần Giờ đều nhớ rõ điều đó.
Sự phát triển là xu thế tất yếu của xã hội và của bất kỳ địa phương nào, và đi kèm với đó là những đánh đổi. Tuy nhiên, sự đánh đổi ấy phải hài hòa, phù hợp. Với huyện Cần Giờ, cánh rừng này là "lằn ranh đỏ" và không thể đem ra để ngã giá.
Những trăn trở về việc bảo vệ rừng khi phát triển huyện được các cán bộ lão thành, giới trí thức đặt ra nhiều lần. Ý kiến của họ là có cơ sở và các cấp quản lý phải nghe và ghi nhận ở nhiều chiều.
Khi đi qua phà Bình Khánh, các bạn sẽ thấy cây cầu Phước Khánh, bắc qua sông Lòng Tàu, thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cây cầu này đi qua huyện Cần Giờ nhưng không có điểm nối với huyện.
Nhiều người hồi đó vẫn băn khoăn vì sao tuyến đường lấy đất của huyện Cần Giờ, nhưng người dân không được hưởng lợi. Lý do là để giữ cánh rừng, khi mở đường nối với tuyến đường, khu dự trữ sinh quyển sẽ bị ảnh hưởng.
Vấn đề này cũng tương tự với các dự án cảng container, cảng trung chuyển tới đây. Trước khi xây dựng dự án, các cơ quan phải làm báo cáo tác động môi trường, lấy ý kiến người dân, thẩm định. Trước khi được Chính phủ phê duyệt, các cơ quan có thẩm quyền phải trả lời câu hỏi là dự án có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ hay không, ảnh hưởng ở mức độ nào và có chấp nhận sự ảnh hưởng đó không. Đây là những vấn đề ở tầm vĩ mô và không thuộc thẩm quyền quyết định của huyện Cần Giờ.
Lấy ví dụ từ chính tôi, mỗi chiều đi làm về, tôi dựng xe trước cửa, chìa khóa vẫn để đó. Sau khi ăn cơm xong, tôi dắt xe vô sân nhà, khóa cổng lại.
Nhưng trong tương lai, việc này có lẽ phải thay đổi. Phát triển là xu thế của xã hội, cùng với sự phát triển này, mỗi người đều phải chỉn chu lại. Tài sản của mình thì mình phải tự bảo vệ.
Một ví dụ khác là hiện tại, tuyến đường Rừng Sác dài hơn 30km, 6 làn xe, rộng thênh thang, ở giữa có giải phân cách. Nhưng tới đây, khi dự án lấn biển triển khai, việc đi lại cũng không được thoải mái như bây giờ. Mật độ giao thông tăng lên, nguy cơ tai nạn giao thông cũng tăng lên.
Khi huyện Cần Giờ phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội và vấn đề phát sinh khác. Anh không thể nói sợ phát sinh vấn đề nên không phát triển.
Trong việc thực hiện đề án kinh tế đêm và thực hiện Nghị quyết của thành phố về định hướng phát triển đến năm 2030, huyện đã chuẩn bị nguồn nhân lực ra sao và vấn đề tạo sinh kế cho người dân được tính toán thế nào?
- Với Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, chúng tôi đã chuẩn bị các đề án nhánh, trong đó chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực. Huyện có nhiều dự án trọng điểm, cần có tư thế đón đầu để không bị bỏ lại phía sau, không thua ngay trên sân nhà.
Thực tế, vấn đề này đã được chú trọng ngay từ nhiệm kỳ 2005-2010, khi chúng tôi ý thức được địa bàn mình là địa bàn du lịch. Trong quãng thời gian này, huyện có chương trình đào tạo nhân lực ngành du lịch hàng năm.
Những năm cuối thập niên 1990 và đầu thế kỷ 20, huyện Cần Giờ hàng năm không có học sinh đậu đại học. Tình trạng này chuyển biến trong giai đoạn 2010-2015. Các em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 thời điểm đó nếu có nhu cầu sẽ được học tại các trường nghề đào tạo ngành du lịch tại huyện Cần Giờ.
Hiện tại, Cần Giờ có khoảng 38 trường học, trong đó có 4 trường trung học, danh sách quản lý học sinh đều có thể nắm rõ. Định hướng của huyện là trong 100 em học sinh cấp 3, sẽ có khoảng 70 em đậu đại học, 20 em học trung cấp và 10 em sẽ không tiếp tục học.
Trong số 30 em không vào đại học, huyện có thể khuyến khích cho các em học lái xe, học ngành nghề, phục vụ các dịch vụ. Trong thời gian tới, khi dự án khu đô thị lấn biển hoàn thành, nguồn nhân lực của chính huyện Cần Giờ cần đủ tiêu chuẩn để đáp ứng phần nào nhu cầu của dự án lớn này.
Về mặt quản lý Nhà nước, huyện cũng đặt mục tiêu tới năm 2030, tất cả cơ quan, đơn vị có 100% lãnh đạo và 50% cán bộ khác có trình độ thạc sĩ trở lên. Mọi thứ chúng tôi vẫn đang làm theo cách có định lượng, không nói xuông.
Đối với quyền lợi của người dân, thời điểm ban hành nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ, mức thu nhập bình quân đầu người tại huyện là khoảng 61 triệu đồng/người/năm. Tất cả các đề án nhánh, kế hoạch, dự tính sắp được triển khai được đánh giá thông qua mức thu nhập bình quân đầu người của Cần Giờ năm 2030.
Mình có làm gì đi nữa thì kết quả để đánh giá vẫn là mức sống người dân có được nâng lên hay không. Sau khi kết thúc một chương trình phát triển, chúng ta nhìn lại đời sống người dân được nâng lên mới là cái quan trọng cần hướng đến.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Q.Huy - Phương Nhi
Thiết kế: Thủy Tiên
18/03/2023