Khách quốc tế thiếu lý do chi tiền ở Việt Nam
Du lịch online - Ngày đăng : 10:30, 17/03/2023
Du khách quốc tế cần thêm trải nghiệm khi đến Việt Nam. Ảnh: Phạm Hà. |
Theo TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, mức chi tiêu tính trên đầu khách tại Việt Nam đang là 7,5 USD/người/đêm, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia cùng khu vực.
Một số chuyên gia trong ngành nhận xét để thay đổi điều này, du lịch Việt Nam cần phải có thêm nhiều sản phẩm mới nhằm "móc hầu bao" du khách.
Du khách thiếu cái để chi
Thực tế, nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam đưa ra nhận xét thiếu và không có những sản phẩm giá trị, đa dạng để họ mua sắm hay không có địa điểm mua sắm phù hợp để tiêu tiền.
Will (du khách người Anh) cùng hai người bạn chọn Việt Nam là điểm đến cuối cùng trong hành trình khám phá Đông Nam Á. Khi hỏi về chi phí cho chuyến du lịch ở Việt Nam, cả ba đều nhận xét là rất rẻ.
Khách nước ngoài tại phố đường tàu Hà Nội. Ảnh: Hải Nam. |
"Các dịch vụ ở Việt Nam đều khá vừa túi tiền. Mức giá này thấp hơn nhiều so với nước tôi", Will chia sẻ.
Nam du khách cho biết thêm các dịch vụ du lịch ở TP.HCM tương đối đầy đủ và không thua gì các điểm đến khác. Tuy nhiên, điểm đến này vẫn chưa có nhiều hoạt động đặc biệt để du khách muốn chi đậm hơn.
Tương tự, du khách người Hàn Quốc Sohee cũng nhận xét giá cả cho các dịch vụ ăn uống ở Việt Nam không quá cao. Đơn cử có thể kể đến là cà phê. Nữ du khách cho biết ở Hàn Quốc, cô phải trả số tiền gần như gấp đôi so với Việt Nam cho cùng một món đồ uống.
Mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế khi đến Thái Lan là 30 USD/người, Singapore là trên 100 USD/người. Ông Lương nhận xét nước ta đang thiếu trầm trọng các điểm kinh tế đêm như tổ hợp vui chơi - mua sắm - ăn uống.
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Trung tâm nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu (GTERC) cho thấy khách du lịch Trung Quốc chi tiêu cho chuyến đi du lịch nước ngoài cao nhất thế giới và có mức chi tiêu bình quân chuyến đi thuộc top khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đây cũng là một trong những thị trường outbound lớn của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, mức chi tiêu của họ tại nước ta khá thấp, chỉ đạt gần 50% so với mức chi tiêu bình quân của nhóm khách này khi đi du lịch nước ngoài, khoảng 1.850 USD/người thời điểm trước dịch Covid-19.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”, Chủ tịch Sun Group, ông Đặng Minh Trường, cũng nhấn mạnh vai trò mức chi tiêu của du khách quốc tế với du lịch Việt Nam.
"Năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày", ông cho biết.
Với những thị trường trọng điểm, khách quốc tế có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu 1.100-2.000 USD/chuyến đi. Con số này chênh lệch khá nhiều so với thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú 1-2 ngày và mức chi tiêu cũng không bằng.
Cần phát triển thêm sản phẩm tiềm năng
Thống kê từ World Data về lịch sử khách quốc tế đến các nước trong khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2008-2019 cho thấy các điểm đến khác cơ bản giữ được doanh thu bình quân trên một khách. Việt Nam lại trên đà giảm từ vị trí thứ 5 xuống thứ 6.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nguyên nhân chính của việc du khách quốc tế "cầm tiền đến rồi mang tiền về" do Việt Nam còn chưa phát triển hai dòng sản phẩm rất tiềm năng: du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí.
Vị này nhận xét Thái Lan và Singapore là hai nước đang làm rất tốt việc "móc hầu bao" du khách từ du lịch mua sắm. Loại hình du lịch này góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% trong năm 2020.
Việt Nam còn thiếu những hoạt động để thu hút khách hạng sang. Ảnh: Thanh Đức. |
Bên cạnh đó, khi đến xứ chùa Vàng, du khách có thể trải nghiệm đầy đủ các mô hình như trung tâm thương mại trung cấp hay cao cấp, trung tâm thương mại factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, cửa hàng miễn thuế, chợ vải, chợ thời trang...
Còn ở Singapore, điểm đến này trở thành thiên đường mua sắm của khách nước ngoài vì chính sách miễn thuế và độ phong phú của các cửa hàng, trung tâm mua sắm.
Còn với mô hình du lịch sức khỏe, báo cáo của Global Wellness Institute chỉ ra quy mô loại hình này năm 2020 là 436 tỷ USD và dự báo tăng lên tới 1.128 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là một trong những thị trường mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch.
Tại Thái Lan, các sản phẩm du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỷ USD trong năm 2020. Nếu Việt Nam ưu tiên phát triển thị trường này, đây có thể sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới.