Bán gạo giá cao cho Mỹ, châu Âu, nông dân làm chủ những cánh đồng triệu đô
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:35, 17/03/2023
Bán gạo giá cao cho Mỹ, châu Âu, nông dân làm chủ những cánh đồng triệu đô
Cùng là đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cùng trồng lúa, có khi chỉ bên này sông với bên kia sông... nhưng thu nhập mỗi vụ lúa của nông hộ lệch nhau cả chục triệu đồng trên từng mẫu đất. Điều đáng nói, những người làm lụng vất vả lại có thu nhập thấp hơn những hộ "chân không phải lội bùn" - mọi khâu canh tác đều dùng máy móc.
***
Thực tế "ngược" này xuất hiện kể từ đầu những năm 2010, khi các doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu triển khai hợp tác với nông dân để trồng lúa xuất khẩu. Trên những cánh đồng có liên kết với doanh nghiệp, nông dân được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, máy móc trong mọi khâu canh tác, sản phẩm cũng được bao tiêu. Trong khi ở những cánh đồng canh tác theo tập quán truyền thống - người dân vẫn phải tự túc tất cả, vẫn phải chịu cảnh giá cả phập phù.
Những cánh đồng không dành cho người Việt
Mấy năm nay, nông dân ở huyện Châu Thành, An Giang đã hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời canh tác 5.000 ha lúa chất lượng cao chuyên để xuất khẩu đi châu Âu - thị trường tiêu dùng khó tính bậc nhất thế giới.
Cánh đồng vụ Đông - Xuân chừng 10 ngày nữa được thu hoạch, rộng mênh mông, nhưng tuyệt nhiên không thấy một lá cỏ vươn lên ngọn lúa. Những bông lúa ngả vàng gục đầu nằm trên những mảnh ruộng đều tăm tắp, phẳng lì như mặt nước biển hồ về chiều, kéo đến tận chân trời.
Ông Huỳnh Văn Phên ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành kể: "Lúc kỹ sư của doanh nghiệp đến mời tham gia dự án trồng lúa xuất khẩu đi châu Âu, chúng tôi e ngại lắm, vì nghĩ rất khó. Trước nay nông dân chỉ quen cái cày, con trâu. Nay công ty bảo cấy cày đều bằng máy, lại bón phân, phun thuốc bằng máy bay không người lái, ai cũng hoang mang chẳng biết thế nào.
Rồi chính quyền cũng góp lời vào, nói rằng trồng lúa chất lượng cao vừa nhàn, vừa được giá, công ty lại thu mua toàn bộ, chúng tôi mới an tâm. Từ ngày tham gia dự án, nông dân ít phải ra đồng, cái gì cũng có kỹ sư đến tư vấn tận nơi, chỉ cần chiếc điện thoại là biết được ruộng nhà mình đang khô hay ngập, tốt hay xấu".
Tham gia dự án, không chỉ nhàn, những nông dân như ông Phên cũng dần có cuộc sống ổn định và cải thiện. Giờ đây họ gần như chẳng phải lo gì, ngày xuống giống, ngày gieo sạ, ngày bón phân đều có kỹ sư nhắc nhở. Trồng lúa gì, bón phân gì đều có người hướng dẫn. Đến ngày gặt cũng chẳng lo giá cả, chỉ cần cuốn tập, cây viết đứng ở đầu bờ ghi sản lượng, công ty bao tiêu sạch.
Đứng trước cánh đồng lúa đang chờ chín, nông dân Huỳnh Văn No ở xã Bình Hòa (Châu Thành) không giấu nổi nụ cười. Gia đình ông No tham gia dự án với đúng 1ha đất ruộng.
Nhờ được kỹ sư tư vấn mật độ gieo sạ, tỷ lệ, liều lượng phân thuốc mà gia đình ông No giảm được đáng kể chi phí đầu vào. Vụ lúa năm nay, ông No chắc mẩm sẽ thu hoạch được không dưới 12 tấn, so với canh tác kiểu cũ, gia đình ông có thêm hơn chục triệu đồng tiền lãi.
"Lúa bán được giá, lại nghe bảo bán đi hẳn châu Âu, nông dân như chúng tôi vừa phấn khởi, vừa tự hào. Bà con hết cảnh bị ép giá, đời sống sau này sẽ càng tốt hơn", ông No nói.
Những nông hộ tham gia dự án cho biết, qua mấy năm canh tác kiểu mới, quy trình, kỹ thuật trồng trọt, kỹ năng sử dụng máy móc hầu hết mọi người đều đã thành thạo, có thể tự hỗ trợ nhau làm được. Mọi người ai cũng có ý thức giúp nhau để hạt lúa làm ra đạt chất lượng cao nhất, đơn giản chỉ vì "nếu bị công ty đánh rớt là phải bán giá thấp cho thương lái, thiệt đơn thiệt kép".
"Khi liên kết với bà con, chúng tôi có hỗ trợ cấp vốn từ đầu vụ. Lúa thu hoạch về được chúng tôi bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 200.000 đồng mỗi tấn. Thị phần và khối lượng gạo xuất đi châu Âu của chúng tôi liên tục tăng qua các năm. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực mở rộng thị trường để đảm bảo ổn định đầu ra cho các vùng nguyên liệu", ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ.
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đang liên kết với nông dân sản xuất lúa chất lượng cao, chuyên xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp, nông dân đạt mục tiêu lợi nhuận mà còn góp phần giảm thải khí nhà kính, từng bước hình thành những cánh đồng chất lượng cao, bền vững như mục tiêu Bộ NN&PTNT đề ra.
