Vấn đề pháp lý vụ khách mất gần 47 tỷ đồng gửi tại Sacombank

Xã hội - Ngày đăng : 10:32, 17/03/2023

Theo luật sư, cán bộ ngân hàng có thể bị xử lý về 1 trong 2 tội danh theo Bộ luật hình sự. Ngoài ra, cần xác định tư cách của họ khi rút tiền để xác định trách nhiệm của Sacombank.

Tháng 5/2022, bà Hồ Thị Thùy Dương (ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Khánh Hoà bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 4/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỷ đồng.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội Tham ô tài sản) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỷ đồng từ tài khoản của bà Dương. Sau nhiều tháng không được ngân hàng trả lại tiền, bà Dương đã gửi đơn kêu cứu tới Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Trường hợp này, các cán bộ, nhân viên ngân hàng có thể chịu trách nhiệm ra sao? Ngân hàng có phải liên đới bồi thường thiệt hại bởi người lao động của mình gây ra không?

Những tội danh có thể áp dụng

Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm) cho biết theo Điều 352 Bộ luật Hình sự 2015, người có chức vụ là người do bổ nhiệm, bầu cử, do hợp đồng hoặc một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định người có chức vụ, quyền hạn sẽ bao gồm các nhóm đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức; người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức hoặc những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó...

Theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý về tội Tham ô tài sản.

mat 47 ty Sacombank anh 1
Phòng giao dịch Cam Ranh, Sacombank Khánh Hoà, nơi bà Dương gửi tiền. Ảnh: V.A.

Đối chiếu các quy định trên, luật sư Trang cho biết Phó phòng giao dịch Cam Ranh là người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp còn các cán bộ, nhân viên ngân hàng khác là những người được giao thực hiện các nhiệm vụ tại ngân hàng, trong đó có việc bảo đảm tiền gửi cho khách hàng và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó. Việc họ tự ý rút gần 47 tỷ đồng, theo cáo buộc của bà Dương, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị xử lý về tội Tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo khoản 4 Điều này, trường hợp giá trị tài sản chiếm đoạt từ 1 tỷ đồng trở lên, khung hình phạt áp dụng là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, Điều 72 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì những người đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra sự việc vi phạm pháp luật. Tuỳ thuộc mức độ, các cá nhân có thể bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ quy định này, luật sư Trang nhìn nhận quản lý cấp trên của bà Hà tại Sacombank có thể phải chịu trách nhiệm liên đới khi đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định về quản trị nội bộ của Ngân hàng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không kiểm tra, kiểm soát theo quy định của ngân hàng để nhân viên chiếm đoạt tiền của khách. Tuỳ thuộc mức độ, những người này có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết việc gửi tiền của bà Dương tại Sacombank được lập thành hợp đồng tín dụng. Các cán bộ, nhân viên Sacombank đã nhận tài sản của khách hàng dưới hình thức hợp đồng rồi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Tuỳ thuộc kết quả xác minh, ngoài tội Tham ô tài sản, cơ quan điều tra cũng có thể xem xét xử lý nhóm cán bộ, nhân viên rút tiền của khách về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Với giá trị tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể đối diện mức phạt 12-20 năm tù.

"Về số tiền 46,9 tỷ đồng, cần xác định chính xác mức độ hành vi vi phạm của các cán bộ, nhân viên. Trường hợp xác định nhóm cán bộ, nhân viên này đã cùng nhau lên kế hoạch để chiếm đoạt tiền thì họ phải chịu trách nhiệm chung với số tiền nêu trên và liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp xác định đây là hành vi riêng lẻ, số tiền nêu trên là tổng hợp của nhiều lần vi phạm riêng lẻ, độc lập của từng cán bộ, nhân viên thì từng người sẽ chịu trách nhiệm với phần thiệt hại mình gây ra", luật sư Hùng bình luận.

Sacombank có phải chịu trách nhiệm?

Nói về trách nhiệm của Sacombank đối với thiệt hại do người lao động thuộc quản lý của pháp nhân gây ra, ông Hùng nhìn nhận cần đánh giá theo 2 trường hợp sau:

Thứ nhất, nếu cán bộ ngân hàng lấy danh nghĩa Sacombank để rút tiền thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân, căn cứ Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo quy định này, nếu các cán bộ nhân danh Sacombank để rút tiền thì ngân hàng có nghĩa vụ trả tiền cho khách. Luật sư cho biết khách hàng có quyền, nghĩa vụ ký hợp đồng với ngân hàng thông qua người đại diện hoặc người có đủ năng lực thay mặt ngân hàng, còn ngân hàng có trách nhiệm phải quản lý nhân viên. Do đó, trách nhiệm sẽ thuộc về ngân hàng nếu nhân viên, cán bộ lấy danh nghĩa của ngân hàng để ký kết các hợp đồng.

Ngoài ra, cũng cần xem xét thẩm quyền ký hợp đồng tín dụng của các cán bộ, nhân viên thuộc Sacombank Cam Ranh. Nếu họ không có đủ thẩm quyền để nhân danh ngân hàng tham gia ký kết hợp đồng thì hợp đồng đó bị vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận.

Thứ hai, nếu các cán bộ thực hiện việc rút tiền dưới danh nghĩa cá nhân thì theo khoản 2 Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người đó xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Nếu các cán bộ, nhân viên thực hiện rút tiền không nhân danh pháp nhân thì Sacombank sẽ không phải chịu trách nhiệm trả nợ, bồi thường thay cho những người lao động do mình quản lý.

Như vậy, luật sư Hùng nhìn nhận yếu tố quyết định xác định trách nhiệm của Sacombank là tư cách của các cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Cam Ranh khi thực hiện rút tiền. Cần làm rõ việc họ rút tiền dưới tư cách của pháp nhân hay cá nhân, từ đó xác định trách nhiệm của ngân hàng.

mat 47 ty Sacombank anh 2
Sao kê ngân hàng của bà Dương. Ảnh: X.H.

Về việc Sacombank đang chờ ý kiến từ phía công an để có hướng giải quyết, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng luật Hưng Yên) đánh giá đây là cách xử lý chưa hợp tình hợp lý. Theo luật sư, trong quá trình gửi tiền, ngân hàng có trách nhiệm đối với tiền gửi của khách hàng. Nếu xảy ra sự cố hay mất mát, ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả khách hàng số tiền đó.

Trong trường hợp này, ngân hàng và cơ quan tiến hành tố tụng đã làm việc với nhân viên ngân hàng cũng như bà Dương và cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố về tội Tham ô tài sản. Điều này chứng tỏ việc bà Dương bị mất tiền trong tài khoản là sự thật. Do vậy, ngân hàng cần xử lý ngay bằng cách trả lại tiền cho bà Dương.

"Theo lãnh đạo Sacombank Khánh Hòa, ngân hàng đã trả tiền cho một số khách hàng. Vậy tại sao chưa trả tiền cho bà Dương như khách hàng khác mà phải chờ ý kiến từ phía công an? Tiến trình của một vụ án hình sự có thể kéo dài từ một đến vài năm, nếu chờ ý kiến kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng mới giải quyết trường hợp của bà Dương thì quyền lợi của khách hàng sẽ không được đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống của người này", luật sư Quynh bình luận.