Hiện tỉnh An Giang có khoảng 250.000 ha lúa, nhưng chỉ hơn 25% diện tích canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Tỉnh này đang nỗ lực đầu tư hạ tầng cho ngành nông nghiệp, kêu gọi, xúc tiến doanh nghiệp liên kết với nông dân, mở rộng áp dụng GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân.
Gạo Việt giữa chợ quốc tế
Cũng như nông dân An Giang, nông dân Kiên Giang và nông dân Cần Thơ đang hợp tác cùng Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An) mở rộng những cánh đồng mẫu lớn. Công ty Trung An đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100.000ha trong đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL mà Chính phủ đề ra.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Trung An chia sẻ, sau nhiều năm tham gia xuất khẩu gạo, doanh nghiệp dần nhận ra để bán được giá cao phải sản xuất được hạt gạo thị trường muốn, không thể chỉ mãi bán hạt gạo mình có. Những sản phẩm giá trị cao này không thể đi ra từ sản xuất nhỏ lẻ. Để thay đổi, năm 2011, công ty đã hợp tác với nông dân huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) xây dựng cánh đồng nguyên liệu rộng 480ha.
"Có cánh đồng mẫu lớn, Trung An là doanh nghiệp Việt đầu tiên chào bán ra nước ngoài lô gạo đến 2.000 tấn mà chỉ một loại giống. Khi đàm phán với khách nước ngoài, người ta không tin. Họ nói từ trước tới giờ chưa thấy doanh nghiệp Việt có lô gạo nào chỉ một loại giống với số lượng lớn như vậy.
Nhận được hàng, đối tác họ mừng ra mặt và thốt lên: 'Trời ơi, gạo Việt Nam thay đổi rồi'. Lô hàng đó chúng tôi bán được cao hơn thị trường đến 70USD/tấn", ông Bình nhớ lại.
Về kinh nghiệm "đánh thị trường quốc tế", đại diện một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu gạo đã có chỗ đứng ở thị trường Nhật Bản, châu Âu chia sẻ, trước khi đưa sản phẩm vào thị trường, doanh nghiệp phải tìm hiểu rõ yêu cầu của nước sở tại về sản phẩm mình muốn bán. Ví dụ Nhật Bản có hơn 450 tiêu chí với gạo nhập khẩu từ Việt Nam cùng các chính sách đi kèm, tương tự Hàn Quốc có hơn 380 tiêu chí.
Doanh nghiệp phải nắm rõ các yêu cầu về hàng hóa của thị trường mục tiêu, từ đó mới xây dựng được quy trình sản xuất để cho ra sản phẩm đạt chuẩn.
Cũng theo vị doanh nhân này, hầu hết các doanh nghiệp Việt sẽ bắt đầu xuất khẩu gạo bằng cách đóng gói sản phẩm bằng tên tuổi của nhà nhập khẩu. Khi có đủ điều kiện doanh nghiệp mới dần đưa sản phẩm mang thương hiệu của mình vào thị trường.
Để sản phẩm vào được thị trường, doanh nghiệp Việt cũng cần tìm đơn vị kết nối, đơn vị nhập khẩu và đơn vị phân phối ở nước nhập khẩu. Nắm rõ được chính sách, yêu cầu của thị trường và tìm được đối tác tin cậy là những điều kiện tiên quyết khi tìm kiếm thị trường mới.
Không chạy theo số lượng, chú đến chất lượng
Theo các doanh nghiệp nông nghiệp, muốn thu hút đầu tư để trở thành vùng sản xuất gạo chất lượng cao thì những cánh đồng buộc phải có diện tích lớn, hạ tầng đê bao, tưới tiêu, giao thông thủy bộ thuận tiện.
Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay của ngành lúa gạo địa phương là không hướng đến sản lượng mà chất lượng là chính.
"Không chạy theo số lượng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để nâng cao giá trị của chất lượng sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Đó là mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng đến", ông Mười nhấn mạnh.
Ông Mười dẫn chứng, như ở Bạc Liêu đề xuất tham gia thực hiện đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao của Bộ NN&PTNT. Trong đó, tỉnh này đăng ký 45.000 ha.
Chính sách để thực hiện đề án này, người dân được hỗ trợ không thấp hơn 50% từ nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để ứng dụng giống mới, công nghệ mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo để nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm (giảm phân hóa học, tăng cường phân vi sinh, sản xuất sạch, an toàn…) từng bước nâng giá trị lúa gạo đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, để ngành lúa gạo có "chỗ đứng" trên sân nhà và thị trường xuất khẩu, ông Mười cho rằng cần có nhãn hiệu, thương hiệu riêng của địa phương hoặc cả vùng.
Hướng đến vấn đề này, ông Mười cho biết, ở góc độ địa phương thì tỉnh đang xây dựng quy trình lưu hành giống lúa thơm của Bạc Liêu. Trong đó, quá trình sản xuất có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm giống, cán bộ kỹ thuật, cơ giới hóa và người dân làm theo quy trình kỹ thuật riêng biệt chứ không tràn lan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, cho rằng để mở rộng diện tích trồng gạo chất lượng cao cần rất nhiều nguồn lực. Nhà nước cần phải tham gia để đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ; các trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải được nâng tầm, thực hiện các dịch vụ công về cơ giới và công nghệ, từ đó nông dân mới có điều kiện thay đổi tập quán canh tác.
Nội dung:Nhóm PV ĐBSCL
Ảnh: Hữu Khoa, Bảo Kỳ
Mời quý độc giả đọc tuyến bài:
Bài 1: Những cánh đồng không dấu chân người ở miền Tây
17/03/2023